(HNM) - Tình cờ đọc hai cuốn hồi ký đánh máy bằng mực đen, giấy đã ố vàng, chữ đã mờ tôi mới biết chủ nhân hiệu sách chợ Đồng Xuân nổi tiếng những năm Mặt trận Dân chủ Đông Dương chính là đồng chí Phạm Văn Hảo...
Hiệu sách chợ Đồng Xuân chính là nơi phát hành sách báo tiếng Pháp và nhiều loại báo chí khác của Đảng Cộng sản Pháp, Liên Xô, Trung Quốc… đồng thời lưu giữ bao nhiêu điều kỳ lạ của trang đời, trang sử trên mỗi tấc đất của Hà Nội anh hùng.
Người chủ hiệu sách Đồng Xuân
Năm 1930, khi người dân Hà Nội lần đầu tiên biết đến những từ mới mẻ "cách mạng giải phóng dân tộc", "giai cấp vô sản"… rồi náo nức đi xem mặt mấy anh thanh niên diễn thuyết… thì Phạm Văn Hảo lúc ấy đang là học sinh Tú tài Trường Bưởi. Được đồng chí Nguyễn Văn Cừ giác ngộ cách mạng nên sau khi tốt nghiệp, mặc dù quê ở Phù Lưu, Từ Sơn, nhưng Phạm Văn Hảo vào ga Thanh Hóa làm việc và hoạt động. Năm 1933, ông trở thành đảng viên cộng sản.
Hiệu sách 26 phố Đồng Xuân ngày nay. |
Trận "thử lửa" đầu tiên vào năm 1934 khi ông Hảo bị bắt giam vào nhà tù Hỏa Lò. Ở nơi gông xiềng, bị tra tấn dã man, ông may mắn được gặp các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng. Ngòi bút cách mạng đã được rèn giũa thông qua Báo Lao tù, và bản lĩnh cách mạng thêm tôi luyện trong tù ngục. Năm 1936, khi được ra tù, ông tham gia làm báo công khai của Đảng cùng với các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu… Trong khí thế bung ra hoạt động, báo chí trở thành vũ khí sắc bén để tuyên truyền và giác ngộ quần chúng một cách nhanh chóng nhất, nhạy bén nhất. Nhu cầu có một địa điểm công khai để làm cơ quan phát hành báo chí và liên lạc của Đảng được đặt ra cấp thiết. Địa điểm đó ở đâu? Có người hiến kế lấy địa điểm 26 phố Chợ Gạo. Sau đó, ông Hảo và vợ bà Lê Thị Huệ) đã thuê ngôi nhà đối diện với chợ Đồng Xuân này. Trong hồi ký, bà Lê Thị Huệ kể rất rõ: Tôi thu xếp gọn việc làm ăn ở Yên Bái để về Hà Nội. Tôi ở nhà số 26, trước cửa chợ Đồng Xuân. Chúng tôi phải bỏ ra 120 đồng (Đông Dương) để thu xếp cho căn nhà này thành nơi phát hành sách báo của Đảng. Sách báo bày trong mấy cái tủ do chồng tôi đi mượn về, lẫn lộn cùng với một số hàng hóa. Số lượng sách báo bán hàng ngày ở Hà Nội và số đại lý đặt mua để phát hành miền Trung và miền Nam mỗi ngày một tăng"…
Hiệu sách có đủ cả Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Lịch sử Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga, truyện và tiểu thuyết như Tội ác và trừng phạt của Đốt-tôi-ep-xki, Người mẹ của Mác-xim Goóc-ki…; Tạp chí Nước Nga ngày nay, Văn học quốc tế... Riêng Nhà xuất bản Dân chúng của Đảng đặt ngay trong số nhà 26 phố Chợ Gạo, do đồng chí Trần Đức Sắc (tức Văn Tân) phụ trách, ông Phạm Văn Hảo làm Giám đốc. Cuốn sách nổi tiếng "Vấn đề nông dân" của Qua Ninh và Vân Đình… đã được nhà xuất bản ấn hành, là cuốn sách gối đầu giường của nhiều cán bộ cách mạng lúc đó. Hiệu sách chợ Đồng Xuân với biển hiệu Đồng Xuân thư quán trở nên nổi tiếng ở Hà thành và toàn Đông Dương vì nó là nguồn phát hành báo chí công khai của Đảng, cũng là nơi các chiến sĩ cách mạng thường xuyên qua lại, hội họp.
Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Hiệu sách chợ Đồng Xuân và trụ sở các báo công khai của Đảng bị đóng cửa. Nhưng ảnh hưởng lớn lao của hiệu sách chợ Đồng Xuân vẫn sâu rộng trong thanh niên, trí thức Hà Nội, nhất là lớp thanh niên yêu nước tiến bộ.
