Đại đoàn 316 được giao nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm A1 và C1 trong thung lũng Mường Thanh - 2 mục tiêu “rắn” nhất trong số 5 cứ điểm của tập đoàn địch ở Điện Biên Phủ. Trung đoàn 174 là đơn vị chủ công do Nguyễn Hữu An chỉ huy được phân công diệt A1, còn nhiệm vụ thanh toán đồi C1 được giao cho Trung đoàn 98 do Vũ Lăng - chàng trai người Hà Nội, quê ở Thanh Trì - chỉ huy.
Bộ đội ta kéo pháo vào trận địa
Đúng 18h ngày 30-3-1954, pháo ta đồng loạt nổ súng, cấp tập dội bão lửa xuống các cứ điểm. Trận địa pháo địch chìm trong lửa khói, bụi đất. Giống như đợt I, pháo địch bị bịt họng, im bặt cả giờ. Bộ binh ta khẩn trương chuẩn bị công đồn.
Tại điểm cao C1, súng phóng lựu mở cửa mở. Bộc phá nổ chính xác, phá tung từng mảng rào. Chỉ trong vòng mươi phút, đường xung phong đã mở xong, xung kích ào ạt như gió lốc ập vào đồn khiến binh sĩ địch luống cuống, nháo nhác chạy dạt vào sâu trong cứ điểm. Hơn 100 lính Âu Phi cố chống đỡ nhưng đã bị sức mạnh quân ta đè bẹp. Đại đội 140 địch đã bị tiêu diệt, ta chỉ bị thương vong 10 người, đơn vị công đồn còn rất sung sức. Nhưng tiểu đoàn lại điều Đại đội 35 ở phía sau lên thay thế, để đánh C2 gần đó. Trong lúc đội hình quân ta bị ùn, tập trung đông, công sự ít, phải phơi mình trên khoảng trống thì cũng là lúc pháo binh địch hoàn hồn, dồn dập nã xuống làm nhiều chiến sĩ bị thương.
Đồi C2 lớn, địa hình thoai thoải nối với đồi C1 hình yên ngựa, chạy xuống đường 41, rất thuận lợi cho địchtổ chức phản kích. Trên đồi cấu trúc công sự khá kiên cố, với chiến hào nối liền các ụ súng hình thành thế liên hoàn trong phòng ngự. Ngoài cùng địch rải nhiều lớp dây thép gai cũi lợn.
Phải mất hơn 4 tiếng, trong lúc địch đã ngưng đợt xạ kích ban đầu, đơn vị mới sắp xếp xong đội hình tấn công. Mặc dầu cán bộ, chiến sĩ ta anh dũng chiến đấu, dũng mãnh vượt qua yên ngựa, đột nhập chiếm được một đoạn hào, diệt cả chục ụ súng đề kháng của địch nhưng lực lượng phía sau không lên được trước hàng rào lửa đạn bắn cản của các cứ điểm gần đó. Tiểu đoàn buộc phải rút về C1 củng cố lực lượng, chuẩn bị trận đánh tiếp theo.
Những ngày sau, cũng như ở các cứ điểm D1, E… địch liên tiếp phản kích. Các đơn vị phải tổ chức phòng ngự, kiên quyết giữ vững trận địa, giành giật với địch từng ụ súng, từng đoạn hào kéo dài cho đến khi dứt điểm A1 là vị trí cuối cùng phải diệt và cũng là thời điểm kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên.
Trung đoàn 98 của Vũ Lăng vốn là Trung đoàn Thủ đô - chàng trai Hà Nội từng cùng đơn vị kiên cường giữ vững lời thề: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” bám trụ, quần đánh địch suốt 60 ngày đêm trên mảnh đất kinh kỳ với vô vàn khó khăn, gian khổ, lập được nhiều chiến công hiển hách, ghi vào trang sử oai hùng của quân dân Hà Nội như các trận đánh ở Đường Thành, Hàng Thiếc, chợ Đồng Xuân…
Khi mới thành lập, Trung đoàn 98 quy tụ phần lớn con em Hà Nội. Qua 8 năm kháng chiến, đơn vị đã tham gia nhiều trận đánh nên cán bộ chiến sĩ trung đoàn đã trưởng thành theo năm tháng, làm cán bộ nòng cột cho nhiều đơn vị. Vũ Lăng là một điển hình.
Anh sinh năm 1921, tên thật là Đỗ Đức Liêm, quê xã Ngũ Hiệp - Thanh Trì. Sau Điện Biên, anh được đề bạt làm Tham mưu trưởng Đại đoàn 316, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Phó Tư lệnh Quân khu 4, Cục phó rồi Cục trưởng Cục Tác chiến. Trong chiến dịch Tổng tiến công mùaxuân 1975, anh được bổ sung vào Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên, nhận chức Tư lệnh Quân đoàn 3, đảm nhiệmmột hướng tấn công vào giải phóng Sài Gòn.
