Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngôi trường nổi khiến giáo viên sợ hãi

Thương Nguyệt| 28/01/2023 17:08

(HNMO) - Tình trạng thiếu cơ sở vật chất và nguy hiểm rình rập khiến các giáo viên chần chừ trong quyết định gắn bó với ngôi trường tại làng nổi Nzulezo ở Ghana.

Từng được đề cử vào năm 2000 để đưa vào danh sách di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), ngôi làng nằm trong danh sách thu hút du khách đến quốc gia Tây Phi gây tò mò về lối sống độc đáo trên mặt nước. Mặt hồ rộng lớn khiến nơi đây trở nên đẹp như tranh vẽ nhưng cũng là lý do ít người muốn đến làm việc, đặc biệt là giáo viên.

Ngôi trường duy nhất

Tọa lạc ở phía Tây Ghana, ngôi làng Nzulezo nằm trên hồ Tadane được xây dựng hoàn toàn bằng những cột gỗ và phần sàn được chạm khắc từ cây cọ raffia. Địa điểm là nơi sinh sống của hơn 500 người này có 2 nhà thờ, 1 nhà khách nhỏ, 1 quán bar và trường tiểu học.

Ngôi trường kể trên dành cho trẻ em từ 4 đến 14 tuổi mới được xây dựng lại sau thiệt hại do lũ lụt, gồm 4 phòng học và 81 học sinh nhưng chỉ có 2 giáo viên.

Làng nổi Nzulezo trên hồ Tadane gồm 1 trường học với 81 học sinh. Ảnh: The Guardian

Là người gắn bó với trường suốt 14 năm, Emmanuel Bonsu đã chứng kiến vô số giáo viên đến và rời đi.

“Hầu hết các giáo viên khi được điều động về đây đều không ở lại lâu. Họ sợ nước”, Bonsu nói.

Theo lời giải thích của Bonsu, văn hóa học bơi không tồn tại ở Ghana, trong khi các trường học cũng không dạy môn này. Nguyên nhân một phần do thiếu điều kiện tiếp cận với các cơ sở bơi. Vì vậy, trong khi cư dân Nzulezo là những tay bơi cừ khôi khi mới 4 tuổi, thì địa điểm này lại trở thành thách thức đối với giáo viên từ các vùng khác của đất nước này.

Hiệu trưởng Evans Cudjoe cho biết, một số giáo viên ở lại vài tháng nhưng số khác chỉ vài tuần. “Nhà có thể bị lún khi trời mưa to hoặc có bão lớn. Điều này khiến họ sợ hãi”, ông nói.

Những người “gõ đầu trẻ” hiếm hoi

Bonsu và Cudjoe đến từ Beyin, một thị trấn trên đất liền. Cả hai đều học bơi khi bắt đầu làm việc tại trường nhưng thừa nhận cần thời gian để làm quen với môi trường mới.

“Tôi đã rất sợ hãi... Đó là vùng đầm lầy tăm tối sâu khoảng 8m. Cá sấu không đến gần làng nhưng chúng sống rất nhiều trong hồ”, Cudjoe nói.

Tình trạng thiếu giáo viên đồng nghĩa với việc Hiệu trưởng Cudjoe vừa tham gia giảng dạy, vừa quản lý trường. Nhưng người đứng đầu trường vẫn sống trong đất liền, nơi có sóng điện thoại cũng như mạng internet ổn định hơn và dành 1 giờ mỗi sáng để đến trường bằng ca nô. 

Học sinh tại làng Nzulezo luôn trong tình trạng thiếu thốn điều kiện học tập. Ảnh: The Guardian

Còn giáo viên Bonsu sống cùng gia đình trong làng, ở khu nhà miễn phí dành cho nhân viên. Bất chấp việc người dân đã vận động, Nzulezo vẫn không có trung tâm y tế và những thiết bị an toàn như áo phao. Không chỉ vậy, trường học tại làng cũng thiếu thốn cơ sở vật chất. Điển hình như chương trình giảng dạy quốc gia yêu cầu học sinh học cách sử dụng máy tính nhưng nhà trường không có chiếc nào để các em thực hành.

“Kết quả giáo dục của chúng tôi không thể so sánh với những trường học trên đất liền. Bạn sẽ giảng dạy gì trong ngày với 2 lớp học kết hợp các lứa tuổi?”, Bonsu đặt câu hỏi.

Những gì trường nhận được là sự giúp đỡ tích cực từ chính những cư dân của Nzulezo. Bonsu và Cudjoe có 4 trợ lý lớp học có trình độ trung học hỗ trợ. Họ đến trường vào những ngày khác nhau và được trả công từ một quỹ cộng đồng.

Một trong những người đóng góp vào quỹ cộng đồng là Praba Gifty. Gifty trở lại Nzulezo sau khi tốt nghiệp trung học ở Takoradi, thành phố công nghiệp cách làng 90km. Gifty hy vọng một ngày nào đó có thể vào đại học. Hiện tại, Gifty đang là giáo viên cộng đồng để giúp những đứa trẻ ở Nzulezo đến trường. 

Hiệu trưởng Cudjoe hi vọng chính phủ có thêm nhiều giải pháp để tuyển dụng và giữ chân giáo viên cho Nzulezo, chẳng hạn như các chính sách ưu đãi và thiết bị an toàn cho những người không biết bơi, như áo phao và thuyền. Nếu như vậy, trẻ em tại làng sẽ có cơ hội phát triển và trở thành giáo viên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngôi trường nổi khiến giáo viên sợ hãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.