(HNM) - Cả Thủ đô đang tưng bừng sắc cờ hoa, không khí ngày Đại lễ đã tràn ngập đến từng ngõ xóm, làng quê. Từ miền núi đến đồng bằng, ở đâu người dân cũng được hưởng niềm vui và không khí lễ hội. Nơi này thì tu sửa, tôn tạo di tích lịch sử, nơi kia khánh thành đường giao thông, nhà văn hóa, trường học… tất cả đã tạo nên bức tranh nông thôn mới tươi vui, no đủ nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Những công trình nối bờ vui
Xã Khánh Thượng (Ba Vì), là một xã vốn rừng núi hiểm trở, đường sá khó khăn, đời sống người dân thiếu thốn trăm bề, nhưng ngày Đại lễ của đồng bào nơi đây vẫn đủ đầy niềm vui. Xã đã tổ chức nhiều đoàn đến hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công, người cao tuổi để thăm hỏi và trao quà của thành phố Hà Nội. Cụ Nguyễn Đức Sửu (103 tuổi) ở thôn Hương xúc động nói: "Tôi mừng lắm, vừa được nhận quà của Nhà nước, lại được chứng kiến đổi thay của quê hương". Ý nghĩa hơn khi trước ngày Đại lễ, xã Khánh Thượng đã khánh thành, đưa vào sử dụng Trường Tiểu học Khánh Thượng B, Trường Mầm non Khánh Thượng khu A. Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Nguyễn Trung Thành tâm sự: "Con em các thôn, bản Phú Thứ, Khánh Trúc Đồi, Khánh Trúc Bãi, Sơn Hà không phải vất vả trèo đèo, lội suối như trước để đến trường học chữ. Ngôi trường tiểu học khang trang, sạch đẹp đã mang lại niềm phấn khởi, sự yên tâm cho đồng bào và cán bộ, giáo viên". Về miền xuôi, chúng tôi đến thăm 4 xã vùng cao Đông Xuân (Quốc Oai), Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình (Thạch Thất) - những địa phương mới được hợp nhất về Thủ đô cuối năm 2008. Cách người dân đón chào Đại lễ ở đây rất độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường như bắn nỏ, kéo co... khiến vùng miền núi vốn trầm mặc nay bỗng rộn ràng, vui tươi hẳn lên. Ông Bùi Văn Minh, một công dân xã Yên Trung thổ lộ: "Đón chào Đại lễ nghìn năm chỉ ý nghĩa khi toàn dân hướng về bằng tấm lòng thành kính. Dù sinh sống ở nông thôn, miền núi hay bất cứ đâu trên đất nước này thì điều đó rất đáng trân trọng". Vinh dự hơn cho người dân các xã miền núi Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân là văn hóa cồng chiêng của người Mường đã được chọn là điểm nhấn văn hóa trong 10 ngày Đại lễ của huyện Thạch Thất.
Sức sống mới cho khu vực nông thôn
Trong dịp này, một loạt tuyến đường huyết mạch, công trình phúc lợi xã hội với vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng được đưa vào sử dụng đã mang lại khí thế và vị thế mới cho người dân. Huyện Đông Anh vinh dự có 17 công trình đã khởi công và khánh thành, gắn biển chào mừng Đại lễ, trong đó nhiều công trình trọng điểm như các tuyến đường Lê Hữu Tựu, Nguyên Khê, Cao Lỗ, giai đoạn 1 đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái, đường trục kinh tế miền Đông và Trường THCS Cổ Loa. Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm, đây là những dự án có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo diện mạo đô thị mới khang trang, hiện đại, góp phần giải quyết bức xúc dân sinh và thúc đẩy kinh tế phát triển, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Chúng tôi về thăm xã Nguyên Khê, một vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời gắn với tinh thần yêu nước, hiếu học cùng nhiều tấm gương sáng, tài cao, học rộng, hết lòng vì nước, vì dân. Người dân Nguyên Khê rất tự hào về Anh hùng LLVT nhân dân Lê Hữu Tựu và tên ông được đặt tên cho con đường dài 1,4km (nối từ quốc lộ 3 đến hết thôn Sơn Du) được khánh thành trong dịp Đại lễ. Ông Lê Hữu Thọ, đại diện dòng tộc Lê Hữu xúc động nói: "Việc làm này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước để lưu danh người con ưu tú của địa phương. Hơn nữa, đây là công trình góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn xã Nguyên Khê, góp phần nâng cao đời sống nhân dân".
Bên cạnh các công trình hạ tầng nông thôn được đưa vào sử dụng, các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề, nông sản cũng thu hút hàng trăm nghìn lượt người dân, doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu. Chiều qua (5-10), có mặt tại triển lãm "Nghề gốm Bát Tràng cổ truyền và hiện đại", chúng tôi đã được nhìn ngắm các nghệ nhân, thợ giỏi của làng gốm biểu diễn 24 công đoạn làm ra các sản phẩm gốm. Phó Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Đào Xuân Hùng cho biết, để chào mừng Đại lễ, những nghệ nhân nơi đây đã đem đến triển lãm 1.000 sản phẩm gốm sứ các loại với những nét hoa văn trang trí đậm chất Thăng Long. Còn tại xã Văn Đức (Gia Lâm), mô hình rau an toàn của Công ty Hương Cảnh được gắn biển công trình "Cánh đồng sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP" chào mừng Đại lễ cũng là những tình cảm sâu đậm của nông dân dâng lên Thủ đô nghìn tuổi. Hiện, Công ty Hương Cảnh đã đầu tư 7 tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế với diện tích 2.200m2, công suất từ 150 đến 200 tấn/ngày đêm. Dự kiến mô hình sẽ sản xuất 35 đến 40 chủng loại rau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Tại Đông Anh, tối 5-10, Hội chợ Làng nghề truyền thống và ẩm thực độc đáo cũng thu hút 75 gian hàng, gồm 50 gian hàng trưng bày các sản phẩm thương mại; 20 gian hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực; 9 gian trưng bày cây cảnh, rau an toàn. Ông Hà Văn Khanh, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, hội chợ là dịp để người dân Đông Anh bày tỏ tấm lòng nhớ về cội nguồn, tri ân với Thủ đô Anh hùng. Các sản phẩm trưng bày tại hội chợ chính là những sản phẩm được làm ra từ bàn tay con người, từ cây và đất của Đông Anh. Anh Nguyễn Hữu Thạch, người dân xã Cổ Loa chia sẻ: "Nhìn những sản phẩm tài hoa, tinh xảo của các nghệ nhân, tôi cảm thấy tự hào là công dân của mảnh đất Thăng Long".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.