Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiêm túc tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân

Phong Thu| 08/01/2016 06:43

(HNM) - Tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV - 2015 do Thanh tra Chính phủ tổ chức sáng 7-1, lãnh đạo TTCP đã trao đổi, cung cấp thông tin về nhiều vấn đề được dư luận quan tâm...

Tăng biện pháp phòng, chống tham nhũng

Theo đánh giá của TTCP, trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), các cấp, các ngành tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tổ chức quán triệt cho hơn 1,8 triệu lượt cán bộ, nhân dân. Trong 5 năm qua, ngành Thanh tra đã phát hiện 415 vụ, 705 người có dấu hiệu tham nhũng với số tiền 786 tỷ đồng, 10ha đất; kiến nghị thu hồi 756 tỷ đồng, 6,3ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 26 tập thể, 632 cá nhân, xử lý trách nhiệm 168 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 167 vụ, 273 đối tượng. Bên cạnh đó, TTCP đã ký kết Quy chế phối hợp với các cơ quan nhằm tăng cường sự phối hợp trong công tác PCTN.

Đất đai là lĩnh vực có nhiều sai phạm, tiêu cực.


Trả lời câu hỏi: "Từ ngày cung cấp số điện thoại “đường dây nóng”, Cục Chống tham nhũng đã nhận được bao nhiêu cuộc gọi của người dân? Việc xử lý ra sao?", Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho biết: Sau 25 ngày công bố 3 “đường dây nóng” tiếp nhận thông tin về tham nhũng, đã tiếp nhận 329 cuộc điện thoại và tin nhắn, phản ánh thông tin ở 27 địa phương, 12 bộ, ngành. Các lĩnh vực được phản ánh nhiều là về đất đai, khoáng sản, thuế, ngân hàng, tài chính và công tác cán bộ; các lực lượng công quyền xử lý việc liên quan đến dân có dấu hiệu mãi lộ như cảnh sát giao thông, kiểm lâm, thuế vụ và liên quan đến tiếp công dân; xuất nhập khẩu và chạy công ăn việc làm; xây dựng công trình, dự án; thực hiện chính sách xã hội xóa đói giảm nghèo. Trong số 329 tin phản ánh có 160 tin phản ánh thuộc chức năng của bộ, ngành, địa phương nên Cục đã hướng dẫn để người dân phản ánh đúng nơi; hơn 120 tin phản ánh có dấu hiệu sai phạm về tham nhũng, không tiết kiệm cũng thuộc các bộ, ngành, địa phương, Cục đã ghi nhận, đề nghị chuyển thêm tài liệu; 40 tin có dấu hiệu tham nhũng thuộc chức năng của Cục trực tiếp xem xét.

Ông Phạm Trọng Đạt khẳng định, các thông tin thuộc chức năng của Cục Chống tham nhũng, Cục có trách nhiệm thu thập, báo cáo với Tổng TTCP để xử lý. Khẳng định hiệu quả của "đường dây nóng" tiếp nhận thông tin phản ánh về tham nhũng, ông Phạm Trọng Đạt nhấn mạnh, đây là một giải pháp quan trọng để thu thập được nhiều nguồn tin, phục vụ công tác quản lý nhà nước. Báo chí cần tích cực tuyên truyền để người dân biết đến “đường dây nóng” và tích cực phản ánh. "Dù phải nghe điện thoại suốt ngày, suốt đêm chúng tôi cũng không ngại, cần phải tiếp tục duy trì việc này, chỉ có điều cần có cách xử lý để đỡ áp lực hơn. Trước mắt là tới đây, Cục sẽ đề xuất TTCP xây dựng bộ phận chuyên tiếp nhận, xử lý nguồn tin tố giác tội phạm tham nhũng" - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng khẳng định.

Về Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho rằng, đối tượng phải gọn lại, chứ hơn 1 triệu người phải kê khai như hiện nay thì không quản lý được. Và đã kê khai thì phải công khai, phải xác minh và thẩm định tính chính xác, trung thực. Đây là vấn đề cần phải đưa vào luật. "Nếu cả năm trời mới phát hiện được một ít trường hợp kê khai không trung thực là không phản ánh đúng thực tế. Thế nên nhiều người cho rằng giải pháp kê khai chỉ là hình thức là có cơ sở" - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng nhấn mạnh. Còn về công khai, theo quy định, có 2 hình thức là niêm yết tại cơ quan, đơn vị người kê khai và công khai trong cuộc họp. Riêng việc công khai tại nơi cư trú theo Nghị quyết của Trung ương, TTCP đã đề nghị được tiếp tục nghiên cứu thực hiện với đối tượng, thời điểm nào cho phù hợp, vì công khai tại nơi cư trú nếu không cẩn thận sẽ bị kẻ xấu lợi dụng làm phức tạp tình hình.

Sai phạm vì chậm ban hành văn bản quản lý

Trả lời câu hỏi của báo chí về những sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế. Ông Ngô Văn Cao, Vụ trưởng Vụ 3 (TTCP) cho biết: Thực hiện kế hoạch thanh tra 2015, Tổng TTCP đã ban hành quyết định thành lập đoàn thanh tra về thanh tra công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị và công trình y tế tại Bộ Y tế (giai đoạn 2011-2014). Qua thanh tra cho thấy, trong giai đoạn 2011-2014, Bộ Y tế và các đơn vị được thanh tra đã tổ chức kiểm tra nhiều nội dung trong công tác quản lý nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng cao, góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, quá trình quản lý về trang thiết bị và công trình y tế còn có những khuyết điểm từ khâu xây dựng thể chế, hướng dẫn thực hiện quy định đến khâu tổ chức thực hiện (mời thầu, đấu thầu, tiếp nhận, sử dụng trang thiết bị, thanh lý trang thiết bị…) đều có khuyết điểm sai phạm. Theo ông Ngô Văn Cao, hậu quả của sai phạm này là hạn chế chức năng quản lý nhà nước; ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của Nhà nước trong công tác mua sắm, sửa chữa, xây dựng, sử dụng trang thiết bị; gây ra thất thoát lãng phí về vốn đầu tư của Nhà nước; và đặc biệt là ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh...

Theo kết luận của TTCP về công tác quản lý trang thiết bị và công trình y tế tại Bộ Y tế giai đoạn (2011-2014): Bộ Y tế chưa ban hành các quy chuẩn về thiết bị y tế; chưa ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các quy định về danh mục, thiết bị y tế thiết yếu của các tuyến và quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh... Tại một số bệnh viện đa khoa tỉnh đầu tư lớn song hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh. Ngoài ra, Thanh tra còn nhiều sai sót, vi phạm kinh tế trong đầu tư xây dựng công trình y tế tại một số bệnh viện khác như: Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, Bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quy Hòa, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TPHCM…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghiêm túc tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.