Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện tốt hơn Luật Xuất bản

Thụy Du| 25/11/2020 14:13

(HNMO) - Ngày 25-11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết 7 năm thực hiện Luật Xuất bản năm 2012 với sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành; sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong ngành Xuất bản.

Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về việc thực hiện Luật Xuất bản 7 năm qua.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, qua 7 năm triển khai thực hiện, Luật Xuất bản đã từng bước đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện cho ngành Xuất bản phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân.

Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều vấn đề bất cập nảy sinh trong thực hiện luật, do đó, cần có đánh giá khách quan, toàn diện làm cơ sở cho kiến nghị đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển nhanh, đúng định hướng; đẩy nhanh quá trình thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.

Trình bày báo cáo sơ kết 7 năm thực hiện Luật Xuất bản, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, Luật Xuất bản đã được quan tâm, triển khai sâu rộng với trên 3.000 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu. Việc thực thi các quy định về quyền phổ biến tác phẩm được thực hiện hiệu quả; nhiều chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển xuất bản được quan tâm; các chính sách ưu đãi cho hoạt động xuất bản được thực thi; thủ tục hành chính cơ bản được triển khai đầy đủ, nhanh chóng. Chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động xuất bản cũng đã gia tăng, tạo sự thay đổi trong nội dung và hình thức xuất bản phẩm. Việc triển khai phát triển văn hóa đọc được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, có những chính sách cho hoạt động xuất bản chưa được triển khai; việc hỗ trợ kinh phí đầu tư hiện đại cho các hoạt động xuất bản ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt. Một số nơi chưa sử dụng hiệu quả ngân sách; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản còn chậm...

Các ý kiến tại hội nghị đều khẳng định, luật đã đem lại nhiều khởi sắc cho hoạt động xuất bản. Tuy nhiên, trước xu thế mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng những cải tiến, thay đổi về chính sách pháp luật có liên quan, những biến động của thực tiễn, Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, cần được nghiên cứu, xem xét.

Tại hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan chủ quản nhà xuất bản tăng cường trách nhiệm, chủ động phối hợp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho nhà xuất bản nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, đồng thời nghiên cứu chuyển đổi nhà xuất bản trực thuộc theo loại hình tổ chức phù hợp.

Các đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật, nhất là các quy định về liên kết trong hoạt động xuất bản; nâng cao chất lượng nội dung; đầu tư, phát triển xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên...

Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý, đề xuất phương án đơn giản thủ tục hành chính, xây dựng các chương trình, chiến lược hành động phát triển xuất bản; kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Xuất bản...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện tốt hơn Luật Xuất bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.