Lần đầu tiên các nhà khoa học Ấn Độ xác nhận sự tồn tại của một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời với khối lượng gấp nhiều lần Trái đất.
Việc xác nhận ngoại hành tinh là bước tiến mới của thiên văn học Ấn Độ. Ảnh: Inquisitr |
Các nhà khoa học Ấn Độ chỉ ra một ngoại hành tinh quay xung quanh ngôi sao tương tự Mặt trời cách Trái đất 600 năm ánh sáng, Science Alert hôm 11-6 đưa tin. Hành tinh này mang tên EPIC 211945201b hay K2-236b, có khối lượng gấp 27 lần Trái đất và một năm chỉ kéo dài 19,5 ngày. Nghiên cứu mới đưa Ấn Độ trở thành một trong số ít những nước xác nhận được hành tinh nằm ngoài hệ Mặt Trời.
Ngoại hành tinh không phải quá hiếm. Con người đã khẳng định sự tồn tại của 3.786 ngoại hành tinh, nhưng phần lớn, khoảng 2.600 ngoại hành tinh, do kính viễn vọng không gian Kepler của NASA phát hiện và xác nhận.
K2-236b cũng được Kepler phát hiện lần đầu và liệt kê là ứng viên hành tinh. Nhóm nhà khoa học Ấn Độ dẫn đầu bởi Abhijit Chakraborty tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Vật lý (PRL) nghiên cứu và xác nhận đây là hành tinh, không phải sao chổi hay thiên thể khác.
Họ dành một năm rưỡi tại Đài quan sát Gurushikhar của PRL để phân tích những thay đổi trong ánh sáng từ sao chủ, EPIC 211945201 hay K2-236, và tiến hành chứng thực độc lập khối lượng của hành tinh mới. K2-236b gần sao chủ hơn 7 lần so với khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời. Như vậy, nghĩa là nhiệt độ trên đó có thể tương đương 600 độ C, quá nóng và khô để sự sống phát triển.
Kết quả nghiên cứu mới có thể giúp giới khoa học hiểu thêm về cách hành tinh dạng này hình thành gần sao chủ. Điều này cũng cũng cho thấy Ấn Độ hiện có đủ công nghệ và chuyên môn để tự xác nhận ngoại hành tinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.