(HNM) - Mấy chục năm qua, người dân xã Minh Cường, huyện Thường Tín luôn cảm phục tình yêu "phi thường" của hai chị em ruột Nguyễn Thị Thắm và Nguyễn Thị Đố, các chị đã yêu thương và lấy hai thương binh nặng nhất xã.
Nhưng họ, những người trong cuộc lại cho rằng, đó chỉ là một tình yêu rất đỗi đời thường, bình dị của những người vợ, cả đời dành trọn tình yêu thương và cả sự hy sinh thầm lặng cho những người lính đã hiến dâng tuổi trẻ, sức xuân vì độc lập tự do cho dân tộc.
Ông Đinh Văn Nức, Bí thư Đảng ủy xã cho hay, Minh Cường là địa phương có trên 300 gia đình chính sách, trong đó có 172 liệt sỹ, 186 thương bệnh binh các loại và 13 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Thương binh Vũ Văn Nắng cùng người anh "đồng hao" "cọc chèo" Nguyễn Văn Chinh hiện là hai thương binh nặng nhất xã. Anh Nắng đang cùng ở với vợ và mẹ già gần 90 tuổi trong hai gian nhà cấp 4, nhỏ hẹp, xuống cấp. Bản thân anh Nắng bị bệnh nặng, mỗi tuần phải đi chạy thận tại Bệnh viện Nông nghiệp Hà Nội 3-4 lần nên hoàn cảnh rất khó khăn. Gia đình anh Nắng đã nỗ lực rất nhiều để ổn định cuộc sống, nhưng do bệnh tật liên miên, mặc dù đã được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước nhưng mỗi tháng chi phí thuốc men, đi lại… để chạy thận của anh lên tới 4-5 triệu đồng, vượt quá mức chi trả của gia đình nên nhiều năm liền gia đình hết sức khó khăn. Trước hoàn cảnh đó, Công ty Bảo việt Đông Đô - Hà Nội đã ủng hộ 40 triệu đồng xây nhà tình nghĩa cho anh. UBND xã Minh Cường cũng tích cực vận động các doanh nghiệp, tổ chức đóng trên địa bàn, các ngành, đoàn thể của xã và bà con hàng xóm ủng hộ thêm 60 triệu đồng. Bí thư Đảng ủy xã khẳng định, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt về vật chất, tinh thần đối với gia đình thương binh Vũ Văn Nắng.
Bản thân mẹ đẻ thương binh Vũ Văn Nắng là bà Đinh Thị Phan cũng vừa là vợ, vừa là mẹ liệt sỹ. Ngoài anh Nắng ra, bà Phan còn có một người con là liệt sỹ Vũ Văn Ngằn, hy sinh năm 1975 tại chiến trường miền Nam và chồng là ông Nguyễn Thắng Tưởng - liệt sỹ thời chống Pháp. Vợ thương binh Vũ Văn Nắng, chị Nguyễn Thị Thắm cũng có hoàn cảnh đặc biệt, anh trai chị là thương binh nặng (đã mất), chị gái Nguyễn Thị Đố cũng tình nguyện lấy anh Nguyễn Văn Chinh, thương binh nặng hạng1/4.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nắng cho biết, vết thương cũ thường xuyên tái phát gây đau đớn, rồi bao nỗi lo cơm áo, gạo tiền đều dồn lên đôi vai người vợ khiến anh chạnh lòng nhưng nhờ sự quan tâm giúp đỡ của mọi người và chính quyền địa phương, được vợ con ân cần chăm sóc, giúp anh thêm nghị lực vượt qua khó khăn. Còn chị Thắm thì tâm sự: "Khi lấy anh Nắng tôi đã xác định mình sẽ vất vả nên sau này những lúc khó khăn nhất, tôi không nản chí mà chỉ tự nhủ mình phải tìm mọi cách để vượt qua…". Chị Thắm bảo, ngay từ ngày mười tám đôi mươi, biết anh thương binh nặng trở về địa phương, chị càng quyết tâm yêu và tự nguyện cưới. Cùng quê hương, biết nhau từ nhỏ, nên đối với chị, lấy anh là duyên phận. Mọi người đều có chung cảm nhận, tình yêu của những người như chị Thắm "phi thường" hơn chính cuộc sống đời thường với bao nhọc nhằn của họ. Có lẽ đó cũng là một cách lý giải, vì sao những thương binh nặng như anh Nắng, anh Chinh vượt qua vết thương chiến tranh, bệnh tật triền miên và cả nhọc nhằn của cơm áo gạo tiền thường nhật vì bên cạnh các anh luôn có những ánh mắt trìu mến, những trái tim sắt son và một tình yêu trọn vẹn song hành.
Nắng buổi sáng vàng mơ rải khắp đường làng, thanh bình, dịu êm. Ngày động thổ ngôi nhà tình nghĩa cho thương binh Vũ Văn Nắng, con đường nhỏ như nhộn nhịp hẳn lên. Lại vẫn cái không khí tấp nập của hơn 30 năm về trước khi quê hương, gia đình chào đón anh trở về và chúc phúc cho anh lấy được người con gái đảm, xinh đẹp của quê hương. Nay họ lại chung tay, mỗi người đều muốn đặt một viên gạch hồng xây tặng anh chị ngôi nhà mới, chia sẻ cùng anh chị một phần những khó khăn, vất vả trong cuộc sống hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.