Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiêm túc hơn, trách nhiệm hơn

Tuấn Lương| 27/07/2015 06:46

(HNM) -

Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm

Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong năm 2014, năm 2015 Hà Nội tiếp tục chọn là "Năm trật tự và văn minh đô thị". Từ đầu năm 2015, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các lực lượng chức năng của thành phố đã tích cực thanh, kiểm tra kiểm soát tình hình bảo đảm trật tự ATGT, đã tập trung thực hiện kiểm tra, xử lý, giải tỏa các hành vi vi phạm như: xe "dù", bến "cóc", lấn chiếm nhà chờ xe buýt; các phương tiện dừng, đỗ sai quy định, chạy sai hành trình, vòng vo đón trả khách…

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia về kiểm soát tải trọng phương tiện, Sở GTVT và Công an thành phố đã bố trí lực lượng 24/24h tại các trạm kiểm soát tải trọng trên các tuyến quốc lộ ra vào thành phố; đưa các trạm cân di động vào hoạt động để kiểm soát tải trọng ngay từ các đầu mối bốc xếp hàng hóa, đồng thời lập 3 tổ công tác liên ngành nhằm kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm…

Về chống ùn tắc giao thông, thành phố đã tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ như cải tạo hạ tầng; kiểm tra, kiểm soát để không gia tăng số lượng taxi lưu hành trên địa bàn, đặc biệt trong khu vực nội thành; rà soát luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh theo quy hoạch, tổ chức điều hành khoa học các tuyến vận tải khách nội tỉnh, liên tỉnh và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tại các bến xe cũng như các tuyến buýt… Một loạt công trình giao thông trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác như đường Trần Phú - Kim Mã, cầu Mỗ Lao, Cầu Ngà, Trạm trung chuyển xe buýt Kim Mã… Nhờ đó, trong số 46 điểm ùn tắc và có nguy cơ ùn tắc trong năm 2014, đã có 15 điểm được giải quyết…

Thực hiện tốt kế hoạch, xử lý triệt để xe "vua"

Bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, theo đánh giá của Ban ATGT TP Hà Nội, công tác bảo đảm ATGT vẫn còn nhiều khó khăn, TNGT dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa bền vững. Ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT cho rằng, có một số nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự chưa bền vững này. Đó là công tác phát triển hạ tầng giao thông hạn chế do bất cập trong cơ chế giải phóng mặt bằng, thu hút vốn đầu tư; sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân quá nhanh; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn chưa cao.

Đặc biệt, trên địa bàn một số huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Thường Tín, Chương Mỹ, Phúc Thọ… số vụ TNGT còn ở mức cao. Phân tích nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT là do tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; đi sai làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu; còn nhiều tuyến đường nông thôn thiếu hệ thống biển báo, gờ giảm tốc. Mặt khác, công tác tuần tra, kiểm soát ở một số khu vực, tuyến đường chưa được thường xuyên, liên tục, thiếu sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền cơ sở…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, với một thủ đô đông dân cư, có tới 4 triệu xe máy và hơn nửa triệu ô tô lưu hành, bảo đảm trật tự ATGT luôn là một công việc phức tạp, khó khăn. Những năm qua, Hà Nội luôn được Chính phủ đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước có những giải pháp sáng tạo nhằm hạn chế ùn tắc và kéo giảm TNGT. Tuy nhiên, các tháng cuối năm cũng như các năm tiếp theo, nguy cơ tiềm ẩn ùn tắc và TNGT vẫn rất lớn, còn nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội… Các sở, ngành, quận, huyện và đơn vị liên quan đều có những kế hoạch rất chi tiết, khả thi. Do đó, chỉ cần bám sát và thực hiện nghiêm túc kế hoạch chắc chắn kết quả sẽ tốt. UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt, hết trách nhiệm để kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí một cách bền vững; giải quyết tình trạng ùn tắc từng điểm một trên tinh thần hiệu quả thực sự chứ không phải dẹp được chỗ này lại phát sinh chỗ khác. Riêng với xe tải, Chính phủ đã cho phép Hà Nội dán phù hiệu cho xe tải để đưa vào quản lý nên Sở GTVT và Công an thành phố thực hiện ngay. Hà Nội không được phép để tình trạng xe "vua" lộng hành. Nếu địa bàn nào xảy ra sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu...

* Sáu tháng đầu năm 2015, trên địa bàn thành phố xảy ra 884 vụ TNGT, làm chết 316 người, bị thương 740 người, so với cùng kỳ năm 2014 giảm 59 vụ TNGT (tương đương 6,3%), giảm 114 người bị thương (tương đương 13,3%) nhưng số người chết lại tăng 22 người (tương đương 7,5%).

* Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 9.500 trường hợp, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính gần 6.000 trường hợp, phạt tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 30 tỷ đồng, bắt buộc hạ tải đối với 4.478 xe với khối lượng hạ tải gần 20.000 tấn hàng hóa. Đến thời điểm này, trên địa bàn đã cơ bản không còn xe quá tải hoạt động.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiêm túc hơn, trách nhiệm hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.