Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngôi nhà 5D phố Hàm Long: Một dấu ấn lịch sử

Nam Anh| 25/01/2020 09:20

(HNNN) - Chầm chậm chiều cuối năm, ngôi nhà 5D phố Hàm Long không thu hút quá nhiều sự chú ý của những người đến với Hà Nội, nhưng những câu chuyện về nơi này lại có sức cuốn hút đặc biệt.

Nhà 5D Hàm Long đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ảnh: Linh Tâm

Mốc son trong lịch sử dân tộc

Theo tài liệu lịch sử thì ngôi nhà số 5D phố Hàm Long là nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên trong cả nước vào tháng 3-1929. Đây là một sự kiện mang nhiều ý nghĩa với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, với cách mạng Việt Nam nói riêng và đất nước, dân tộc Việt Nam nói chung.

Sau khi tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ra đời tại Quảng Châu - Trung Quốc (tháng 6-1925, do đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập), các đồng chí Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Sơn, Ngô Gia Tự, Trần Tích Chu, Trần Đăng Huyền, Phạm Văn Đồng, Trịnh Đình Cửu... đã sang Quảng Châu học tập rồi về nước hoạt động. Cũng từ đó Hà Nội trở thành một trung tâm đưa đón những thanh niên cách mạng sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện và ngược lại, từ Quảng Châu về nước hoạt động. Phong trào cách mạng của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã có những chuyển biến mang tính bước ngoặt. Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân nối tiếp nổ ra với quy mô ngày càng rộng như các cuộc bãi công của công nhân một số nhà máy in, cuộc bãi công của toàn thể công nhân nhà máy rượu...

Trong phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, nhiều tổ chức yêu nước đã hình thành. Tháng 6-1927, Tỉnh bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội của Hà Nội ra đời và đến năm 1928 thì tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Hà Nội đã có cơ sở trong nhiều nhà máy ở nội thành và một số làng xã ngoại thành. Cuối năm 1928, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đã thuê ngôi nhà số 5D phố Hàm Long làm trụ sở bí mật, giao cho đồng chí Trần Văn Cung (Quốc Anh) và vợ là đồng chí Nguyễn Thị Liên ở và trông coi. Tại ngôi nhà này đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề phải tổ chức đảng cộng sản ở Việt Nam để lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng, dẫn đến sự thống nhất chung về tư tưởng và phương hướng hoạt động.

Một đêm tháng 3-1929, tại đây đã diễn ra cuộc họp quan trọng, quyết định thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Chi bộ gồm 8 người, nòng cốt là các đồng chí Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Phong Sắc... Đồng chí Trần Văn Cung được bầu làm Bí thư chi bộ. Tại cuộc họp này, chi bộ đã đề ra một số nhiệm vụ, trong đó có việc đưa vấn đề thành lập đảng cộng sản ra Đại hội Thanh niên Bắc Kỳ lần 2 để vận động các đại biểu tán thành... Các đồng chí trong chi bộ kêu gọi công nông đấu tranh, quyết định xuất bản báo chí của Đảng, dịch các tài liệu về Cách mạng Tháng Mười Nga gửi về các địa phương, và xúc tiến phát triển cơ sở Đảng...

Ngay sau khi ra đời, chi bộ đã chủ trương đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng, nhất là trong các xí nghiệp để rèn luyện và phát triển đảng viên. Đến ngày 17-6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng chính thức ra đời tại số nhà 312 phố Khâm Thiên. Ban Chấp hành Trung ương lâm thời gồm các đồng chí trong chi bộ 5D Hàm Long. Chi bộ 5D Hàm Long trở thành nòng cốt của Đông Dương Cộng sản Đảng, tiếp tục lãnh đạo phong trào ở Hà Nội và cả nước.

