(HNMO) - Chiều 14-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.
Trước đó, theo chương trình làm việc kỳ họp thứ tám, trong sáng 29-10, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết này. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu, qua thảo luận, đa số các đại biểu đã tán thành với mục tiêu, quan điểm, nội dung, phạm vi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội như dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình.
Hà Nội đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng
Thảo luận tại hội trường trong chiều nay, nhiều đại biểu tiếp tục thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với dự thảo Nghị quyết.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) khẳng định, thành phố Hà Nội dám làm, dám đột phá và dã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho dự thảo Nghị quyết này. “Việc thực hiện thí điểm tại 177 phường là việc làm thể chế hóa kịp thời Kết luận số 46-KL/TƯ ngày 19-4-2019 của Bộ Chính trị về “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, đồng thời là bước đi táo bạo để thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy. Đây cũng là chủ trương lớn, quan trọng, mang tính chất xã hội sâu sắc, có cơ sở từ Hiến pháp năm 2013”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đánh giá.
Đồng quan điểm, đại biểu Phùng Văn Hùng (Đoàn Cao Bằng) cho rằng, tổ chức cấp chính quyền phường hiện nay tạo nên một bộ máy cồng kềnh, làm lãng phí nguồn lực. Theo đại biểu, việc thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội là phù hợp với Hiến pháp, pháp luật hiện hành và tất cả các quyền của nhân dân được bảo đảm đầy đủ. “Cá nhân tôi rất tin tưởng vào thành công của chủ trương này... Hà Nội đã chủ động và sẵn sàng cho sự đổi mới”, đại biểu Phùng Văn Hùng nhận xét.
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (Đoàn TP Hồ Chí Minh) kiến nghị Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm mô hình này tại một số tỉnh, thành phố khác để có cơ sở so sánh, đối chiếu toàn diện, sâu sắc hơn, qua đó có quyết sách, chủ trương đúng đắn phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) đề xuất khi thực hiện bỏ HĐND thì phải tiếp tục đề cao giám sát, thanh kiểm tra của cấp ủy, cũng như công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể. “Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với công tác giám sát phản biện ở những nơi không có tổ chức HĐND phường để đáp ứng yêu cầu của nhân dân trong việc giám sát, kiểm sát quyền lực của Nhà nước”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.
Dự thảo Nghị quyết không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội không vi hiến!
Trước nhiều ý kiến phát biểu và tranh luận của các đại biểu Quốc hội, cuối phiên thảo luận, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu làm rõ nhiều nội dung mà các đại biểu còn băn khoăn.
Đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, việc xây dựng đề án thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội xuất phát từ nhu cầu của thành phố. Là đô thị phát triển nhanh, thành phố mong muốn xây dựng hệ thống chính quyền gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, gần dân hơn và đáp ứng các yêu cầu của người dân tốt hơn.
Trước một số đại biểu Quốc hội đặt vấn đề liệu đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội có vi hiến hay không? đồng chí Hoàng Trung Hải nêu rõ: “Khi xây dựng đề án, ngay từ đầu, chúng tôi đã quan tâm đến nội dung này. Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến các nhà luật học, các nhà quản lý về nội dung này. Các ý kiến đóng góp đều cho thấy đây là đề án thí điểm và không vi hiến”.
Phát biểu trước đó, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định Đề án và dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị công phu, nghiêm túc.
Hà Nội đã nghiên cứu kỹ lưỡng mọi tác động và chủ động xây dựng phương án sắp xếp cán bộ sau khi đề án được triển khai thí điểm…
Giải trình về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Quốc hội đã ban hành những nghị quyết để thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền, do đó dự thảo có đầy đủ cơ sở pháp lý, không vi hiến.
Bên cạnh đó, trong toàn bộ dự thảo không nói đến mô hình HĐND cấp phường của quận, thị xã không hoạt động hiệu quả nên phải bỏ mà đây là yêu cầu đổi mới trong việc tổ chức lại chính quyền đô thị.
Về chế độ làm việc của UBND cấp phường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị xem xét chế độ làm việc thủ trưởng. Thực hiện nghị quyết này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, sau khi được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản về thể chế để thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện.
“Do đó, để Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-6-2020, Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng các văn bản phù hợp và đến năm 2021 đưa vào thực hiện”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đã có 15 đại biểu phát biểu ý kiến và 3 đại biểu tham gia tranh luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và thành phố Hà Nội nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để giải trình báo cáo trước Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.