(HNM) - Vậy là vàng đã đạt mức giá cao nhất từ đầu năm 2011 tới nay, trên 37 triệu đồng/lượng, giá USD ngoài thị trường tự do cũng ngật ngưỡng qua mức 2,2 triệu đồng/100 USD. Điều này gần như trái ngược với kỳ vọng của các nhà quản lý về
Thế nhưng, khác với thị trường "xa xỉ" của vàng và USD, mấy ngày nay rau quả đang xuống giá như tụt dốc không phanh. Các bà nội trợ mừng ra mặt, nhưng nông dân thì nhăn nhó. Gần như quay 180 độ so với tình trạng đắt đỏ thời điểm trước Tết, giá các loại rau, củ, quả hiện nay giảm mạnh không ngờ, nhiều loại có giá chỉ còn bằng một phần ba. Chẳng hạn, trước tết, cải bắp có giá 13.000 đồng/kg thì bây giờ chỉ còn 5.000 đồng/kg, cà chua 18.000 đồng/kg, nay còn 6.000 đồng/kg… Các bà nội trợ kháo nhau hầu hết các loại rau đều "rẻ như cho".
Có phải đi mua rau và sống trong mối lo giá cả leo thang mới thấy thương người nông dân vất vả. Suốt cả năm 2010, lĩnh vực tài chính, tiền tệ chẳng khi nào dứt sốt, khiến cho dư luận bao phen hốt hoảng. Hết thăng lại trầm, nhưng cuối cùng vẫn là "sốt nóng", là lợi nhuận cao. Ngược lại, người nông dân một nắng hai sương cày kéo cả năm trời chỉ trông vào vài ba ngày tết, nhưng cũng chẳng lời lãi bao nhiêu khi giá bán tuy có tăng chút ít, nhưng phải chịu bao khoản chi đầu vào đã không ngừng tăng lên. Rồi giá mớ rau ngày Tết có cao hơn bình thường thì cũng chẳng thấm tháp gì trong sự leo thang của giá cả hàng hóa khác.
Còn với người tiêu dùng, trong tâm thế phòng bão giá thì chỉ rau rẻ thôi không phải là điều mong đợi. Đơn giản là vàng hay USD có thể mua tích trữ, chứ rau rẻ, thậm chí xin được cũng chẳng thể tích cả đống dùng dần.
Vẫn biết chẳng thể mang cái "vĩ mô" của vàng, USD mà so với cái "vi mô" mớ rau, con cá. Nhưng nghịch lý ở chỗ, ngay từ trước Tết, chẳng cần các nhà chuyên môn, mà hầu hết người dân đều dự báo ra giêng thế nào rau cỏ, thịt thà cũng xuống. Và dự báo ấy đã không sai. Tiếp đến, khi tỷ giá đồng USD trong hệ thống ngân hàng được điều chỉnh tăng với lý do cho gần với quy luật thị trường, thì nhiều người dân thường cũng đã khẳng định chắc chắn rằng tỷ giá thị trường tự do sẽ nhanh chóng nhảy vọt. Quả thật, vài ngày sau giá USD đã đi quãng đường bằng vài tháng trước đó, tăng hàng trăm nghìn đồng cho mỗi 100 USD trong chưa đầy một tuần. Và đến lúc này thì tình trạng hai giá (trong và ngoài ngân hàng) vẫn tồn tại. Cái lý của người dân không có gì cao siêu, chỉ đơn giản là chính quy luật thị trường sẽ quyết định tất cả.
Dĩ nhiên, trong khó khăn chung của cả nền kinh tế thế giới thì việc thị trường trong nước bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi. Nhưng cũng dễ thấy là quyền lợi của một nhóm lợi ích còn chưa đồng nhất với lợi ích chung của cả xã hội. Ngoài chuyện đồng USD được "đặt trong cơ chế thị trường" thì thời gian qua, vấn đề lợi ích của từng ngành cụ thể đã được đặt ra khá rõ nét. Chẳng hạn, trong lúc nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn thì ngân hàng cũng "đồng cam cộng khổ" với những lời kêu cứu, như tỷ giá biến động bất thường, thiếu tiền đồng, thiếu đô la…, nhưng rồi lợi nhuận trong năm 2010 của nhiều ngân hàng vẫn khiến bao người sửng sốt. Ngay với các doanh nghiệp nhà nước cũng vậy. Năm qua nhiều đơn vị nêu khó khăn, đòi được bù lỗ, nhưng rút cuộc đến báo cáo cuối năm thì chẳng tập đoàn hay tổng công ty nào không lãi lớn. Khi ấy các ngân hàng hay doanh nghiệp đều khẳng định họ là doanh nghiệp, lãi lỗ bao nhiêu là "nghệ thuật kinh doanh"!
Dĩ nhiên khi các thành phần kinh tế đều tăng lợi nhuận thì thật đáng mừng. Song sự trái ngược trên thị trường lúc này chắc chắn cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Mục tiêu bình ổn thị trường, giảm áp lực với toàn nền kinh tế sẽ chẳng nghĩa lý gì khi chỉ giá rau, quả giảm, còn giá điện, xăng, vàng hay ngoại tệ cứ vùn vụt phi nước đại…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.