Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngọt, thơm trái dứa Suối Hai

Đào Huyền| 30/04/2012 07:07

(HNM) - Huyện Ba Vì nơi trời đất giao hòa không chỉ có nguồn suối khoáng tinh khiết, những nông trường chè mà còn có dứa Suối Hai. Từ lâu, cây dứa ở đây đã được trồng theo quy mô lớn, là cây kinh doanh chủ lực của Nông trường Dứa Suối Hai, nay là Công ty Dịch vụ sản xuất dứa Suối Hai. Nhắc đến Ba Vì, người ta không thể không nhắc đến loại mà y học vẫn gọi là "vua" của các loại quả này.

Dứa là cây ăn quả nhiệt đới, nguồn gốc ở Nam Mỹ. Ở nước ta, dứa trồng từ Bắc đến Nam với khoảng 40.000ha, sản lượng khoảng 600.000 tấn, trong đó 90% là ở phía nam. Tuy không phải là vùng trồng dứa lớn, song dứa Suối Hai, Ba Vì lại nổi tiếng cả nước bởi chất lượng và mùi vị đặc trưng riêng của vùng núi bán sơn địa.

Công nhân kiểm tra nương dứa.

Cây dứa được đưa vào trồng tại Ba Vì từ năm 1971 với giống Queen Natal do người Pháp nhập vào Phú Thọ và "di trú" theo đường sông sang đất Ba Vì, người dân nơi đây gọi đó là giống Victoria (dứa hoa, Phú Thọ). Thời kỳ đầu, cây dứa được trồng xen trong vườn tạp của các hộ gia đình nên chưa có giá trị kinh tế, ít được chú ý phát triển. Năm 1971 với kế hoạch phát triển ngành đồ hộp xuất khẩu, Nông trường Suối Hai (nay là Công ty Dịch vụ - Sản xuất dứa Suối Hai, thuộc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư & Phát triển nông nghiệp Hà Nội - HADICO) là đơn vị đầu tiên đưa cây dứa vào trồng. Công ty có gần 350ha đất tự nhiên, trong đó có trên 70ha trồng dứa. Cùng với diện tích dứa được trồng xen kẽ trong các hộ dân, cây dứa đang trở thành cây xóa đói giảm nghèo của người dân Ba Vì. Theo lời Giám đốc Công ty Dịch vụ - Sản xuất dứa Suối Hai Nguyễn Tiến Dũng, từ khi "đặt chân" vào đất Ba Vì, với thổ nhưỡng và điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp, cây dứa đã trở thành cây bản địa của người Ba Vì. Dứa trồng tại nông trường của Công ty có chất lượng đặc biệt mà những vùng trồng dứa khác không có được. Đặc thù riêng của dứa Suối Hai là quả rắn chắc, mắt to, hoa bé, tỷ lệ chồi ngọn chỉ 5-6% trọng lượng quả - đây lá bí quyết do người trồng dứa tại nông trường sáng tạo trong quá trình trồng và phát triển cây dứa. Do đó, dứa Suối Hai rất to, trọng lượng từ 7 lạng đến trên 1 kg/quả, thơm, ngon, ngọt. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, do đặc thù đất đồi, vùng bán sơn địa, biên độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rõ rệt khiến khả năng tổng hợp lượng đường trong dứa lớn, tạo sự khác biệt so với dứa trồng ở các vùng khác trên cả nước.

Quả dứa được coi là loại quả "vua", rất được ưa chuộng ở các nước phương Tây. Quả dứa có mùi thơm mạnh, chứa lượng calo khá cao, giàu khoáng chất, có đủ các loại vitamin cần thiết. Đặc biệt trong cây và quả dứa có chất Bromelin là một loại men thủy phân protein có thể chữa được các bệnh rối loạn tiêu hóa, ức chế phù nề và tụ huyết, làm vết thương mau thành sẹo. Trong công nghiệp, chất Bromelin dùng làm mềm thịt để chế biến thực phẩm, nước chấm. Ngoài ăn tươi, dứa còn được chế biến thành dứa hộp và nước dứa, là những mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao... Với giá trị kinh tế của quả dứa, Công ty Dịch vụ và Sản xuất dứa Suối Hai đang mở rộng diện tích đất trồng dứa tại nông trường và các vùng lân cận thuộc huyện Ba Vì.

Theo Bộ NN&PTNT, dứa vùng Suối Hai thường trồng các tháng 5, 6 và tháng 10, 11 tùy theo thời tiết. Nguồn giống được thâm canh do công nhân nông trường chủ động từ vụ dứa trước. "Giống dứa tại đây là loại giống ăn quả duy nhất không bị thoái hóa, chất lượng quả luôn được bảo đảm ở những vụ sau" - Ông Nguyễn Tiến Dũng khẳng định. Với năng suất bình quân đạt từ 35-40 tấn/ha, trung bình một năm, Công ty cung ứng ra thị trường 3 nghìn tấn dứa. Dứa được tiêu thụ ngay tại ruộng. Chị Đỗ Thị Kim, công nhân công ty cho biết, thương lái từ Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội… đổ về mua từ đầu vụ cho đến lúc chín. Dứa bán tại ruộng có giá trung bình từ 3-5 nghìn đồng/quả, dịp Tết còn lên đến 10 nghìn đồng/quả. Mỗi héc ta cho thu hoạch từ 4,5 vạn đến 5 vạn quả, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng/ha. So với các loại cây trồng thì dứa là cây cho giá trị kinh tế cao nhất. Nông trường đã chuyển giao công nghệ trồng dứa đặc sản cho trên 300 hộ nhận khoán trên đất của nông trường. Ngày nay, dứa đã trở thành một nguồn thu nhập chính của hàng trăm công nhân, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Tiến sĩ Phan Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Hadico: Ngày 11-5-2011, Công ty đã nộp đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký thương hiệu dứa Suối Hai, Ba Vì và đã được Cục chấp nhận đơn, dự kiến tháng 7 năm nay, thương hiệu dứa Suối Hai chính thức được công nhận, tạo tiền đề cho sản phẩm đứng vững trên thị trường. Thời gian tới Công ty sẽ quy hoạch nâng tổng diện tích dứa Ba Vì lên khoảng 600ha để cung cấp sản phẩm cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, tiến tới xuất khẩu. Đây cũng là sản vật đặc sản, hình thành những mô hình nông nghiệp sinh thái theo chủ trương thành phố.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngọt, thơm trái dứa Suối Hai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.