Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngừng tìm kiếm nạn nhân vụ sập nhà ở Bangladesh

V.A| 14/05/2013 16:10

(HNMO) – Ngày 13/5, 3 tuần tìm kiếm cứu hộ các nạn nhân của thảm họa tồi tệ nhất trong ngành công nghiệp dệt may Bangladesh đã kết thúc với tổng số người chết lên đến con số 1.127 người.


Chính phủ Bangladesh đã đồng ý cho phép các công nhân may mặc thành lập công đoàn mà không cần sự cho phép của các chủ nhà máy sản xuất. Quyết định này được đưa ra một ngày sau khi Bangladesh công bố kế hoạch tăng mức lương tối thiểu trong ngành công nghiệp này.

Vụ việc tòa nhà Rana Plaza 8 tầng bị sụp hôm 24/4 đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới tới các điều kiện làm việc nguy hiểm của các công nhân ngành công nghiệp may mặc Bangladesh. Bi kịch này xảy ra vài tháng sau khi một đám cháy bốc lên tại một nhà máy may mặc khác ở Bangladesh đã khiến 112 người lao động thiệt mạng.

Việc tìm kiếm các thi thể trong vụ sập tòa nhà Rana Plaza đã chính thức khép lại tối qua, 13/5. Trong hơn 19 ngày, đống đổ nát ở vùng ngoại ô Savar của Dhaka đã là hiện trường của những nỗ lực cứu hộ điên cuồng, những gia đình đau khổ và sự áp đảo của mùi xác chết bị phân hủy. Những thi thể cuối cùng đã được tìm thấy đêm 12/5.



Hôm qua, 13/5, Reshma Begum, cô thợ may sống sót dưới đống đổ nát trong suốt 17 ngày nhờ bánh quy và nước đóng chai trước khi được giải cứu hồi tuần trước, đã nói với các phóng viên tại một bệnh viện rằng, cô không bao giờ tin mình sẽ được cứu thoát.

"Tôi sẽ không bao giờ làm việc trong một nhà máy may nữa", cô tuyên bố.

Chủ sở hữu Rana Plaza và 8 người khác, trong đó có chủ sở hữu các nhà máy may mặc, đã bị giam giữ để phục vụ điều tra. Các nhà chức trách cho biết, chủ sở hữu tòa nhà đã xây thêm tầng bất hợp pháp và cho phép các nhà máy lắp đặt các thiết bị nặng vượt quá tiêu chuẩn thiết kế của tòa nhà.

Bangladesh có khoảng 5.000 nhà máy may mặc và 3,6 triệu công nhân may. Đây là nước xuất khẩu quần áo lớn thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Italy.

Điều kiện làm việc trong ngành công nghiệp trị giá 20 tỷ USD này rất nghiệt ngã. Mức lương tối thiểu cho công nhân may mặc ở Bangladesh là một trong những mức thấp nhất trên thế giới, với khoảng 38 USD/tháng.

Kể từ năm 2005, ít nhất 1.800 công nhân may mặc đã thiệt mạng trong các vụ cháy nhà xưởng và các vụ sập nhà ở Bangladesh.

Sau khi vụ việc đau lòng trên xảy ra, H&M, nhà bán lẻ hàng may mặc khổng lồ của Thụy Điển, người mua hàng may mặc lớn nhất của Bangladesh; các công ty Primark và Tesco của Anh; C&A của Hà Lan và Inditex của Tây Ban Nha, chủ sở hữu nhãn hàng Zara, cho biết, họ sẽ ký một hợp đồng đòi hỏi họ phải kiểm tra độ an toàn của các nhà máy một cách độc lập và trang trải các chi phí sửa chữa. Hợp đồng này cũng kêu gọi họ phải trả 500.000 USD mỗi năm cho các nỗ lực trên và dừng việc kinh doanh với bất kỳ nhà máy nào không thực hiện cải tổ an toàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngừng tìm kiếm nạn nhân vụ sập nhà ở Bangladesh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.