Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghị quyết số 30/2021/QH15 là sáng kiến lập pháp kịp thời, chưa có tiền lệ

Tiến Thành| 10/10/2022 16:58

(HNMO) - Chiều 10-10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ mười sáu, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày báo cáo.

Tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong phòng, chống dịch

Trình bày báo cáo, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định tại mục 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15, đặc biệt là thực hiện thành công chiến lược vắc xin và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời, đúng đắn tại những thời điểm quyết định. Từ đó, Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát được dịch Covid-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Một số biện pháp còn chưa sát thực tiễn, một số nơi chưa thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý cấp trên; một số chính sách triển khai còn chậm. Việc triển khai một số quyết sách như giãn cách xã hội, xét nghiệm phát hiện người nhiễm còn chậm, chưa nghiêm.

Tại một số thời điểm, xảy ra tình trạng người dân điều trị tại nhà khó khăn trong tiếp cận thuốc điều trị Covid-19 do chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời các quy định. Một số đơn vị, địa phương chưa chủ động thực hiện việc đấu thầu, mua sắm do tâm lý lo ngại dẫn đến thiếu thuốc tại một số thời điểm, một số cơ sở y tế, địa phương.

Bên cạnh đó, một số thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm mua từ ngân sách nhà nước và được viện trợ, tài trợ để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 có nguy cơ không sử dụng hết trước hạn do hiện tại nhiều nơi gần như không còn bệnh nhân điều trị và chiến lược xét nghiệm thay đổi, tình hình dịch đã được kiểm soát.

Cũng theo Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan, công tác an sinh xã hội nhiều nơi chưa được kịp thời, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Việc giải ngân các gói an sinh xã hội còn chậm, thủ tục hành chính còn phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí có nơi không đủ lương thực, thực phẩm. Chi trả phụ cấp cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là nhân viên y tế tại một số địa phương thực hiện chậm, thủ tục rườm rà.

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp cho đến hết 31-12-2023 nhằm tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cụ thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo thẩm tra.

Cần giải quyết khó khăn, vướng mắc

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc về thể chế liên quan tới đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, giá dịch vụ y tế và các nội dung khác thuộc lĩnh vực y tế trong quá trình sửa đổi và xây dựng các dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực nhân lực cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương, dành tối thiểu 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Cùng với đó cần rà soát, bổ sung thông tin, đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn nữa kết quả, các vướng mắc, bất cập, trách nhiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết, bổ sung báo cáo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Thảo luận về báo cáo, nêu tình trạng thiếu thuốc, thiếu nhân viên y tế hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề nghị cần tiếp tục chỉ đạo việc khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh, trong đó có những vướng mắc về thanh quyết toán chi phí điều trị, về thuốc, vật tư y tế trong quá trình phòng, chống dịch; rà soát các chế độ, chính sách, thực hiện chi trả đầy đủ, bảo đảm quyền lợi đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Nghị quyết số 30/2021/QH15 là sáng kiến lập pháp của Quốc hội và Chính phủ rất kịp thời, chưa có tiền lệ.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, báo cáo cần đánh giá bối cảnh ban hành Nghị quyết; bảo đảm đánh giá đúng trọng tâm, trọng điểm; đánh giá việc thực hiện văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp nhằm thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15; thống kê việc huy động nguồn lực về tài khóa, tiền tệ, nhân lực cho phòng, chống dịch, việc cho phép đăng ký kéo dài lưu hành thuốc, thành lập bệnh viện dã chiến… Qua đó để đánh giá sự cần thiết, tính đúng đắn và tác động to lớn của Nghị quyết…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị báo cáo cần nghiên cứu đúng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, đánh giá đúng đắn ý nghĩa của Nghị quyết số 30/2021/QH15; nếu không kịp trình Quốc hội kỳ họp thứ tư sắp tới thì hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường được tổ chức vào cuối năm 2022.

 Nguồn lực Trung ương dành cho công tác phòng, chống dịch Covid-19:

Năm 2021: Tổng nguồn lực bố trí khoảng 51,22 nghìn tỷ đồng. Đến hết năm 2021, tổng số kinh phí đã quyết định chi là 34,26 nghìn tỷ đồng.

Năm 2022: Nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022 (bao gồm cả số chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022) là 36.100 tỷ đồng.

Ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương:

Năm 2021, kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện các chính sách phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là 7.141,576 tỷ đồng.

Năm 2022, kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện các chính sách phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khoảng 837 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết số 30/2021/QH15 là sáng kiến lập pháp kịp thời, chưa có tiền lệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.