(HNMO) - Chiều 3-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, tham gia trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, khoảng cuối năm 2023 sẽ có kết quả về việc có thể sử dụng cát biển thay cát sông trong san lấp nền các công trình, dự án giao thông.
Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) liên quan đến việc đấu thầu hợp đồng xây dựng trọn gói hoặc theo đơn giá cố định sẽ không được điều chỉnh giá trong khi giá có thể biến động rất lớn, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đúng như đại biểu phản ánh trong thời gian qua, giá vật liệu tăng mạnh và điều này tác động lớn đến công tác quản lý, thực hiện hoạt động xây dựng cũng như là triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư công.
Theo quy định, đối với hợp đồng trọn gói hoặc theo đơn giá cố định thì giá trị không đổi trong suốt quá trình thực hiện và không được điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, phần lớn các dự án, kể cả tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đều áp dụng loại hợp đồng được điều chỉnh, căn cứ vào giá vật liệu xây dựng và chỉ số giá xây dựng do địa phương công bố.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải thích, theo quy định, hợp đồng đã ký trọn gói chỉ được điều chỉnh trong điều kiện bất khả kháng hoặc hoàn cảnh thay đổi, việc xem xét các yếu tố này phải đánh giá theo từng hoàn cảnh.
Để giải quyết vướng mắc, Bộ Xây dựng đã tổ chức nhiều đoàn đi làm việc với các địa phương, đề nghị công bố giá vật liệu xây dựng và thường xuyên cập nhật, điều chỉnh giá vật liệu xây dựng cho phù hợp.
“Đến nay, đã có 44 địa phương công bố giá vật liệu xây dựng hằng tháng và 19 địa phương công bố hằng quý. Việc địa phương chủ động công bố, bám sát thị trường sẽ góp phần đáp ứng việc quản lý giá vật liệu xây dựng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.
Tham gia trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Sáu (Đoàn Đồng Tháp) về việc khi nào thì có vật liệu thay thế cát sông trong san lấp nền các công trình, dự án giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay, tổng nhu cầu dùng cát làm vật liệu cho các công trình giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 39 triệu mét khối, trong khi hiện nay khu vực chỉ có 26 triệu mét khối; do đó đang xảy ra tình trạng thiếu cát san lấp nền.
“Việc nghiên cứu vật liệu cát biển thay cát sông đang là nhu cầu cấp thiết... Theo kết quả ban đầu, nếu sử dụng cát biển thay cát sông hiện nay riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lượng cát biển rất lớn, nếu nghiên cứu thành công không chỉ dùng cho khu vực mà còn áp dụng cho cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắngnói.
Bộ trưởng cho biết, khoảng cuối năm 2023 sẽ có kết quả về việc có thể sử dụng cát biển thay cát sông được không, nghiên cứu ban đầu hiện rất khả thi; đồng thời, tro, xỉ cũng là nguyên vật liệu có thể thay thế cát sông.
Đối với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) về sử dụng vật liệu mới để bảo đảm giải pháp đáp ứng công trình xanh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, mặc dù được quan tâm nhưng phát triển công trình xanh ở nước ta trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Đến nay, cả nước chỉ có khoảng 230 công trình xanh chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Một trong những rào cản đó là chưa có nhiều sản phẩm vật liệu được dán nhãn sinh thái xanh, nhãn tiết kiệm năng lượng vật liệu mới để đáp ứng thuận lợi cho các đối tượng sử dụng để phát triển công trình xanh.
Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan công trình xanh, sử dụng vật liệu xanh, vật liệu mới, trong đó có ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến vật liệu mới để bảo đảm cho việc mở ứng dụng, phát triển công trình xanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.