(HNMCT) - Với người Việt Nam, Tết thường là dịp “mâm cao, cỗ đầy” với những món ăn giàu chất đạm, chất béo, tinh bột, đường, chưa kể đến việc sử dụng nhiều bia, rượu... Chế độ dinh dưỡng này ảnh hưởng rất nhiều đến những người mắc bệnh mạn tính không lây.
Thách thức từ bệnh mạn tính không lây
Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 10 ca tử vong thì có 7 ca là do các bệnh không lây nhiễm, đó là thách thức hàng đầu đối với công tác chăm sóc sức khỏe hiện nay. Hiện có 4 loại bệnh không lây nhiễm, đó là bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim, đột quỵ), ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản), tăng huyết áp và đái tháo đường...
Bệnh mạn tính không lây thường khởi đầu từ thời kỳ trẻ tuổi, tích lũy, tiến triển kéo dài, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài, thậm chí suốt cả cuộc đời. Các bệnh này không phải do nhiễm khuẩn, không lây truyền giữa người với người hay di truyền, mà nguyên nhân được xác định có liên quan đến các yếu tố như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng bất hợp lý khi ăn nhiều chất béo, đạm, ít rau củ quả, ăn quá ngọt hoặc quá mặn, lười vận động.
Chính hành vi, thói quen, lối sống không lành mạnh diễn ra trong khoảng thời gian dài đã gây nên tình trạng thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, tăng lượng đường trong máu, tăng cholesterol... Nguy hiểm hơn, các yếu tố nguy cơ ngày càng có xu hướng gia tăng và xuất hiện nhiều ở những người trẻ tuổi.
Tránh tăng cân, rước thêm bệnh
Dinh dưỡng không cân bằng là một trong những yếu tố dẫn đến các bệnh mạn tính không lây, chính vì vậy, những ngày Tết là "thời điểm vàng" để các bệnh này tái phát, gia tăng đột biến. Thống kê cho thấy, số lượng bệnh nhân có bệnh mạn tính đến khám và chẩn đoán bệnh vào các dịp lễ Tết thường cao gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.
Trong ngày Tết Nguyên đán, mỗi gia đình người Việt đều có nhiều món ăn đặc trưng như bánh chưng, dưa hành, mứt, thịt, rượu, bia. Với quan niệm ngày Tết phải đủ đầy, sung túc nên thực đơn mâm cỗ Tết của gia đình người Hà Nội không thể thiếu những món ăn truyền thống như thịt gà, thịt đông, giò, chả quế, nem rán, canh bóng mọc, bánh chưng, xôi chè cùng những món ăn nhiều đạm luôn trữ sẵn trong tủ lạnh. Các món ăn này nhiều dinh dưỡng, không phù hợp với những người mắc bệnh mạn tính như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường...
Hơn nữa, dịp Tết là thời gian mọi người nghỉ ngơi nhiều hơn, làm việc và vận động ít hơn nên năng lượng tiêu hao ít hơn so với ngày thường, trong khi việc cung cấp năng lượng từ những món ăn trong ngày Tết lại quá đa dạng, phong phú; mọi người thường ăn nhiều đạm, nhiều chất béo mà ít rau xanh. Sự thiếu cân đối trong thực đơn ngày Tết rất dễ gây ảnh hưởng xấu đến người mắc bệnh mạn tính. Do đó, những người mắc các loại bệnh này cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý trong những ngày Tết.
Đối với người mắc tiểu đường, việc kiểm soát tình trạng bệnh kém hơn do ăn không đúng giờ và không ổn định. Trong dịp Tết, thời gian dùng bữa khá thất thường, nhiều người do mải vui chơi mà bỏ bữa, dồn bữa, ăn uống không đúng giờ, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Một số món ăn ngày Tết như bánh chưng, xôi, bánh mứt kẹo đều chứa nhiều tinh bột, đường, nếu ăn nhiều sẽ khiến cho lượng đường trong máu tăng. Những món xào, những món muối (hành muối, bắp bò muối...) thường được sử dụng với nhiều loại gia vị nhằm làm giảm độ ngán cho các món ăn giàu chất đạm, chất béo, tuy nhiên, người tăng huyết áp nên hạn chế những món ăn này.
Sử dụng quá nhiều rượu, bia trong dịp Tết cũng là nguyên nhân dẫn đến tim mạch và huyết áp bị ảnh hưởng. Một số món ăn từ lục phủ ngũ tạng động vật như tim, cật, dạ dày... sẽ làm lượng cholesterol máu tăng cao; tương tự, là các món ăn nhiều mỡ động vật như canh măng nấu chân giò, thịt đông, giò thủ...
Sau một bữa tiệc với rượu, bia và nhiều loại thịt, các loại nước xương hầm, những thực phẩm giàu purin, người bị bệnh gout dễ bị tái phát cơn đau, dẫn đến đi lại khó khăn trong những ngày Tết. Các loại thực phẩm như rượu vang, thịt đỏ và các loại thực phẩm giàu chất béo khác góp phần làm tăng nồng độ axit uric.
Bên cạnh khẩu phần ăn nhiều đạm động vật thì việc sử dụng quá nhiều bánh mứt kẹo, ô mai, quả khô, nước ngọt có gas cũng không có lợi cho người mắc các bệnh mạn tính.
Bởi vậy, với người mắc bệnh mạn tính, việc duy trì khẩu phần ăn hợp lý trong dịp Tết là rất quan trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.