Doanh nghiệp

Ngược dòng khó khăn, Vinatex đạt “3 giữ”

Lam Giang 08/01/2024 - 13:39

Năm 2023, Vinatex đạt “3 giữ”: Giữ lao động và thu nhập, giữ vị trí trong chuỗi cung ứng, đồng thời giữ khách hàng và thị trường cùng doanh thu hơn 17.000 tỷ đồng.

Thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với báo chí trong sáng 8-1, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, trong muôn vàn khó khăn, Vinatex vẫn đạt “3 giữ” gồm giữ lao động và thu nhập, giữ vị trí trong chuỗi cung ứng, đồng thời giữ khách hàng và thị trường cùng doanh thu hơn 17.000 tỷ đồng.

vinatex.jpg
Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí.

Nhìn lại năm 2023, ông Hiếu cho hay, những diễn biến không thuận lợi của tình hình thế giới tác động mạnh đến ngành.
Tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng bình quân giảm trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%.

Trong khi đó, chi phí nhân công dệt may Việt Nam khá cao, chỉ thấp hơn Trung Quốc (330 USD/tháng so với 420 USD/tháng), nhưng cao gấp 3 lần ở Bangladesh, gấp trên 2 lần Ấn Độ, gấp 1,8 lần Campuchia.

Cùng với đó là vấn đề tỷ giá gây ra những bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh về giá, dù năng suất và chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam có thể cao hơn bình quân 10-15%.

det-may.jpg
Ngành Dệt may có một năm 2023 ngược dòng vượt khó.

Dù vậy, Vinatex đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm việc làm, thu nhập, giữ thị trường và chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp không ngại tiếp cận đơn hàng rất nhỏ, kỹ thuật khó, ít lặp lại, thời gian giao hàng ngắn.

Kết quả, năm 2023, Vinatex có doanh thu hợp nhất ước đạt 17.225 tỷ đồng, đạt 104,4% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, đạt 101,9% kế hoạch.

Đặc biệt, Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên đã nỗ lực bảo đảm việc làm và thu nhập cho gần 62.000 người lao động cấp 1 thông qua việc giảm lợi nhuận để duy trì thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 11% so với mức lương bình quân người lao động cả nước năm 2023 (khoảng 8,5 triệu đồng/người).

2023 là năm đầu tiên kể từ khi thành lập Tập đoàn, cũng là năm đầu tiên kể từ khi ngành Dệt may Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm gần 10%.

Trước dự báo còn nhiều khó khăn, năm 2024, Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng 10% so với năm 2023 cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Tập đoàn xác định, đây cũng là mục tiêu khá thách thức, đòi hỏi quyết tâm rất cao.

Về mức thưởng Tết Giáp Thìn này, thống kê sơ bộ, bình quân lương tháng 13 và thưởng Tết cho người lao động ước đạt gần 16 triệu đồng/người, tương đương 1,7 tháng lương. Cùng với đó, Tập đoàn và Công đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình với các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động như tổ chức gặp mặt, trao quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức “Phiên chợ Tết”, “Phiên chợ nghĩa tình” với các hoạt động tặng quà cho người lao động, trao hỗ trợ chuyến xe nghĩa tình đến các đơn vị…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngược dòng khó khăn, Vinatex đạt “3 giữ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.