(HNM) - Trong khi tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) ở các vùng nông thôn vẫn ở mức cao thì ở thành phố, trẻ thừa cân, béo phì (TC, BP) đang có xu hướng gia tăng đến mức đáng báo động. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, SDD hay TC, BP đều không tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thể chất và trí tuệ của một thế hệ, nguồn lực tương lai của đất nước.
Trẻ cần được chăm sóc đúng về dinh dưỡng để phát triển toàn diện. Ảnh: Bá Hoạt |
Thiếu quan tâm
Năm 2009, huyện Mỹ Đức được đánh giá là nơi có tỷ lệ trẻ SDD cao của Hà Nội với 18,1% trẻ SDD trong tổng số 13.700 trẻ dưới 6 tuổi. Trong đó, xã có tỷ lệ SDD cao nhất là Vạn Kim với 23,9%. Nằm ven sông Đáy, Vạn Kim chủ yếu trồng dâu nuôi tằm, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của Vạn Kim vẫn ở mức cao: 28,9% trên tổng số 1.700 hộ. Tình trạng lao động nông nhàn ra thành phố tìm việc làm khá phổ biến, nên ở nhiều gia đình con trẻ chủ yếu được ông bà nuôi dạy, cũng có nghĩa là việc chăm sóc trẻ không do các bà mẹ trẻ mà lại thuộc về người già. Người già ở nông thôn, dù nhiều kinh nghiệm nhưng chắc chắn điều kiện cập nhật kiến thức nuôi dạy trẻ, hiểu biết khoa học về dinh dưỡng sẽ hạn chế. Vì vậy, dễ dàng thấy là hầu hết trẻ ở những gia đình nông thôn mà bố, mẹ đi làm ăn xa được nuôi theo kiểu người lớn ăn gì, trẻ con ăn nấy. Đây là một thực tế cần tính đến trong công tác tuyên truyền cũng như phòng, chống SDD cho trẻ em ở khu vực nông thôn hiện nay.
Theo ông Trần Văn Mười, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Mỹ Đức, tỷ lệ SDD trẻ em của huyện Mỹ Đức những năm gần đây đều giảm 0,2%/năm. Đây là kết quả những nỗ lực của ngành y tế Mỹ Đức trong việc triển khai 6 xã trọng điểm về phòng, chống SDD cho trẻ và nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục tích cực. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm ở đây hiện nay là việc chăm sóc sức khỏe nói chung và dinh dưỡng cho trẻ nói riêng vẫn chưa được các gia đình quan tâm đúng mức.
Chưa đúng cách
Trái với tình trạng trẻ SDD cao ở nông thôn thì ở thành phố, những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, trẻ được quan tâm bằng cách "nhồi" ăn bất hợp lý, dinh dưỡng mất cân đối, dẫn tới TC, BP. Dễ dàng nhận thấy tình trạng ở nhiều trẻ có chỉ số lệch chuẩn +2 đến +3 và trên +3 về cân nặng và hình thể.
Quận Hà Đông là nơi có tỷ lệ trẻ SDD khá thấp (9,5%), nhưng tại một trường tiểu học có tên tuổi ở trung tâm quận, kết quả kiểm tra sức khỏe cuối năm học 2009-2010 của một lớp 4 cho thấy, trong 25 trẻ, có tới 10 trẻ bị TC, BP, chiếm tỷ lệ 40%. Mặc dù đây chỉ là con số ở phạm vi nhỏ, nhưng đã thể hiện sự bất hợp lý trong vấn đề dinh dưỡng cho trẻ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ bị TC, BP thường gặp phải những khó khăn như mặc cảm về hình thức của mình, cân nặng nhiều hơn mức bình thường cũng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống là hết sức cần thiết, giúp cho trẻ phát triển thể lực tốt hơn, phòng tránh các bệnh mạn tính sau này...
Can thiệp bằng dịch vụ và giáo dục
Bác sỹ Trần Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Đông cho biết, theo số liệu năm 2009, tỷ lệ trẻ SDD của 14 quận, huyện, thị thuộc Hà Tây (cũ) vẫn ở mức cao hơn nhiều so với Hà Nội trước khi sáp nhập và các tỉnh, thành trong khu vực. Cụ thể là SDD cân nặng/tuổi là 16,4%; SDD chiều cao/tuổi là 28% (tỷ lệ chung của Hà Nội là 12,6% và 23,4%). Nguyên nhân quan trọng nhất là do bà mẹ thiếu kiến thức về dinh dưỡng hợp lý. Hiện nay, tỷ lệ bà mẹ cho trẻ ăn bổ sung hợp lý và đa dạng hóa thực phẩm chỉ đạt 25%, mới có 12% bà mẹ biết cho con bú đúng cách.
Theo BS Trung, giải pháp quan trọng nhất cho cả 2 vấn đề phòng, chống trẻ SDD và TC, BP vẫn là giáo dục, nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng cân đối, hợp lý cho mọi người, nhất là các bà mẹ để trẻ phát triển toàn diện, mạnh khỏe và thông minh.
Hiện nay, chương trình phòng, chống SDD trẻ em ở 14 quận, huyện khu vực Hà Tây (cũ) đang tập trung giải quyết 2 việc chính: Tập huấn kỹ năng và nhận thức cho toàn bộ 2.798 cộng tác viên, 354 cán bộ chuyên trách dinh dưỡng về phòng chống SDD trẻ em; tăng thời lượng truyền thông trực tiếp cho các bà mẹ đang mang thai và có con dưới 5 tuổi. Từ tháng 6 tới, sẽ xây dựng 4 mô hình can thiệp giảm tỷ lệ SDD thể thấp còi (tỷ lệ chiều cao/tuổi) ở 2 huyện Mỹ Đức và Ba Vì, với các giải pháp về truyền thông và cung cấp sản phẩm dinh dưỡng cho các bà mẹ mang thai, trẻ dưới 2 tuổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.