(HNM) - Lần thứ hai được gặp ông tại Hà Nội, nhân Hội thảo Khoa học quốc tế "Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay", câu chuyện giữa chúng tôi với ông Raymond Aubrac về Bác Hồ vẫn đầy tính thời sự như vừa xảy ra. Ông đã 3 lần gặp Bác Hồ và là người bạn lớn của Việt Nam bởi những đóng góp của ông trong sự nghiệp đấu tranh của Việt Nam cũng như thúc đẩy quan hệ Pháp - Việt sau này.
Cơ may được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh
"Tôi có cơ may được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhờ vào cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa phát xít của nhân dân Pháp" - ông mở đầu câu chuyện bằng giọng chậm rãi. Ông kể, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp với danh nghĩa Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 9. Ngày 27-7-1946, Việt kiều ở Pháp đã tổ chức một cuộc chiêu đãi tại Vườn Hồng Bagatelle ở Paris để chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Raymond Aubrac cũng có mặt và sau đó ông mời Bác về ở nhà mình ở ngoại ô Paris.
Ông Raymond Aubrac. |
Sáu tuần Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà ông là khoảng thời gian đáng nhớ với gia đình ông Aubrac. Nhà ông Aubrac ở Soissy-sous-Monmorency, phía bắc Paris. Lúc đó gia đình ông Aubrac có hai vợ chồng, hai con nhỏ, bà mẹ vợ và một người giúp việc. Mỗi buổi sáng, người nhà ông Aubrac mang đến cho Bác sách báo tiếng Pháp, tiếng Anh, Đức, Nga… Bác thường đọc báo ngay trên thảm cỏ hàng giờ liền. Chính phủ Pháp dành cho Bác một tầng trong một ngôi nhà lớn ở gần Khải Hoàn Môn, nhưng Bác thường không vào Paris tiếp khách, mà mời về nhà ông Aubrac. Ở đây Bác tiếp và chiêu đãi nhiều nhân vật thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau, các nhà văn, nhà báo…
Ngày 31-7-1947, nhân ngày sinh của ông, Bác đã tặng ông một bức tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm, một trí thức Việt kiều yêu nước. Bức tranh tả một bà mẹ mới sinh con, đang vươn cánh tay dài với những ngón tay mảnh dẻ xoa đầu cháu bé. Ít lâu sau, vợ ông là bà Aubrac sinh cháu Elisabeth. Bác đã đến Nhà hộ sinh Port - Royal ở Paris thăm, tặng hoa và nhận là cha đỡ đầu. Đó là ngày 15-8-1946 và từ đó trở đi, năm nào đến ngày sinh của Elisabeth, Bác cũng có quà mừng.
Đi 10 ngày, 8 đêm để làm việc... 5 phút!
Năm 1955, khi công tác tại Bắc Kinh, tình cờ ông Aubrac biết tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đang thăm nước CHND Trung Hoa. Ngay lập tức, ông gọi điện đến ĐSQ Việt Nam tại Bắc Kinh nhờ gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh lời chào của người bạn cũ. 15 phút sau, điện thoại trong phòng đổ chuông, một người nói với ông: "Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông 6 giờ sáng mai đến ăn sáng". Sáng hôm sau, có xe đón ông đến gặp Bác Hồ. Vừa gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ôm hôn ông và hỏi thăm tình hình gia đình. Người đọc tên 3 đứa con của ông rồi hỏi: "Ông đến Bắc Kinh làm gì thế?". Ông trả lời: "Tôi đến đàm phán một hiệp định thương mại giữa Pháp và Trung Quốc". Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tiếp: "Việt Nam đang đàm phán với Pháp về hiệp định thương mại đầu tiên. Nhưng cuộc đàm phán đã bị gián đoạn, hai bên không còn gặp nhau nữa. Điều đó rất đáng buồn. Nếu như ông ở Hà Nội có thể giúp chúng tôi được việc này vì phái đoàn Pháp biết ông rất rõ và chúng tôi cũng vậy". Ông trả lời rất vui nếu được giúp Việt Nam và Pháp nối lại cuộc đàm phán này. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Nếu ông sang Hà Nội, tôi không đón ông được vì tôi sắp đi Mátxcơva, nhưng tôi sẽ điện cho ông Phạm Văn Đồng".
