Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghịch lý nước Mỹ: Ít người ra đường, càng tiết kiệm điện

Nguyễn Thúc| 22/02/2018 17:28

(HNMO) - Người dân Mỹ đang tiết kiệm đáng kể năng lượng nhờ việc không ra đường nhiều như trước đây.

Người dân Mỹ đang ít ra đường hơn trong hơn một thập kỷ trở lại đây.


Thực tế có phần kì lạ này đang được đánh giá là một trong những động thái góp phần tích cực vào nỗ lực bảo vệ môi trường. Số liệu khảo sát nêu ra cho thấy người Mỹ dành thêm 8 ngày để ở nhà mỗi năm trong năm 2012, so với năm 2003. Dù việc ở nhà nhiều hơn thường đồng nghĩa với việc sử dụng điện nhiều hơn do bật đèn, xem TV hay sử dụng các thiết bị gia dụng, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc mọi người ít di chuyển hơn (tiết kiệm xăng dầu ô tô, máy bay, tàu thuyền...), không sử dụng điện hay khí ga sưởi tại văn phòng, dịch vụ công cộng...

Chính vì thế, nếu xét một cách tổng thể, thay đổi nói trên đã cho phép nước Mỹ tiết kiệm tới 1.700 ngàn tỷ BTU năng lượng trong năm 2012, bằng 1,8% tổng mức năng lượng tiêu thụ của cả quốc gia (tương đương toàn bộ mức năng lượng mà bang Kentucky sản xuất được trong năm 2015). Trong đó, phần lớn là từ phương tiện di chuyển, văn phòng và các trung tâm mua sắm.

Cũng theo khảo sát, nhóm người có xu hướng ở trong nhà chủ yếu tập trung ở độ tuổi 18 đến 24, với tỉ lệ thời gian giam mình giữa bốn bức tường cao hơn 70% so với mặt bằng chung của người dân Mỹ (tăng thêm 2 tuần/năm trong giai đoạn 2003-2012). Trong khi đó, nhóm từ 65 tuổi trở lên lại có xu hướng ra ngoài nhiều hơn trong những năm qua, so với một thập kỷ trước.


Ít khách, các trung tâm mua sắm không còn tiêu thụ nhiều năng lượng cho sưởi, chiếu sáng, âm thanh, bơm nước, điều hòa, lọc không khí...


Để phân tích rõ nguyên nhân dẫn tới những thay đổi như vậy là điều không dễ dàng, tuy nhiên khảo sát cũng cho rằng, việc nhu cầu ra đường giảm đi trong những năm qua có một số lý do chính: Trước hết, dịch vụ mua sắm trực tuyến, chuyển phát nhanh với thời gian giao hàng siêu tốc đã khiến nhu cầu đi mua sắm trực tiếp giảm đáng kể. Tiếp đến, mạng xã hội như Facebook, Twitter và các dịch vụ giải trí như Netflix đã giải quyết đáng kể nhu cầu kết giao, giải trí của con người.

Đáng kể hơn, sự phát triển của công nghệ thông tin dẫn tới việc ngày càng có nhiều công ty hay tổ chức cho phép nhân viên làm việc từ nhà. Một khảo sát khác của Cục Số liệu lao động Mỹ cũng cho thấy, trong năm 2016, số người làm việc tại nhà trong giờ hành chính là 22%, một tỉ lệ không hề nhỏ, trong đó chiếm số lượng lớn là những người ở độ tuổi từ 25 trở lên, với học vấn đại học hoặc sau đại học. Hiện thực này không chỉ diễn ra từ 2003-2012 mà ngày càng mạnh mẽ hơn trong những năm vừa qua, đặc biệt là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng internet kết nối vạn vật bùng nổ.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực về điện năng hay môi trường nói trên, khảo sát còn cho thấy nguy cơ về sức khỏe cộng đồng, khi con người ngày càng lười vận động và hòa nhập với môi trường tự nhiên. Điều này tác động xấu về nhiều mặt không chỉ đối với thể trạng mà cả tâm lý, bởi việc đi ra ngoài và giao tiếp với nhau giúp mỗi cá nhân giảm căng thẳng, đồng thời cho phép họ xây dựng các mối quan hệ xã hội và tự mở ra nhiều cơ hội về việc làm và cuộc sống.

Bên cạnh vấn đề sức khỏe, thói quen sử dụng năng lượng chuyển dịch theo hướng mới cũng đặt ra những thách thức cho từng cá nhân và cả mỗi quốc gia trong việc tối ưu hoạt động sử dụng điện năng của từng hộ gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý nước Mỹ: Ít người ra đường, càng tiết kiệm điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.