Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người cựu chiến binh làm hồi sinh hồ Cự Chính

Trí Long| 10/07/2016 07:27

(HNM) - Người dân quanh hồ Cự Chính (Thanh Xuân) đã rất quen với hình ảnh một cụ già tóc bạc trắng, dáng nhanh nhẹn ngày ngày đi vòng quanh hồ vớt rác. Đó chính là cụ Nguyễn Văn Tạ, ở số nhà 182, phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Nhiều năm qua, cụ cần mẫn làm sạch hồ nước và không nhận một đồng thù lao nào.

Cụ Nguyễn Văn Tạ mỗi ngày đều ra hồ Cự Chính dọn rác.


Vớt rác cũng như tập thể dục thôi mà!

Cụ Nguyễn Văn Tạ từng tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Sau khi phục viên, cụ chuyển về công tác tại Đội Cầu đường (Bộ Giao thông - Vận tải), cùng đồng nghiệp vượt qua muôn vàn khó khăn mở những cung đường Tây Bắc. Nghỉ hưu năm 1982, cụ Tạ chuyển về sống tại phố Quan Nhân, tham gia công tác tại phường Nhân Chính. Hiện nay, cụ là Ủy viên MTTQ phường Nhân Chính.

Hồ Cự Chính nằm giữa hai phường Thượng Ðình và Nhân Chính thuộc quận Thanh Xuân. Hồ nước đẹp, có khu thủy đình và là địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân mỗi chiều ra đây câu cá, tập thể dục, cắt tóc... Ngày cụ Tạ còn nhỏ, hồ Cự Chính là nơi sinh hoạt chung của cả làng như tắm giặt, rửa ráy, nấu ăn và cũng là nơi thanh niên hẹn hò, vui chơi... Ký ức cụ Tạ vẫn còn nguyên vẹn những kỷ niệm đẹp gắn với hồ nước này.

Cách đây khoảng hai chục năm, người dân bắt đầu sử dụng nước máy, hồ không được quan tâm dọn vệ sinh, giữ gìn như trước nên nước hồ bị nhiễm bẩn. Từ năm 2010 trở lại đây, cụ Nguyễn Văn Tạ nhận thấy, càng ngày hồ càng ô nhiễm trầm trọng, nếu không vớt rác thì chẳng mấy mà hồ trở thành ao tù. Nghĩ là làm, ngày 2 lần, cụ vác sào ra vớt rác, dọn hồ. Sáng từ 7h30, chiều khoảng 17h, sau khoảng gần một giờ dọn dẹp, mặt hồ lại sạch sẽ…

“Hồ nước đẹp, gắn với biết bao kỷ niệm của người dân tại đây. Tôi không đành lòng nhìn nó chết dần. Có thời gian, đi qua đây toàn thấy rác, mùi hôi nồng nặc, khó chịu lắm. Do đó, tôi đi dọn rác hằng ngày, coi như đi tập thể dục luôn” - cụ Tạ bình thản, nhẹ nhàng nói về công việc của mình. Nghĩ là làm, vậy là hằng ngày cụ cần mẫn với chiếc sào tre đi vớt rác trên mặt hồ, gom vào một bao tải đổ ra xe rác. Cứ đi lần lượt, vòng quanh khắp hồ cho đến khi nào hết rác thì thôi. Cụ Tạ cho biết thêm, người dân thường có thói quen thắp hương vào mùng một và ngày rằm, sau đó thường vứt túi tro, ni lông xuống hồ. Những ngày này, công việc "vác tù và hàng tổng" của cụ thật vất vả, phải trực vớt rác cả ngày mới hết. Rồi những ngày mùa đông, gió rét, lá cây khô rơi rụng nhiều cũng phải tốn thêm nhiều công sức để làm sạch hồ.

“Hồ này nhìn vậy mà ngày nào cũng có đủ loại rác nổi lên. Nào là cá chết, lá cây, chai lọ, túi ni lông, xác động vật thối rữa… Có lần tôi vớt được cả xác một con chó đã chết mấy ngày, trương phình... ” - cụ Tạ nói.

Việc nhỏ làm hồi sinh hồ Cự Chính

Không quản nắng mưa hay giá rét, khỏe mạnh là cụ Tạ lại ra hồ. Từ ngày cụ Tạ tay sào, tay túi đi vớt rác, số lượng rác thải đã đỡ hẳn, hồ nước dần sạch hơn. Mỗi chiều, người dân lại ra hồ câu cá, thể dục, trò chuyện, trẻ nhỏ tíu tít nô đùa. Chứng kiến việc làm của cụ, nhiều người dân đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung cho hồ.

