Theo Arabnews, các chuyên gia y tế Bangladesh đã đưa ra cảnh báo vì tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết năm nay cao nhất trong hơn hai thập kỷ qua.
Sốt xuất huyết trở thành mối quan ngại lớn về sức khỏe trong mùa gió mùa từ tháng 7 đến tháng 10, với hàng nghìn người Bangladesh mắc căn bệnh do vi rút và có khả năng gây tử vong này lây truyền qua muỗi Aedes sinh sôi trong các ao nước ngọt. Căn bệnh này từng rất hiếm gặp vào những năm 1960, nhưng kể từ đầu những năm 2000, tỷ lệ mắc bệnh đã tăng đáng kể.
Trong khi đợt bùng phát sốt xuất huyết tồi tệ nhất được ghi nhận vào năm ngoái, với hơn 211.000 người phải nhập viện trên cả nước. Năm nay, Bangladesh đang chứng kiến tỷ lệ tử vong do căn bệnh này cao nhất kể từ năm 2003. Theo số liệu của Tổng cục Y tế, trong số 34.121 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện, có 177 người tử vong.
Tiến sĩ Mohammed Mushtuq Husain, cố vấn của Viện Kiểm soát và Nghiên cứu Dịch tễ học tại Dhaka, chia sẻ với Arabnews: "Năm nay, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết cao hơn những năm trước, mặc dù số lượng bệnh nhân ít hơn. Tỷ lệ tử vong rất đáng lo ngại vì đây là tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới hiện nay”.
Tỷ lệ tử vong đã đạt 0,52%, vượt qua mức 0,49% của năm 2023. “Xu hướng sốt xuất huyết này được lo ngại sẽ tiếp tục. Khi đợt mưa gió mùa này kết thúc, nó sẽ tiếp tục trong hai tháng tới, đó là vòng đời của virus sốt xuất huyết và muỗi Aedes,” ông Husain cho biết.
Tiến sĩ Muzaherul Huq, cựu cố vấn khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo: “Với tình hình số ca tử vong do sốt xuất huyết đang gia tăng, có thể sẽ có diễn biến đáng lo ngại bất cứ lúc nào. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa vi rút sốt xuất huyết”.
Các ca tử vong chủ yếu xảy ra khi bệnh nhân đến bệnh viện ở giai đoạn cuối, thường là sau một thời gian dài di chuyển vì hầu hết cơ sở chuyên khoa và xét nghiệm ở Bangladesh chỉ có tại các phòng khám lớn.
Nhiều người cũng bị nhiễm sốt xuất huyết lần thứ hai hoặc thứ ba. Một người có thể bị nhiễm nhiều lần với các biến thể khác nhau của vi rút.
“Có bốn chủng vi rút sốt xuất huyết. Nếu ai đó bị nhiễm sốt xuất huyết trong những năm trước, thì lần nhiễm thứ hai hoặc thứ ba sẽ gây ra nhiều rủi ro hơn cho bệnh nhân đó”, Chuẩn tướng Mohammed Rezaur Rahman, Giám đốc Đại học Y khoa Bangabandhu Sheikh Mujib ở Dhaka cho biết.
Hiện tại vẫn chưa có cách điều trị dịch sốt xuất huyết mà trọng tâm vẫn là điều trị các triệu chứng. Ở dạng nghiêm trọng, bệnh gây chảy máu trong và suy giảm chức năng các cơ quan, dẫn đến tử vong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.