Theo Reuters, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến thủ đô Chisinau của Moldova ngày 29-5, điểm dừng chân đầu tiên của chuyến công du Đông Âu ngắn ngày nhằm mục đích củng cố sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine với các đồng minh tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các quốc gia láng giềng.
Chuyến công du của nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang cố gắng chống lại các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của Nga ở phía Đông và khi Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo, việc cho phép Kiev sử dụng vũ khí phương Tây tấn công vào bên trong nước Nga sẽ gây ra xung đột toàn cầu. Tại thủ đô Chisinau, ông Antony Blinken sẽ gặp Tổng thống Maia Sandu và các quan chức cấp cao Moldova vào thời điểm giới chức Mỹ cho rằng nước này phải đối mặt với "các hoạt động gây ảnh hưởng" của Nga.
Tiết lộ với giới báo chí, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á - Âu Jim O'Brien cho biết, Mỹ có thể sẽ công bố một gói viện trợ nhằm hỗ trợ cho sự độc lập về năng lượng của Moldova nhưng không nêu chi tiết; và nói thêm rằng Washington chưa nhận thấy mối đe dọa quân sự trực tiếp từ Nga đối với khu vực Transnistria ly khai của Moldova.
Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ tới Praha (Cộng hòa Séc) để tham dự một cuộc họp không chính thức của các Bộ trưởng ngoại giao NATO, trong đó sẽ tập trung vào việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tại Washington.
Mỹ đang hợp tác với các đồng minh châu Âu để hỗ trợ Ukraine xây dựng lực lượng nhằm đưa Kiev đến gần hơn với NATO. Một chủ đề có thể được thảo luận tại cuộc họp ở Praha là liệu các đồng minh có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí mà họ cung cấp để tấn công bên trong nước Nga hay không. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với The Economist rằng, các thành viên liên minh nên cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ tấn công bên trong nước Nga.
Hãng thông tấn TASS ngày 29-5 trích dẫn nguồn tin từ Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết, Washington không thay đổi quan điểm Kiev không nên sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. “Quan điểm của chúng tôi không thay đổi”, bà trả lời khi được hỏi liệu Washington có thay đổi quyết định trước những tuyên bố trái ngược nhau từ các chính trị gia châu Âu hay không.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.