(HNMO) – Việc xây dựng và thành lập những “ngôi nhà chung” để những người cao tuổi cùng chia sẻ cuộc sống, sở thích… khi con cái bận làm ăn xa có thể là một xu hướng trong tương lai khi số dân trên 65 tuổi của quốc gia này chiếm tới 10,8%.
SCMP đưa tin ngày 1-1-2018, 13 người cao tuổi từ những gia đình khác nhau đã sống chung trong một tòa nhà 3 tầng tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang (Trung Quốc) từ 6 tháng trước. Sự xuất hiện của những “ngôi nhà chung” kiểu này có thể là một phương án để giải quyết tình trạng dân số lớn tuổi ở nước này đang ngày một tăng cao.
Dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng trong 10 năm trở lại đây. Tính đến cuối năm 2017, có khoảng 231 triệu người già hơn 60 tuổi tại đại lục – chiếm 16,7% dân số toàn quốc gia. Trong số đó, 150 triệu người – chiếm 10,8% số dân Trung Quốc ở độ tuổi từ 65 trở lên, theo số liệu thống kê từ Bộ Nội vụ Trung Quốc.
Theo tờ City Express, 13 cư dân ở độ tuổi từ 60 đến 70 sống cùng một tòa nhà tại quận Yuhang, ngoại ô thành phố Hàng Châu kể từ tháng 7. “Chúng tôi đang sống rất hạnh phúc… và đã quen với cuộc sống hiện tại”, một thành viên chia sẻ.
Chủ sở hữu của tòa nhà là cặp vợ chồng già trong số 6 cặp đôi và 1 góa phụ sống tại đây. Họ đăng tải thông tin quảng cáo trên báo từ tháng 5 với nội dung: Nhà có ao cá, đất trồng rau, cây cối và thú nuôi, họ muốn những người già neo đơn hoặc có con cái đi làm ăn xa ít khi về thăm cùng đến sống tại căn hộ.
Sau đó đã có hơn 20 cặo đôi đăng kí thuê nhà song với diện tích hạn chế, chủ sở hữu ngôi nhà buộc phải đặt ra yêu cầu là những người đến thuê cần có sở thích chung là đánh mạt chược.
Những người đến thuê nhà cùng ký vào bản thỏa thuận, trong đó gồm các điều khoản về việc thuê nhà, nhiệm vụ, giá cả và nội quy để bảo đảm tất cả các thành viên được tôn trọng về thói quen, sở thích, việc giúp đỡ người khác, không làm phiền đến hàng xóm xung quanh…
Căn hộ 3 tầng ở vùng nông thôn có 8 phòng và giá thuê dao động từ 1.200 nhân dân tệ (184 USD)/tháng đến 1.500 nhân dân tệ, phụ thuộc vào vị trí phòng. Tiền thuê nhà bao gồm tiền trả cho một đầu bếp, người dọn dẹp, người làm vườn và các vật dụng hàng ngày cần thiết cho người thuê.
Mỗi nhà sẽ tự đăng ký lịch công việc hàng ngày để giúp đỡ việc nhà một ngày một tuần. Họ có thể chuẩn bị bữa sáng, đun nước, mua thức ăn tươi cho bữa trưa và bữa tối, hỗ trợ nấu ăn, rửa bát, đi đổ rác. Tất cả mọi người cùng nhau ăn uống tại phòng ăn chung.
Một thành viên của tòa nhà, ông Zhou, 73 tuổi cho biết ông và vợ, 62 tuổi thích thuê phòng ở đây vì thích chơi mạt chược. Cả hai người đều đã nghỉ hưu.
“Bà ấy khăng khăng muốn đến đây nên tôi đi theo. Chúng tôi có một cô con gái nhưng nó lấy chồng ở tận Quảng Đông”, ông Zhou chia sẻ.
Các cư dân của căn hộ đặc biệt này mô tả kiểu sống của họ là “nương tựa vào nhau để chăm sóc tuổi già”.
Một thành viên khác là bà Yu, 67 tuổi chia sẻ rằng bà bị bệnh tim vài tháng trước và những người sống cùng đã đưa bà vào bệnh viện. Còn bà Jin, 62 tuổi cho biết, bà bị gãy chân vì trượt ngã, các thành viên khác của “ngôi nhà chung” không chỉ đưa bà đi viện mà còn thay nhau mang đồ ăn đến cho bà mỗi ngày trong suốt 2 tháng bó bột.
Theo ông Zheng Zhigang, một nhà xã hội học tại Hiệp hội nghiên cứu khoa học Á-Âu có trụ sở tại Bắc Kinh, có rất nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi và những người già có thể chọn lối sống của riêng mình dựa trên các yếu tố như điều kiện kinh tế, trình độ học vấn, phong cách sống, thói quen ăn uống.
“Cách sống chung như những người già ở Hàng Châu có thể là một ví dụ cho những người cao tuổi khác ở khắp Trung Quốc. Họ không cần đợi chính quyền hay các con chăm sóc. Thay vào đó, họ có thể tự hành động để giải quyết các vấn đề theo một cách sáng tạo”, ông Zhigang trả lời phỏng vấn SCMP.
Tại Vũ Hán, hơn 30 người già đã về hưu đã thuê các căn nhà ở vùng nông thôn, cách thành thị khoảng 1 tiếng lái xe và sống một cuộc sống lý tưởng của họ. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng việc đi lại đến các cơ sở y tế ở đây rất khó khăn, phòng khám gần nhất cách họ 2,5km.
Ông Zhang Lufa, giáo sư tại khoa công cộng và quốc tế của trường đại học Jiao Tong, Thượng Hải cho biết, người già sống ở thành phố không thể dựa dẫm vào đứa con duy nhất chăm sóc, vì vậy nhiều người trong số họ muốn sống trong cộng đồng giống họ để chăm sóc lẫn nhau.
“Tuy nhiên, mô hình sống như vậy không thể duy trì lâu. Vì nó không phù hợp với những đối tượng trên 80 tuổi hoặc những người có bệnh nghiêm trọng. Mục đích của việc xây dựng những ngôi nhà chung là để giúp người già bớt cô quạnh”.
Giáo sư Lufa cũng nhấn mạnh rằng thách thức cho lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi của Trung Quốc đó là cung cấp các dịch vụ phù hợp cho người già trên 80 với chứng đãng trí. “Cần có kinh phí để thuê y tá chăm sóc trong thời gian dài và cần nhiều hơn nữa các cơ sở và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đối với quy mô toàn quốc gia, chúng ta vẫn chưa có phương án hành động”, ông Lufa nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.