Văn hóa

Nghĩ về người Hà Nội - Bài 2: Lối sống hôm nay

Nguyễn Ngọc Tiến 09/07/2023 14:25

Năm 1882, quân Pháp đánh thành Hà Nội và đô hộ Hà Nội đã gây ra đứt gãy văn hóa. Năm 1954, đất nước chia hai miền. Miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và để xây dựng xã hội mới phải xóa bỏ cái cũ không còn phù hợp. Lối sống quen thuộc của người Hà Nội đã thay đổi ra sao?

anh-mau-ao-dai-dau-tien-tu-lieu-cua-albert-kahn-675x1024-1-.jpg
Con gái Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX.

Ba thời kỳ ảnh hưởng đến lối sống

Thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam là tội ác bị lên án và sử sách đã ghi rõ ràng chuyện này. Nhưng cái gì cũng có hai mặt, và không thể phủ nhận, việc Pháp cai trị bằng tư tưởng, văn hóa Phương Tây khiến Hà Nội giằng co giữa cái cũ và cái mới.

Tuy nhiên, có nhiều thứ, tự hai quan niệm văn hóa đã thỏa thuận được với nhau. Phong cách kiến trúc Đông Dương là một ví dụ, sự kết hợp giữa Đông và Tây đã không chênh phô, tạo ra phong cách riêng thú vị. Lối sống thanh lịch phong kiến Việt Nam và lịch sự văn minh phương Tây pha trộn vào nhau, song không xung đột.  

fb_img_1686200132888.jpg
Nữ sinh Trường Trưng Vương trong giờ thí nghiệm. Ảnh chụp năm 1925
fb_img_1686200801456.jpg
Hà Nội thời bao cấp.

Sau năm 1954, do sai lầm về quan niệm nên tín ngưỡng dân gian bị coi là mê tín, phong tục truyền thống bị đánh đồng với hủ bại phong kiến. Tân thời, văn minh, con gái ăn nói điệu đà một chút, tóc phi dê bị cho là lối sống tư sản.

Nhà văn, nhà báo Trần Chiến chia sẻ một chuyện, có chị bán xôi rao: “Kính mời quý ông, quý bà, quý cô, quý cậu ra ăn xôi nóng nào” thì bị nhắc nhở là “tiếng rao nô lệ”. Để tránh bị phê phán ở cơ quan, trường học và ngoài xã hội, nhiều người Hà Nội cố gắng thay đổi lối sống quen thuộc, cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, bớt điệu, thô hơn một chút. Thật may mắn là Đảng và Nhà nước đã nhận ra. Trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 năm 1986, Tổng Bí thư Trường Chinh đã thừa nhận sai lầm trong nhận thức, đi ngược với các quy luật kinh tế.

fb_img_1686200660102.jpg
Trẻ em Hà Nội sơ tán về nông thôn năm 1967. Ảnh Mầu Hồng Thiết.

Sự ảnh hưởng lần thứ 2 là khi không quân Mỹ đánh bom miền Bắc năm 1964. Năm 1965, gần như cả thành phố, từ trẻ đến già phải sơ tán về nông thôn. Cuộc sống thôn quê không điện, không nước máy, mùa hè nóng bức không có quạt điện nhưng họ buộc phải thích nghi. Thôn quê mộc mạc, chân thành nên “ý nhị, tế vi, thanh lịch, tao nhã” bị coi là khách sáo, không thật. Để hòa nhập, người lớn tuổi phải bỏ bớt câu bị cho là sáo như “cám ơn”, “dạ ông nói chí phải”, “có gì xin bà cứ dạy bảo”… Trẻ con chưa kịp thay đổi, mọi sinh hoạt thoải mái như ở thành phố nên mới có câu “tự nhiên như người Hà Nội” với hàm ý chê.

fb_img_1686200374962.jpg
Hà Nội năm 1950.

Lần thay đổi thứ 3 là thời kỳ bao cấp. Cuộc sống những năm tháng này vô cùng khó khăn, thiếu thốn, cái gì cũng bán theo tiêu chuẩn bằng tem phiếu, bìa, sổ. Vì hàng hóa luôn trong tình trạng khan hiếm nên mua lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt đều phải xếp hàng, kể cả cốc bia hơi. Ai cũng muốn mua trước vì sợ hết hàng đã sinh chen ngang, tranh chỗ, bản năng tồn tại, thói ích kỷ trỗi dậy đã làm rầu lòng nhiều người.

Năm 1986, một triển lãm ảnh với cái tên trần trụi “Hà Nội đẹp và chưa đẹp”. Có bức chụp hai đứa trẻ trèo lên cây trong Công viên Thống Nhất ngồi chơi, chúng thõng chân xuống đầu các cụ già đang ngồi ghế đá. Nhẩy tầu điện, câu cá trộm, nói tục văng bậy, phóng uế trên hè phố… lẻ tẻ đã diễn ra trong lớp trẻ. Và trong bài “30 năm sưu tầm, nghiên cứu folklore Hà Nội”, Giáo sư Trần Quốc Vượng tế nhị cảnh báo: “Hà Nội cần chống xuống cấp phong cách sống”.

