(HNMO) - Ngõ 252 phố Tây Sơn thuộc phường Trung Liệt (quận Đống Đa) là khu dân cư đông đúc. Trong con ngõ nhỏ này, nhiều người đã ngang nhiên sử dụng diện tích ngõ đi chung thành nơi để xe, kinh doanh dịch vụ và bán hàng...
Cùng với hàng quán, không gian chung của ngõ còn bị chiếm dụng bởi hàng loạt mái che, mái vẩy, ô các loại và biển quảng cáo căng kín gần hết lối đi.
Đặc biệt, trong ngõ 252 phố Tây Sơn còn có một quần thể Di tích lịch sử văn hóa, gồm dinh thự, đền thờ, lăng mộ Tổng đốc Hoàng Cao Khải (ông là nhà văn, nhà sử học và là đại thần dưới triều Vua Thành Thái nhà Nguyễn) với trình độ kiến trúc tinh xảo trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt xưa... Song đến nay, những công trình chính là lăng Hoàng Cao Khải và lăng Hoàng Trọng Phu đã không còn nguyên vẹn, thậm chí trở nên nhếch nhác bởi bị chợ "cóc" bao vây...
Chợ "cóc" giăng kín ngõ, hàng hóa bày khắp lối đi, khiến con ngõ nhỏ lại càng nhỏ, nhếch nhác lại càng nhếch nhác hơn.
Toàn bộ không gian quanh hồ bán nguyệt, trước lăng Hoàng Cao Khải đã bị "bao vây" bởi hàng quán.
Để rồi, hạng mục hồ bán nguyệt, lăng Hoàng Trọng Phu..., thuộc quần thể di tích cũng bị biến dạng vì sự nhếch nhác, thiếu văn minh.
Không những ngõ 252 phố Tây Sơn, chợ "cóc" cũng lan sang ngõ 3 phố Thái Hà, biến khu vực này thành... quần thể chợ "cóc".
Không lẽ, việc xây dựng "đời sống văn hóa" của khu dân cư chỉ dừng ở khẩu hiệu treo tại đầu ngõ 252 phố Tây Sơn hay sao?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.