Những năm 1970, chiến sĩ, cán bộ ở Bộ Tổng tham mưu đều biết Vũ Lăng - một người tầm thước đã ngoài 50 tuổi nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Biết anh không chỉ vì anh là cán bộ cao cấp của quân đội mà còn vì tính tình giản dị, chan hòa, gần gũi mọi người. Anh có bộ râu quai nón, cặp mày rậm trông khá nghiêm nghị, nhưng lại là người xởi lởi, hay chuyện.
Các buổi điểm tin hàng tuần giữa Cục 1 (Cục Tác chiến) và Cục 2 (Cục Quân báo) còn có một số cán bộ Tổng cục Chính trị dự, anh thường đến sớm, ngồi chuyện trò thân mật với anh em, kể lại những trận đánh anh đã tham gia hoặc của các đơn vị khác. Không biết đây có phải là do máu nghề nghiệp hay anh còn có ý giáo dục, giúp chúng tôi, những cán bộ tham mưu nhưng lại ít xông pha trận mạc, thêm thấu hiểu, thông cảm với khó khăn của các đơn vị chiến đấu để chỉ đạo công tác tham mưu, tránh những sai sót không đáng có.
Cánh trinh sát chúng tôi rất quý trọng tính cương trực, công bằng, sòng phẳng của anh. Có lần Vũ Lăng nổi nóng trong buổi giao ban, việc qua đi, ít ai để ý tới, nhưng mấy ngày sau, anh tìm đến gặp chúng tôi xin lỗi, nhận sai sót trong đối xử với cán bộ. Nhắc chuyện Điện Biên, anh say sưa kể lại những mẩu chuyện, những kỷ niệm, bài học không thể quên:
“… Quyết định thay đổi phương châm tác chiến của anh Văn (tức đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã tránh được thương vong cho biết bao chiến sĩ.
Trong lễ kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên, tổ chức ở Viện Bảo tàng Quân đội gần như có đông đủ cán bộ đã tham gia chiến dịch, nhiều đồng chí đã nói thật suy nghĩ, đã giãi bày tâm tư mà trước đây vì nhiều lý do không tiện nói ra.
Ngay trong buổi anh Văn giao nhiệm vụ ở Thẩm Púa, tôi cùng một số đồng chí thấy xuôi tai nhưng vẫn còn băn khoăn, muốn được trên giải thích rõ một số điểm, nhưng rồi ngại không dám nêu ra vì sợ bị quy kết thiếu quyết tâm.
Anh Phạm Ngọc Mậu - Chính ủy Pháo binh thật thà bộc lộ: “Nhận được tin thay đổi cách đánh, lệnh kéo pháo ra, đúng là được lời như cởi tấm lòng”.
Tư lệnh Lê Trọng Tấn thì chân thành: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ”.
Cùng với nội dung trên, anh Vương Thừa Vũ lại diễn đạt: Khi nghe phổ biến sẽ bắn 2000 đạn pháo cho trận mở màn, nhiều đồng chí trầm trồ ca ngợi cho là địch sẽ bị bẹp dí trước trận mưa pháo của ta. Thật ra số đạn ấy đổ xuống diện tích rộng cả trăm ki-lô-mét vuông nào có nghĩa lý gì, hồi đánh Tô Vũ, địch đã dội trên 5000 viên để cứu đồn khỏi bị tiêu diệt nhưng nào có ngăn được quân ta tấn công. Đồn vẫn bị xóa sổ đấy thôi.
Có ý kiến nhận xét: Trận đánh C1 của mình có phần “bốc, chủ quan”. Nghiêm khắc kiểm điểm thấy có phần đúng.
Hôm gọi cả tôi và anh An lên nhận nhiệm vụ, anh Văn hỏi “thời gian hoàn thành nhiệm vụ là bao nhiêu ?” Tôi nhanh nhẩu: “Xin 45 phút”. Anh Văn cười vui bảo: Cho cậu 1 giờ. Thực tế chúng tôi đã thực hiện được đúng như đã hứa với Tổng tư lệnh, nhưng nghĩ lại,quả thấy mình chưa cân nhắc trước sau nên đã dồn anh An vào thế kẹt, không biết nên nhận bao thời gian cho phù hợp.
Cho đến bây giờ, có thể nói trận tấn công tiêu diệt cứ điểm đồi C1 Điện Biên Phủ là trận đánh thật sự ác liệt, khó khăn nhất trong cuộc đời làm lính của tôi. Trận đánh đã hằn sâu trong ký ức của mọi người tham gia chiến dịch và sẽ còn lưu lại theo thời gian”.
Sau 1975, Vũ Lăng được cử làm Giám đốc trường Lục quân Đà Lạt với quân hàm Thượng tướng. Anh đã ra đi vĩnh viễn ở tuổi 67 (1988) trong niềm tiếc thương, quý trọng của đồng đội, đồng chí và lớp cán bộ đàn em.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.