Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngoại thành rộn ràng đón xuân

Chí Kiên| 03/02/2017 06:03

(HNM) - Một mùa xuân mới đang về trên khắp các nẻo đường. Nơi phố phường đông đúc cũng như các bản, làng xa xôi, người dân được đón một cái Tết đầm ấm, an toàn. Những ngày đầu xuân mới đi đến các thôn, bản ngoại thành Hà Nội, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp không khí vui tươi, rộn ràng…


Độc đáo Tết người Dao, người Mường


Nhận lời mời của ông Lý Sinh Vượng ở bản Dao Yên Sơn, chúng tôi có dịp tham gia Tết nhảy của người Dao ở huyện Ba Vì, vào thời gian chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Tương truyền, người Dao tổ chức Tết nhảy để tạ ơn tổ tiên, thánh thần. Theo ông Lý Sinh Vượng, không phải năm nào và mọi gia đình người Dao đều tổ chức Tết nhảy, mà chỉ thực hiện ở “nhà cái” tức con trưởng hoặc trưởng họ và vài năm tổ chức một lần, không muộn quá 12 năm.

Một pha bóng trong trận chung kết bóng chuyền vui Xuân Đinh Dậu ở xã Yên Trung (huyện Thạch Thất).



Tết nhảy năm nay tổ chức ở nhà ông Lý Sinh Vượng thu hút toàn dân trong bản Yên Sơn. Mọi người tập trung ở nhà ông Vượng chung tay sắm sửa lễ vật, phụ nữ đảm trách hậu cần, đàn ông sắp đồ cúng lễ, trang phục… Bàn lễ thờ bày tại nhà ông Vượng đặt nơi cao ráo, sạch sẽ, thoáng đãng. Khi chuẩn bị xong xuôi việc hành lễ bắt đầu, người chủ lễ khấn mời Bàn vương, thần thánh, tổ tiên người Dao về dự lễ. Sau nghi lễ này là những điệu múa, hát đặc trưng của Tết nhảy được xướng lên như múa gậy, múa rìu, múa chim, múa chuông, múa chào bố mẹ, tổ tiên, múa mời tiên nương giáng trần, múa “tam nguyên an ham”, múa dao hay múa “ra binh vào tướng”… Trong đó, điệu múa cuối cùng được coi là đặc sắc nhất, linh hồn của Tết nhảy là múa bắt rùa. Điệu này được thực hiện theo nghi thức thầy múa đi trước, theo sau là một nhóm thanh niên rảo bước liên tục quanh đèn cúng Bàn vương để diễn tả các động tác tìm rùa, bắt rùa và trói rùa về dâng cúng Bàn vương và các vị thần thánh, tổ tiên.

Để thực hiện đủ 36 điệu, những thanh niên trong trang phục truyền thống người Dao lần lượt thay nhau nhảy múa như bay trong tiếng trống, thanh la, não bạt và tiếng hú, hò vang dậy trời đất. Cùng với đó là những bài dân ca truyền thống của người Dao được cất lên để tưởng nhớ về cuộc sống vất vả du canh du cư trước kia: “Người Dao ta không có đất; lam lũ chạy theo núi rừng; đói nghèo bám chặt vào lưng…”; đồng thời cảm ơn thần linh đã mang đến cuộc sống ấm no đủ đầy ngày hôm nay. Tết nhảy tổ chức ở nhà ông Lý Sinh Vượng diễn ra trong 3 ngày. Theo ông Vượng, “trước đây Tết nhảy tổ chức linh đình, ăn uống kéo dài tốn kém. Bây giờ người dân tổ chức theo cuộc sống mới, tiết kiệm, đơn giản và chỉ có các nghi lễ truyền thống vẫn giữ gìn như xưa”.

Cũng có những nét độc đáo tương tự người Dao ở huyện Ba Vì, người Mường ở xã Khánh Thượng và xã Minh Quang (huyện Ba Vì) tổ chức các nghi lễ truyền thống để đón Tết Nguyên đán. Nổi bật nhất là nét văn hóa chơi cồng chiêng ngày Tết. Đối với người Mường, năm mới tiếng cồng, tiếng chiêng nổi lên báo hiệu một mùa xuân ấm no, hạnh phúc đang tràn về. Ông Nguyễn Thành ở bản Mường Bắt Còn Chèm (xã Khánh Thượng) - một người có nhiều am hiểu về cồng chiêng đất Mường Khánh Thượng cho biết, cồng chiêng được ngân lên trong đêm Giao thừa bởi những người có uy tín trong bản làng. Nghi lễ này, người Mường ở khu vực Ba Vì gọi là phường Bùa.