Giữ vững khí tiết người cộng sản
Từ mùa thu năm 1939 đến đầu năm 1945 là cả một quãng đời đầy gian lao của ông Hảo. Vợ chồng ông vào Sài Gòn tiếp tục hoạt động bí mật. Theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, ông lăn lộn, chắp mối cơ sở trong quần chúng lao khổ, hết làm phu đồn điền cao su lại làm thợ cầu ở nội thành Sài Gòn. Sau đó, ông được phân công ra Nam Trung bộ, gây dựng cơ sở và làm Báo Chiến Thắng của Xứ ủy Trung kỳ.
Năm 1941, ông Hảo trở lại Sài Gòn để bắt liên lạc với Thành ủy. Sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), thực dân Pháp khủng bố trắng. Vợ ông đã gây dựng cơ sở Đảng ở nội thành từ đầu năm 1940. Vợ chồng gặp nhau sau thời gian xa cách, ông phải đóng vai người lái lợn, tay xách làn mây, trong đó là Báo Chiến Thắng và tài liệu của Đảng. Lần gặp gỡ ấy, bị mật thám theo dõi. Sáng hôm sau, ông bị địch bắt khi đang mua mực in giấy sáp ở một cửa hiệu Hoa kiều. Những trận đòn ở bót Ca-ti-na khét tiếng rùng rợn không làm ông nhụt chí. Thân thể đầy thương tích, ốm đau, quặt quẹo, ông bị chúng đày đi Nhà thương Chợ Quán. Sau đó, chúng trục xuất ông khỏi xứ Nam kỳ thuộc địa, đưa lên an trí trên nhà tù Sơn La.
Làm Báo Cứu quốc, chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám
Ở nhà tù Sơn La, ông Hảo gặp lại người đã cùng hoạt động ở Hà Nội thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, được phân công vào Ban biên tập Báo Suối reo. Suối reo đã góp phần giữ vững tổ chức Đảng trong nhà tù, nâng cao tinh thần, ý chí của người cộng sản. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, từ nhà tù Sơn La, nhiều đồng chí đã về với dân, với Đảng, làm cán bộ nòng cốt cho các tỉnh thành và Xứ ủy Bắc kỳ. Ông Hảo sau khi vượt ngục Sơn La được Xứ ủy cử đi Thu Quế làm Báo Cứu quốc với đồng chí Xuân Thủy. Gọi là tòa soạn báo, nhưng ở nhờ dân, phải giữ bí mật nên làm việc và ăn ở đều dưới bếp. Không ai trong chúng ta hôm nay, có thể hình dung cơ ngơi tòa soạn thế này "Nhà bếp có hai ngăn; một bên thổi nấu, một bên là chuồng lợn. Tòa soạn Báo Cứu quốc chúng tôi làm việc suốt ngày ở đây trong ánh sáng nhờ nhờ, nồng nặc mùi phân lợn và khói bếp". Trong không khí đặc quánh ấy nhưng báo vẫn ra đều 10 ngày một kỳ.
Trung tuần tháng Tám, không khí chuẩn bị Tổng khởi nghĩa sôi sục dội đến tòa soạn. Mọi người náo nức làm ngày làm đêm số báo đặc biệt kêu gọi đồng bào Tổng khởi nghĩa. Ngay chiều 19-8-1945, toàn thể tòa soạn thu quân, đi như bay về Hà Nội. Ta trưng dụng nhà in Tô-panh để in và trụ sở báo L Action làm trụ sở Báo Cứu quốc. Số báo công khai đầu tiên của Tổng bộ Việt Minh được in trang trọng trên giấy trắng khổ rộng, Phạm Văn Hảo chưa bao giờ thấy hạnh phúc, thăng hoa đến như vậy: "Cờ đỏ sao vàng chiếm gần hết trang đầu. Báo ra hơn 5 vạn số, bán một đêm hết vèo. Một hiện tượng hiếm có trong đời làm báo của chúng tôi, ngay cả sau này cũng vậy".
Ông Hảo gắn bó với Báo Cứu quốc đến năm 1946 thì làm Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, rồi làm Giám đốc Sở Thông tin, Phó ban Tuyên truyền liên khu Việt Bắc suốt 7 năm (1947-1954). Hà Nội được giải phóng, ông trở về Thủ đô làm Thư ký Thường trực Đảng đoàn Hội Nhà báo, rồi sang ngạch ngoại giao làm Tham tán Đại sứ quán ở Liên Xô. Sau đó ông về nước làm Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hơn 10 năm (1966-1975).
Chiều nay, tôi tìm đến căn nhà vợ chồng người cán bộ lão thành cách mạng đã sống ở 23B Tôn Đản. Không có bóng ai trong khu nhà im lìm. Không rõ ai còn, ai mất. Vật đổi sao dời, tất cả như dòng sông trôi mãi ra biển. Chỉ có những dòng hồi ký tôi đang đọc, những trang sách ông đã viết, còn sống rất lâu, rất sâu trong tâm trí nhiều thế hệ người Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.