Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngoài cơ chế đặc thù, Hà Nội cần có cơ chế, chính sách đặc biệt

Bảo Hân - ảnh: Bùi Việt| 03/07/2017 13:15

(HNMO) - Ngày 3-7, phát biểu tại kỳ họp thứ tư HĐND TP Hà Nội khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, giải quyết những vấn đề của Hà Nội một cách hợp lý, hợp pháp, hợp tình, không phải chỉ vì Hà Nội, mà cho cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.


Thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ

Qua nghe các báo cáo tại kỳ họp cùng với việc theo dõi từng bước phát triển của thành phố Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội nhận định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã luôn phát huy truyền thống đoàn kết, gương mẫu, đi đầu và có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống "Văn hiến- Anh hùng- Hòa bình- Hữu nghị" của dân tộc Việt Nam, là trung tâm chính trị- hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

6 tháng đầu năm 2017 với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Thành ủy, sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô, thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như trong báo cáo của UBND thành phố…

Thành phố Hà Nội đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Cải cách thủ tục hành chính được quan tâm chỉ đạo, tập trung vào các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.

Trong báo cáo có nêu chỉ số cải cách hành chính tăng 6 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố cả nước; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp và hỗ trợ đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố Hà Nội tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63, cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, chỉ số PAPI bị giảm, đang ở mức thấp, đề nghị Hà Nội xem lại.

Đặc biệt, vừa qua với việc tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, thành phố Hà Nội đã thu hút, mời gọi được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước cam kết đầu tư, phát triển lâu dài với quy mô lớn. Đây là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ trương, cam kết của Chính phủ “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế tiếp tục phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là về xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội; công tác giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo được quan tâm; việc bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được chăm lo; xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, đồng bộ và đạt kết quả tốt; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng.

Trong những thành tích chung của Hà Nội, có sự đóng góp quan trọng của từng đại biểu HĐND. Trong những năm qua, hoạt động của HĐND TP Hà Nội tiếp tục được đổi mới về phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định, đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của cấp ủy, cụ thể hóa thành các Nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi.

Thay mặt UBTV Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã chúc mừng và biểu dương những cố gắng, nỗ lực mà Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân Thủ đô đã đạt được trong thời gian vừa qua. Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân đã được nêu trong báo cáo của UBND, nhất là báo cáo thẩm tra các ban của Hội đồng rất sâu sắc, rõ nét.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ tin tưởng, từng vị đại biểu HĐND thành phố sẽ mang tinh thần cải tiến, đổi mới của Quốc hội vào kỳ họp thứ tư HĐND TP Hà Nội để kỳ họp này thực sự là một kỳ họp kết tinh trí tuệ, dân chủ, đổi mới, xem xét, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển năm 2017 cũng như những năm tiếp theo.

Sự tăng trưởng của Hà Nội chi phối vào tốc độ tăng trưởng của cả nước


Tán thành với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu đã nêu trong Báo cáo của UBND TP, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội cần tập trung quan tâm thực hiện tốt một số nội dung:

Một là, tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu kế hoạch về tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Sự ổn định, tăng trưởng của Hà Nội là rất quan trọng, chi phối vào tốc độ tăng của cả nước.

Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND cần đánh giá, phân tích chính xác tình hình, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng cấp ngành, cơ quan, đơn vị trước những yếu kém, khuyết điểm mà đã được chỉ rõ trong báo cáo, thảo luận; có giải pháp quyết liệt, thận trọng nhưng linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương để có cơ chế, chính sách phù hợp cho việc phát triển, nhất là thực hiện cơ chế đặc thù của Thủ đô Hà Nội đã được thông qua.

"Sắp tới tôi biết Hà Nội còn nhiều dự kiến, những chương trình rất tốt, giải quyết ùn tắc, làm cơ sở hạ tầng, giao thông thiết yếu cho Thủ đô và những dự án quan trọng khác... Do đó, tôi đề nghị những gì liên quan đến thẩm quyền của UBTV QH thì Hà Nội chủ động báo cáo Chính phủ để trình ra Ủy ban. UB TVQH sẽ xem xét giải quyết một cách hợp lý, hợp pháp, hợp tình, không phải chỉ vì Thủ đô Hà Nội mà cho cả nước. Chúng ta không chỉ dừng lại ở cơ chế đặc thù như vừa qua mà tôi thấy, chúng ta cần có những cơ chế chính sách đặc biệt, thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho Thủ đô" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Hai là, siết chặt kỷ cương trong quản lý đô thị, tăng cường công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị; xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện; đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh, môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng cháy, chữa cháy, đặt biệt tại các khu chung cư cao tầng, chung cư tái định cư, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề…

Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân Thủ đô trong công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị; tổ chức thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng; đề cao trách nhiệm, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Ba là, thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính; rà soát, chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng công khai, minh bạch, thông thoáng; tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; cắt giảm triệt để những chi phí không hợp lý cho chính quyền và người dân; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị, xác định rõ người, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền của mỗi tổ chức, cá nhân để khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Thực hiện các giải pháp cải thiện xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, tập trung vào 3 chỉ số yếu kém: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với người dân; tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số PCI, tập trung vào 5 chỉ số còn thấp như gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, môi trường cạnh tranh bình đẳng và tính năng động và tiên phong của chính quyền thành phố.

Bốn là, tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của HĐND TP, có những nghị quyết mang tính lâu dài, tác động nhiều đến đời sống xã hội, được cử tri cả nước quan tâm như: Nghị quyết về Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017- 2021, tầm nhìn đến 2030; tăng cường công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động thẩm tra, giám sát của các ban, các tổ của HĐND. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng các thành viên các ban của HĐND. Quan tâm tới việc chọn nguồn, đào tạo cán bộ, chuyên viên của Văn phòng HĐND, các ban của HĐND. 

Năm là, Thường trực HĐND thành phố cần tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và UBND thành phố trên các lĩnh vực hoạt động như: Công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp; tiến hành kỳ họp, xây dựng và thông qua các nghị quyết; triển khai nghị quyết của HĐND; giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; hoạt động giám sát, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri…

Bên cạnh đó, cần tăng cường, phối hợp tốt với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Ban Công tác đại biểu và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình hoạt động để một mặt tạo sự kết nối giữa trung ương và địa phương, một mặt nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND TP Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngoài cơ chế đặc thù, Hà Nội cần có cơ chế, chính sách đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.