Ông Aubrac đã đi tàu hỏa 5 ngày 4 đêm từ Bắc Kinh qua cửa khẩu Lạng Sơn đến Việt Nam lần đầu tiên. Đến Hà Nội, ông gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đại diện đoàn Pháp. Sau khi ông đưa ra ý kiến trọng tài về cuộc đàm phán, hai bên đã ký hiệp định thương mại đầu tiên chỉ sau 5 phút. Sau đó, ông lại đi tàu hỏa từ Lạng Sơn về Bắc Kinh và cũng mất 5 ngày 4 đêm. "Thế là tôi đi mất 10 ngày, 8 đêm chỉ để làm việc 5 phút!" - ông cười.
"Bức thông điệp" gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh
Năm 1967, cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam đang ở giai đoạn ác liệt. Dư luận thế giới bày tỏ sự lo lắng, trong số đó có Prugwash - tổ chức chống chiến tranh hạt nhân gồm nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực chế tạo bom nguyên tử. Tổng Thư ký Prugwash, Giáo sư Rodblat triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại Paris từ ngày 15 đến 17- 6 để bàn về vấn đề Trung Đông và cuộc chiến tranh Việt Nam. Hội nghị nhất trí cử hai nhà khoa học Pháp làm "sứ giả" giữa Washington và Hà Nội, với mục tiêu tiến tới sự gặp gỡ giữa người đại diện có thẩm quyền của hai chính phủ để bàn về việc ngừng leo thang chiến tranh.
Khi đó ông Aubrac đang làm việc cho Tổ chức Nông lương của LHQ (FAO) ở Rome (Italia). Ông nhận được một cú điện thoại gấp yêu cầu trở về Pháp vì có việc cần. Đó là ngày 28-6-1967. Ông và giáo sư người Pháp Herbert Marcovich, nhà sinh học phân tử làm việc tại Viện Pasteur Paris đã rời Paris ngày 18-7-1967 thực hiện nhiệm vụ này.
Sau khi tới Hà Nội, ông đã tới Nhà sàn gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vừa gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi thăm bà Lucie Aubrac và các cháu, nhất là Elisabeth. Sau câu chuyện hàn huyên, ông Aubrac nói về cuộc họp của Prugwash ở Paris và nói ông có nhiệm vụ chuyển tới Chủ tịch một "bức thông điệp" của tổ chức này nhằm tìm một giải pháp cho cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Không thể chấp nhận được, trừ khi Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom bắn phá Việt Nam". Nói tới đây, Chủ tịch quay sang phía đồng chí Phạm Văn Đồng và nói: "Ngày mai chú tiếp ông Aubrac và bạn của ông, chú giải thích tình hình và giải đáp các câu hỏi của họ". Trước khi về Nhà sàn để nghỉ, Bác Hồ chuyển cho ông một tấm lụa và nói: "Đây là quà tôi gửi cho Elisabeth", rồi ôm hôn ông thắm thiết chia tay. Đây là lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng ông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên đó không phải lần cuối cùng ông đến Việt Nam. Đến nay ông đã sang Việt Nam 16 lần. Năm nay đã bước sang tuổi 96, tóc đã bạc nhiều và sức khỏe cũng yếu đi, nhưng mỗi lần đến Hà Nội ông lại nhận thấy một đất nước Việt Nam thay đổi. "Đất nước Việt Nam như một con tàu ra khơi, ngày càng đi xa hơn, hướng tới sự phát triển, tiến bộ và luôn luôn hồi sinh. Mỗi lần hồi sinh là cuộc đau đẻ và người thầy đỡ đẻ chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh" - ông kết thúc câu chuyện với chúng tôi bằng câu nói như vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.