Trở ra huyện Thạch Thất, chúng tôi may mắn được chứng kiến trận chung kết bóng chuyền trong ngày hội bản Mường xã Yên Trung được tổ chức ở sân nhà văn hóa thôn Đầm Bối. Trận chung kết có sự tham dự của hai đội bóng chuyền nam thôn Luồng và thôn Đồng Sổ, kết quả đội bóng thôn Luồng vô địch trong tiếng hò reo của hàng nghìn khán giả. Ông Đinh Công Tuân, Chủ tịch UBND xã Yên Trung cho biết, ngày hội bản Mường Yên Trung diễn ra trong hai ngày 4 và 5 Tết Đinh Dậu. Ngày hội tổ chức nhiều cuộc thi như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, bóng chuyền… đã thu hút đông đảo người dân tham gia.

Vui xuân an toàn

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới dịp đầu năm mới Đinh Dậu, ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, từ trước Tết Nguyên đán, huyện đã thành lập các đoàn đi thăm, tặng quà Tết các gia đình chính sách và hộ nghèo trên địa bàn huyện, trong đó đặc biệt quan tâm đến khu vực 7 xã miền núi còn nhiều khó khăn. “Trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy “không để hộ dân nào không có Tết”, nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì đã được đón một cái Tết vui tươi, lành mạnh và an toàn”. Theo ông Hưng, toàn bộ các xã người Mường, người Dao ở khu vực miền núi Ba Vì trong những ngày Tết vừa qua đều tổ chức lễ hội xuân an toàn, tiết kiệm.

Rời các bản làng người Mường, người Dao ở Ba Vì và Thạch Thất, chúng tôi về một vùng quê nằm sát khu vực nội thành, đó là xã An Thượng (huyện Hoài Đức). Ông Nguyễn Chí Lương, Chủ tịch UBND xã An Thượng chia sẻ: “Từ trước Tết, đường làng ngõ xóm đã được nhân dân dọn dẹp sạch sẽ, trong mỗi gia đình đều treo cờ Tổ quốc trang trọng”. Với vị trí nằm gần các con đường lớn, khu đô thị sầm uất, gần trung tâm Thủ đô nên từ trước Tết, lãnh đạo xã An Thượng đã chỉ đạo lực lượng công an, dân phòng và các tổ tự quản các thôn bảo đảm an ninh trật tự để bảo đảm an toàn cho nhân dân đón Tết trong không khí vui tươi, lành mạnh. Sát với xã An Thượng, xã Song Phương (huyện Hoài Đức) cũng triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt là tại các khu vực tâm linh luôn thu hút đông người trong dịp Tết như đình chùa, nhà thờ.

Cùng chung niềm vui hân hoan đón xuân mới, tại xã Phương Độ (huyện Phúc Thọ) trong ngày mùng 4 Tết, chính quyền và nhân dân nơi đây đã tổ chức lễ mừng thọ cho 46 người từ 70 tuổi trở lên, trong đó cụ bà Nguyễn Thị Sâu ở cụm 2, xã Phương Độ thượng thọ 103 tuổi. Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Phương Độ hồ hởi cho biết: “Người dân Phương Độ đón Tết năm nay có thêm niềm vui mới là xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Các hoạt động vui chơi đón Tết năm nay, ngoài tổ chức đêm giao lưu văn nghệ có sự tham dự của các xã lân cận Xuân Phú, Cẩm Đình, Sen Chiểu, Võng Xuyên, Hội Người cao tuổi xã đã tổ chức biểu diễn múa dưỡng sinh, thi đấu cầu lông, cờ tướng…”.

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết, cùng với ý nghĩa nhân văn trong lễ chúc thọ, Huyện ủy Phúc Thọ đã chỉ đạo các xã tổ chức trang trọng, tiết kiệm, qua đây nhấn mạnh vai trò của người cao tuổi trong mỗi gia đình và toàn xã hội. Ngoài lễ chúc thọ, Tết Nguyên đán năm nay trên địa bàn huyện Phúc Thọ tổ chức nhiều hoạt động như "Làng vui chơi làng ca hát" và hát trống quân ở xã Hát Môn, hội vật cổ truyền ở xã Liên Hiệp, xã Long Xuyên… “Niềm vui xuân mới là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân huyện Phúc Thọ hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới trong năm 2017. Hiện toàn huyện có 20/22 xã đã “cán đích” nông thôn mới” - ông Phú khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngoại thành rộn ràng đón xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.