Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Nghị quyết nêu rõ: Việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, được cử tri, dư luận, nhân dân đánh giá cao. Qua chất vấn và trả lời chất vấn đã làm rõ thêm, trong bối cảnh hết sức khó khăn do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp; dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp đã tập trung cao độ, chung sức, đồng lòng, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm đời sống của người dân và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tình hình diễn biến dịch Covid-19 còn rất phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức còn nhiều, cần tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, đề ra các giải pháp cả trước mắt và lâu dài để thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa kiểm soát hiệu quả, linh hoạt phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được và các giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan tại phiên chất vấn.
Đồng thời, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Xây dựng chiến lược tổng thể phòng, chống dịch
Đối với lĩnh vực y tế, Quốc hội yêu cầu tổng kết việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã triển khai thực hiện trong các đợt dịch vừa qua để xây dựng chiến lược tổng thể phòng, chống dịch trong thời gian tới; tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả trên phạm vi cả nước Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công - tư trong công tác phòng, chống dịch, trong đó có cơ chế huy động hiệu quả các tổ chức y tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ y tế trong phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về áp dụng các biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, quản lý và sử dụng thuốc chữa bệnh, quản lý và mua sắm trang thiết bị y tế; khẩn trương nghiên cứu xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm Covid-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân. Trong năm 2022, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế. Đầu năm 2022, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vắc xin bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%, ưu tiên sớm tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi (trừ đối tượng thuộc diện chống chỉ định tiêm vắc xin); nghiên cứu chuẩn bị kỹ việc tiêm vắc xin cho trẻ dưới 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba.
Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế; chủ động kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trong việc triển khai xét nghiệm Covid-19, bảo đảm đúng quy định về giá. Trong năm 2022, tổ chức thanh tra, kiểm toán chuyên sâu về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật...
Triển khai các gói hỗ trợ bảo đảm chính xác, nhanh chóng
Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, bảo đảm thuận lợi, chính xác, nhanh chóng; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách; khẩn trương đánh giá, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp tổng thể phục hồi, phát triển thị trường lao động trong nước.
Chính phủ cần xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, nhất là các địa phương có người lao động hồi hương; có giải pháp "giữ chân" và "thu hút" lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn, toàn diện, hướng tới thị trường lao động đa dạng.
Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác trợ giúp xã hội và công tác thiện nguyện, bảo đảm công khai, minh bạch. Khẩn trương làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm trong thời gian qua; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có sai phạm trong việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và quản lý vận động, tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, các hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi hỗ trợ từ thiện nhằm trục lợi.
Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc như: Đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chính sách xã hội hóa về bảo trợ xã hội; tình trạng người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội; tiền lương đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995; việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... đặt trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Chính phủ cần đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của dịch Covid-19, cả thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chủ động xây dựng chiến lược tổng thể, kế hoạch triển khai của ngành Giáo dục và Đào tạo thích ứng với dịch bệnh; triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa.
Đầu năm 2022, tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tiểu học; có giải pháp bảo đảm chất lượng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi trở lại trường học. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu kỹ, sớm triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trường học, hệ thống y tế trường học; xây dựng chiến lược, lộ trình, phương án cụ thể cho học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trung.
Quốc hội yêu cầu tiếp tục rút kinh nghiệm tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, hoàn thiện phương án tổ chức thi cho năm 2022, bảo đảm an toàn, chất lượng, phù hợp với tình hình dịch bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với hoạt động dạy thêm, học thêm. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các trường đại học, định hướng phát triển các trường đại học, cao đẳng sư phạm.
Khẩn trương xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Quốc hội đề nghị trong năm 2021, khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải có sự điều hành linh hoạt, hiệu quả, kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng cả về tổng cung và tổng cầu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu vực thực sự cấp bách và cần thiết, có khả năng hấp thụ vốn, theo lộ trình phù hợp trong giai đoạn 2022-2023. Đồng thời, xây dựng những chương trình quản lý rủi ro, đảm bảo cho việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực được công khai, minh bạch, đúng mục đích, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, chống lợi ích nhóm, tiêu cực và tham nhũng.
Khẩn trương xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và có các giải pháp hiệu quả tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu, có biện pháp quyết liệt trong việc chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn, giải ngân và quyết toán vốn đầu tư. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất bố trí vốn sát với khả năng thực hiện, khả năng giải ngân; kịp thời điều chuyển vốn không có khả năng giải ngân và giải ngân chậm cho những dự án có tỷ lệ đã giải ngân cao để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Năm 2021, phấn đấu phân bổ và giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt 90% dự toán Quốc hội giao; năm 2022, phân bổ và giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt 100% dự toán Quốc hội giao.
Trong năm 2021, sửa đổi quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi với các nhà tài trợ nước ngoài nhằm tăng cường công tác vận động, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đặc biệt chú trọng đối với các dự án có quy mô lớn về phát triển kinh tế - xã hội, các dự án kết nối hạ tầng có tính chất liên vùng, có tác động lan tỏa, các dự án về ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, các khoản hỗ trợ cho việc phòng, chống dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.