Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghe tiếng chim chiều, nhớ chùa Hang

Vĩnh Nguyên| 03/09/2022 09:01

(HNMO) - Những ngôi chùa Khmer hàng trăm năm tuổi với mái nhọn và lối kiến trúc độc đáo nằm giữa rừng cây xanh khiến bất kể du khách nào lần đầu đến Trà Vinh đều ghi dấu trong lòng những ấn tượng khó quên.

 Chùa Hang nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngô Quang Khôi

Chiều muộn ngày cuối tháng 8, chúng tôi đến chùa Hang, một trong 147 ngôi chùa Khmer nổi tiếng tại tỉnh Trà Vinh. Chiều tím sẫm, nhưng chút nắng vẫn còn vương trên mái chùa nhọn, khiến nó vàng rực giữa rừng cây cổ thụ xanh đen tĩnh lặng. Xa xa, bóng áo sẫm vàng của những người tu hành thấp thoáng giữa không gian bao la chỉ có gió và tiếng chim chiều.

Chim ở chùa Hang nhiều vô kể. Ngay khi đất Trà Vinh thấm giọt mưa đầu mùa, hàng nghìn cánh chim không biết từ nơi chốn xa xôi nào bỗng tụ về đây, đậu trắng trên những tán cây rợp bóng quanh ngôi chùa rộng. Sau mỗi ngày bận rộn kiếm ăn, lũ chim ồn ào “kháo” chuyện, rồi ngủ lặng đi khi màn đêm buông xuống để đến sáng hôm sau, khi ánh bình minh ló rạng, chúng lại sải cánh bay xa. Ngày nào của 6 tháng mùa mưa nơi đây cũng thế. Hàng trăm năm qua, chùa Hang ở Trà Vinh là nơi đất lành cho lũ chim tìm về, ngày một đông hơn.

Phân chim rải trắng các lối đi nhưng không làm những người tu hành và du khách đến đây phải bận tâm. “Kể cả khi bị chúng “ị” lên vai thì em vẫn thấy vui. Mấy ai được như thế????”, Thạch Hoa, cô gái hướng dẫn viên du lịch duyên dáng và nhiệt tình của chúng tôi cười giòn, nói trong gió.

Cổng sau chùa được xây như hang động nhỏ. Ảnh: Quang Trần

“Các sư kể lại, ngôi chùa Phật giáo Nam Tông này được xây dựng từ năm 1683. Ngay sau đó, lũ chim tìm về tụ hội. Nhưng từ những năm 60 của thế kỷ trước, bom đạn chiến tranh khiến sân chùa vắng lặng, không tiếng chim. Rất mừng là từ đầu những năm 1990, những con chim đầu tiên đã tìm về để đến ngày hôm nay, như anh thấy, hàng nghìn con chim đã coi đây là ngôi nhà yên bình của chúng rồi…”, Thạch Hoa kể.

Khẽ cúi đầu đi vào cổng sau ngôi chùa được xây như một đường hầm nhỏ, duyên dáng, chắp tay kính lễ những nhà sư khoác áo cà sa màu vàng đi ngược ra, Thạch Hoa nói tiếp: “Đây là cổng phụ ngôi chùa, xây giống như một lối vào hang, nên chùa còn được gọi là chùa Hang. Cái tên này giờ thành phổ biến, đến mức ít người còn nghe cái tên gốc của chùa là Wat Kompông Chrây (chùa Bến cây đa), bởi cổng chính của chùa trông ra bến sông Long Bình, nơi có cây đa lớn tỏa bóng”.

 Vào các buổi chiều trong mùa mưa, hàng nghìn con chim bay về chùa Hang.

Khu đất rộng 6ha toàn cây cổ thụ, chủ yếu là những cây sao, cây dầu hàng trăm năm tuổi bao lấy ngôi chùa nằm trên đất khóm 3, thị trấn Châu Thành, cách thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) hơn 5km. Ngôi chính điện nổi bật nằm trên nền cao với mái vàng nhiều lớp viền xanh uy nghi. Nét kiến trúc và lối chạm trổ mang đậm nét đặc trưng văn hóa Khmer không thể trộn lẫn. Bên trong, uy nghi trên bệ lớn nằm giữa hai hàng cột cao vút là pho tượng Phật Thích Ca với ánh mắt từ bi.

 Chính điện chùa Hang. Ảnh: Ngô Quang Khôi.

Đảnh lễ xong, tôi bước ra ngoài, đứng trên thềm cao trải ánh mắt khắp khoảng sân rộng với vô số công trình kiến trúc độc đáo. Đó là quần thể tượng 12 con giáp được bố trí hình vòng cung theo cặp rồng đắp nổi uốn lượn dưới hồ nước bên phải chính điện. Đầu rồng hướng lên hai trụ đắp phù điêu Thần Yak (chằn tinh được Phật cải hóa) và Voi. Phía bên trái là cụm tượng các thần tiên và chằn cưỡi chuột, bò, hổ, thỏ và rồng (tương ứng với Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn của người Việt)… đậm chất huyền thoại.

Bên trong chính điện chùa Hang.

Xa xa, lẫn trong rừng cây tĩnh lặng, là tiếng lách cách dùi đục. Thạch Hoa nói: “Chùa Hang còn nổi tiếng bởi có xưởng điêu khắc gỗ hoạt động gần 40 năm qua, cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc tinh xảo từ bàn tay, khối óc của những người thợ điêu luyện, giàu kinh nghiệm. Từ những bộ rễ cây xù xì, qua bàn tay nghệ nhân người Kinh và người Khmer, trở thành những kiệt tác tỏa đi khắp nơi trên thế giới…”.

 Chùa Hang là một trong những điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến Trà Vinh.

Rời ngôi chùa Khmer còn bao điều chưa biết hết khi trời tối sẫm, tôi mong lại có dịp trở về nơi đây, để tìm, để hiểu và để trân trọng những giá trị văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng Khmer đang lưu dấu trên đất Việt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghe tiếng chim chiều, nhớ chùa Hang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.