Từ nhiều năm nay, tường nhà, cột điện, tủ điện trên hè phố… bị dán đầy các tờ quảng cáo, thậm chí, có người còn ngang nhiên in bằng sơn. Các di tích văn hóa, lịch sử nhằng nhịt chữ viết bậy. Nạn đua xe máy trái phép thỉnh thoảng lại diễn ra trên phố; sự cộc cằn trong giao tiếp, sau mỗi sự kiện lớn được tổ chức nơi công cộng thì rác đầy phố… Mạng xã hội là nơi phô bày cả chuyện riêng tư mà người đăng không hề hổ thẹn, tất cả chỉ vì view, vì tiền mà Facebook, TikTok trả. Lo ngại nhất là xuất hiện lối sống thực dụng, mê sảng tín ngưỡng tâm linh. Môi trường cạnh tranh làm con người mệt mỏi song nó cũng là động lực cho người Hà Nội vốn ham học càng ham học hơn.

Trước sự xuống cấp về lối sống ở Hà Nội, có ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do người nhập cư gây ra. Đây là nhận định chủ quan và không đúng. Xưa, người nhập cư đều bị “Thăng Long hóa”, ngày nay, ít nhiều họ cũng bị “Hà Nội hóa”. Số lượng người nhập cư chủ yếu là sinh viên, đối tượng này đa phần lo học hành. Với người lao động tự do, họ cũng tránh mọi va chạm khi mưu sinh.

Đúng là lối sống thanh lịch ở Hà Nội có xuống cấp, mờ nhạt nhưng phong cách sống như vua Tự Đức đúc kết vẫn chưa mất. Cung cách ứng xử, giao tiếp của lớp người cao tuổi vẫn tế nhị, tế vi, thanh lịch, tao nhã. Do nhịp độ cuộc sống quá gấp gáp, hối hả khiến người ta không kịp nhìn ra cái thiện, cái đẹp. Rồi truyền thông mải chạy theo view, theo trend đã quên tuyên truyền. Ví dụ, lòng nhân ái trở thành phong trào, không tỉnh, thành nào ở miền Bắc có nhiều nhóm thiện nguyện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn như ở Hà Nội.

fb_img_1686200203454.jpg
Áp phích hội chợ.

Giải pháp nào?

Trong các chương trình công tác của Đảng bộ thành phố Hà Nội các nhiệm kỳ đều chú trọng nhiệm vụ phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, coi đó là nhiệm vụ xuyên suốt. Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 15-12-2000 của Bộ Chính trị cũng đã chỉ rõ nhiệm vụ xây dựng Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy, thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Hà Nội đã biến chủ trương thành các nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn. Đó là xây dựng gia đình văn hóa mới, khu phố văn hóa. Triển khai dự án chống nói ngọng "l" và "n" ở một số trường phổ thông ngoại thành. Ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố; Quy tắc ứng xử nơi công cộng... Đặc biệt, Hà Nội còn có Luật Thủ đô với các điều khoản về xây dựng lối sống người Hà Nội.

Trong thực hiện nhiệm vụ, giáo dục vẫn là giải pháp ưu tiên. Giáo dục ở gia đình, giáo dục ở trường phổ thông và giáo dục trong xã hội. Giáo dục để mở mang kiến thức, từ đó giúp thay đổi nhận thức. Vẫn biết, thay đổi ý thức, lối sống cần có thời gian, nhưng sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết 15, các chương trình công tác của Thành ủy, kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Các đơn vị đã cố gắng làm tốt nhiệm vụ, song nguyên nhân chính là thực thi pháp luật chưa nghiêm.

Lâu nay, nhiều người uống bia rượu vẫn lái xe máy, ô tô tham gia giao thông mà không bị xử phạt đã sinh ra thái độ coi thường luật. Thế nhưng, từ khi Cảnh sát giao thông Hà Nội kiên quyết phạt tiền, thu bằng lái của tất cả những người vi phạm lỗi này thì số vụ vi phạm giảm hẳn. Khi cá nhân không tự giác thực hiện thì xử phạt là cách giáo dục hiệu quả nhất. Người Hà Nội xưa sống đẹp, ngoài tự giác thì các triều đình cũng chỉ có cách xử phạt nghiêm khắc những người vi phạm.

Hà Nội đang hướng tới phát triển công nghiệp văn hóa mà du lịch là một trụ cột thì việc xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, một Hà Nội phẩm giá càng trở nên cần thiết, cấp thiết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghĩ về người Hà Nội - Bài 2: Lối sống hôm nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.