(HNMO) - Ngày 16-8, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới”, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Lê Tự Lực cho biết, ngành dệt may Việt Nam trong nhiều năm qua luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2022 là thời điểm mà các doanh nghiệp dệt may từng bước phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó xuất siêu 8,86 tỷ USD, tăng 32% so với 6 tháng 2021.
“Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn”, ông Lê Tự Lực nhấn mạnh.
Sau tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp dệt may đang tập trung đầu tư vào việc nghiên cứu phát triển nguyên, phụ liệu phục vụ cho sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đồng thời, tìm cách thích ứng nhanh với điều kiện kinh doanh mới như đa dạng hóa dòng hàng, thị trường; ứng dụng cơ chế thanh toán mới khác với cách mua bán truyền thống trước đây.
Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, thách thức càng lớn thì cơ hội càng cao. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng chỉ ra, ngành dệt may đang thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị. Việt Nam đạt thặng dư thương mại đối với sợi và hàng may mặc nhưng lại thâm hụt lớn đối với vải. Sợi sản xuất ra không được sử dụng trong nước để dệt vải mà chủ yếu xuất khẩu. Vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu khiến mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 10 tỷ USD vải các loại.
Trong khi đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi. Do đó, các doanh nghiệp dệt may buộc phải tập trung phát triển theo toàn bộ chuỗi, hình thành nên chuỗi giá trị trong nước.
Chia sẻ thêm về các thách thức của ngành dệt may, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm nhấn mạnh, dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với các nước có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… Tại thị trường nội địa cũng phải cạnh tranh quyết liệt với các thương hiệu lớn nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam.
Không những vậy, thị trường các nước nhập khẩu dệt may của Việt Nam phần lớn là thị trường đẳng cấp và khó tính, yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh an toàn sản phẩm, môi trường, hàm lượng tái chế, tiêu chuẩn lao động… Xu hướng thế giới cũng đang thay đổi, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững (tăng tuổi thọ sản phẩm, tỷ lệ tái chế, phí carbon…).
Để ngành dệt may có thể vượt qua thách thức, tận dụng tốt các cơ hội “vàng” trong phát triển, các đại biểu tham gia tọa đàm đề xuất cần có các giải pháp thu hút đầu tư vào ngành dệt may, nhất là các dự án dệt - nhuộm, sản xuất nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường… Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị, phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp dệt may.
Các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương hiệu, sản phẩm mới, đa dạng hóa nguồn cung nguyên, phụ liệu và thị trường xuất khẩu, “xanh hóa” công nghiệp dệt may… Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tới năm 2030 đạt 68-70 tỷ USD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.