Ngày 3-2-1930 đã mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc. Tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam đã diễn ra, với mục tiêu lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam tiến hành giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Phát huy giá trị di tích

Bên bộ tràng kỷ trong căn phòng nhỏ, trước đây là nơi tiếp khách, cũng là nơi mà vào những năm 1929 - 1930, các cán bộ trong nhóm cộng sản đầu tiên bàn bạc, thảo luận những vấn đề đấu tranh cách mạng, thuyết minh viên Trần Thị Tình cho biết: Ngôi nhà số 5D phố Hàm Long do tổ chức thuê làm cơ sở hoạt động, giao cho đồng chí Trần Văn Cung cùng vợ là đồng chí Nguyễn Thị Liên ở và quản lý. Đồ đạc trong nhà đều do các đồng chí trong tổ chức đưa đến, giá trị nhất chỉ có bộ tràng kỷ và một chiếc hòm hai đáy dùng để cất giấu tài liệu. Hai vợ chồng không rõ về người chủ ngôi nhà mà chỉ biết các số nhà 5A, 5B, 5C, 5D đều cùng một chủ cho thuê. Các đồng chí chọn ngôi nhà này vì có vị trí thuận lợi cho việc hoạt động cách mạng, bởi khi có động, người trong nhà có thể vượt tường sang con hẻm dẫn ra phố Lê Văn Hưu...

Từ năm 1959, nhà 5D phố Hàm Long được khôi phục làm nhà lưu niệm và đến năm 1964 thì được công nhận là Di tích cách mạng. Cũng từ đó, ngôi nhà thường xuyên được tu sửa. Đến năm 2000, nhà 5D Hàm Long đã được khôi phục diện mạo như thời điểm ra đời chi bộ cộng sản đầu tiên. Kết cấu kiến trúc cũ của ngôi nhà được bảo tồn, các đồ đạc còn lại gần như nguyên vẹn.

Hiện tại, di tích Nhà 5D Hàm Long gồm phòng lưu niệm, phòng trưng bày, phòng khánh tiết, phòng làm việc và khu phụ với diện tích trên 500m2. Sau khi tiếp quản từ Bảo tàng Hà Nội vào năm 2012 đến nay, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội tiếp tục thực hiện tu bổ di tích Nhà 5D Hàm Long trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng.

Sau khi cùng các bạn tham quan và nghe thuyết minh viên kể câu chuyện hấp dẫn về ngôi nhà số 5D Hàm Long, em Nguyễn Phương Mai (lớp 9I1, Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm) xúc động chia sẻ: “Dù thường xuyên đi qua đây nhưng em không nghĩ ngôi nhà chứa đựng những câu chuyện thú vị đến vậy. Lúc học lịch sử ở trường, chỉ đọc sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo nên chúng em không hình dung ra hết được các sự kiện, diễn biến. Giờ được cô thuyết minh viên giới thiệu từng hiện vật, hình ảnh một cách sinh động, chúng em càng hiểu rõ hơn về di tích này, về quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thấy môn Lịch sử dễ hiểu, thú vị hơn rất nhiều...”.

Đánh giá cao vai trò của di tích Nhà 5D Hàm Long trong hệ thống di tích cách mạng của Hà Nội, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, việc phát huy giá trị di tích Nhà 5D Hàm Long cũng như các di tích cách mạng - kháng chiến khác trên địa bàn thành phố Hà Nội cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa. Có thể học tập kinh nghiệm của di tích Nhà 74, 76 phố Nam (thị trấn Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc) - nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Nhờ công tác truyền thông được thực hiện bài bản nên ngôi nhà lịch sử này luôn đầy ắp người tham quan hằng ngày.

Theo PGS.TS Phạm Mai Hùng, bên cạnh việc bảo tồn di tích một cách nguyên vẹn, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di tích, phối hợp với các trường học trên địa bàn thành phố để đưa di tích này trở thành một trong những điểm tham quan cần có trong chương trình ngoại khóa nhằm trang bị cho học sinh hiểu biết lịch sử và niềm tự hào về đất nước mình.

Một ý tưởng khác, rất đáng lưu ý là kết nối di tích Nhà 5D phố Hàm Long cùng với các di tích khác như Nhà số 90 phố Thợ Nhuộm - nơi Tổng Bí thư Trần Phú dự thảo Luận cương Chính trị của Đảng, và Nhà số 48 phố Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... trở thành tour tham quan các di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến trên địa bàn thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngôi nhà 5D phố Hàm Long: Một dấu ấn lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.