Anh Nguyễn Lượng, một người thường xuyên ra hồ thể dục mỗi chiều nói với phóng viên: “Cụ làm việc này cũng lâu rồi, từ trước khi tôi ra đây thể dục. Việc làm của cụ không chỉ giúp cho hồ sạch sẽ hơn, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho người dân mà còn tạo một tấm gương tốt cho người trẻ noi theo. Những việc cụ làm, người dân quanh khu này ai cũng kính trọng cụ và lấy đó làm gương cho con cháu bảo nhau cùng giữ gìn hồ”.

Chia sẻ về việc làm bình dị của mình, cụ Tạ cho biết: Cống hiến cho đất nước trong suốt những năm chiến tranh, nay may mắn được trở về với gia đình nên tôi luôn nghĩ mình phải sống cho xứng đáng với những đồng đội đã nằm lại chiến trường. Làm việc gì, dù lớn hay nhỏ cũng là góp phần cho quê hương thêm văn minh, tiến bộ, cho môi trường thêm xanh, sạch, đẹp.

Những ngày đầu, khi cụ Tạ vớt rác, người dân nhìn như một sự lạ, bởi tự dưng lại có người làm việc không công. Cụ chỉ khẽ cười và bảo với mọi người, từ người già đến em nhỏ, đừng nên vứt rác ra đây, có xe rác thì phải gom rác vào thùng cho vệ sinh. Nhìn cụ tuổi cao, nhiều người ái ngại cho rằng cụ tham công tiếc việc, nhiều lần khuyên cụ nên nghỉ ngơi, tuổi già vất vả dễ đau ốm. Lúc đó, cụ chỉ cười, cụ Tạ còn bảo, mỗi ngày đi vớt rác như được thể dục, thấy trong người khỏe khoắn ra nhiều, còn hơn là ngồi ở nhà.

Hồ Cự Chính gần Trường Tiểu học Nhân Chính, hồi cụ mới vớt rác, nhiều học sinh thấy lạ nên thường ra hồ quan sát cụ làm việc và hỏi lý do. Sau khi được giải thích thấu đáo, nhiều em cũng tranh thủ cùng cụ vớt, nhặt rác để vào đúng nơi quy định... Có thể nói việc làm của cụ và các em học sinh đã tác động tích cực đến ý thức về giữ gìn môi trường sạch đẹp của người dân sinh sống nơi đây. Theo một người thợ cắt tóc ở bờ hồ Cự Chính, việc làm “không công” của cụ Nguyễn Văn Tạ không chỉ là tấm gương tốt cho các em nhỏ mà còn tạo nhiều chuyển biến trong cách nghĩ của cư dân khu vực. Nhờ có cụ mà nhiều người dân ý thức được việc phải giữ gìn hồ Cự Chính vì nó như “lá phổi chung” của cả khu dân cư đông đúc này.

Cùng với việc vớt rác hằng ngày, cụ Tạ còn tích cực tham gia các hoạt động của phường, của tổ dân phố, thường xuyên đi đến các hộ dân nhắc nhở để rác đúng nơi quy định, nên đổ rác đúng giờ, giữ gìn vệ sinh chung. Với việc làm của mình, cụ Nguyễn Văn Tạ trở thành một trong những tấm gương điển hình được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương Cựu chiến binh tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh quận Thanh Xuân năm 2014.

Nay tuổi đã cao, sức đã yếu hơn nhiều, trò chuyện với chúng tôi, cụ chỉ mong muốn, thông qua việc làm nhỏ bé của mình để vận động mỗi người dân Hà Nội có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường chung, giữ cho được cảnh quan xanh, sạch, đẹp của Thủ đô cũng như của mỗi khu dân cư. Sống đã gần trọn đời người, cụ suy nghĩ đơn giản rằng, môi trường sạch thì con người cũng khỏe mạnh hơn và ngược lại, bệnh tật cũng bắt nguồn từ sự ô nhiễm mà ra, mình bảo vệ môi trường thì môi trường lại bảo vệ sức khỏe cho mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người cựu chiến binh làm hồi sinh hồ Cự Chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.