Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ thuật đánh lừa B52

Nguyễn Trọng Văn| 18/12/2022 13:40

(HNNN) - Tôi có may mắn được 2 lần phỏng vấn Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quang Bích, nguyên Tư lệnh phó Quân chủng Phòng không - Không quân, tại căn nhà của ông ở sâu trong một ngõ nhỏ trên phố Liễu Giai, Hà Nội. Lần thứ nhất là năm 1997, dịp kỷ niệm 25 năm chiến thắng B52, và lần thứ 2 vào cuối năm 2002, cũng tại nhà riêng của ông. Vị tướng già khi đó đã tròn 80 tuổi nhưng còn mẫn tiệp, cho biết, cái khó nhất là phải đánh lừa và tìm ra sơ hở để tiêu diệt “pháo đài bay” B52.

Trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, một máy bay B52 của Mỹ đã bị quân ta bắn hạ vào đêm 27-12-1972. Một phần xác máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp, nay thuộc tổ dân phố số 8, phường Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội).

Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích tên thật là Phùng Quang Bích, là người Hà Nội gốc. Ông gia nhập Giải phóng quân Hà Nội ngay sau khi Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 thành công. Chàng trai Hà Nội ấy đã cùng đơn vị tham gia chiến đấu ở khắp mọi miền của đất nước. Năm 1953, Nguyễn Quang Bích khi đó là Trung đoàn phó Trung đoàn cao xạ 367 thuộc Sư đoàn công pháo 351, được tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với tư cách là Chỉ huy trưởng cao xạ của mặt trận Điện Biên Phủ.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, ông được cử sang Trung Quốc học. Về nước, ông gắn bó với Bộ đội Phòng không, tham gia nhiều trận đánh ở khắp các chiến trường. Ngày 29-6-1966, không quân Mỹ ném bom Hà Nội, ông được cử làm Tư lệnh Phòng không Thủ đô. Thời gian này, ông cùng các lực lượng phòng không đã đánh tan tác máy bay Mỹ, bảo vệ vững chắc bầu trời Thủ đô. Sau khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc ông được cử vào Trường Sơn làm Tư lệnh Phòng không Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn).

Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích cho biết: “Ở Trường Sơn, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu và tìm cách đánh B52”. Nghe đến đây, tôi hỏi: “Các bác đã có thời gian dài tìm hiểu kỹ về B52 và tìm ra được cách đánh B52. Bác có thể kể cho chúng cháu biết vì sao chúng ta lại đánh được loại máy bay “bất khả chiến bại” ấy ngay trên bầu trời Hà Nội?”. Sau phút trầm ngâm, Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích trả lời: “Phải tìm cách đánh lừa chúng. Nhất là nắm được quy luật để tìm ra sơ hở của nó để đánh nó”.

Cách “đánh lừa Mỹ” như Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích kể là ở các trận địa tên lửa chúng ta không bố trí đạn thật mà bố trí đạn giả. Đạn thật được đưa đi “sơ tán” và chỉ đưa về trận địa vào thời điểm thích hợp. Vậy nên, cứ màn đêm mùa đông đen kịt che mọi con mắt rình mò thì các xe chở đạn tên lửa đã lắp sẵn mới khẩn trương tiếp cận trận địa. Chừng 2 - 3 tiếng là xong, nên khi B52 bay tới thì các trận địa tên lửa đã “ngẩng cao đầu” sẵn sang chờ lệnh. Khi đó thì B52 cứ “phơi thân” ra để “ăn” tên lửa của ta.

Thêm nữa, theo Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích: Không quân Mỹ thời gian trước đó và cả trong thời gian “12 ngày đêm” thường cho máy bay cường kích ném bom, bắn phá các trận địa tên lửa của ta với âm mưu là tiêu diệt tên lửa ta, tiêu hao đạn tên lửa mà chúng ta phải dùng dè sẻn. Nhưng chúng lại “ăn quả lừa” bởi ở các trận địa tên lửa đó chúng ta không triển khai đạn thật. Đạn tên lửa giả được nhân dân giúp bộ đội làm bằng cách dựng khung tre, quấn cót xung quanh to dài và sơn màu y như tên lửa thật. Ở ngay các bệ phóng còn được bố trí những thùng phuy chứa đầy gạch non. Máy bay Mỹ bổ nhào xuống bắn phá, ném bom trận địa tên lửa ta. Sau những tiếng nổ lớn là khói bụi màu da cam bốc lên mù mịt. Mỹ hí hửng la lên “Việt Nam đã hết tên lửa”.

Thêm nữa, máy bay B52 khi bay qua vùng trời Hà Nội đến quãng ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì thì bắt đầu quay đầu vòng lại. Nếu quay đầu sớm thì chưa tới vùng trời Hà Nội. Mà ngoặt lại muộn thì B52 sẽ bay vào không phận Trung Quốc. Thành thử cứ tới ngã ba Bạch Hạc là chúng quay đầu. Khúc ngoặt chết người này khiến máy bay B52 lọt ra ngoài khu vực phủ nhiễu và quan trọng là B52 to lớn cồng kềnh nên khi quay đầu sẽ trượt ra khỏi vùng bảo vệ của máy bay tiêm kích. Và chính sự “sơ hở” này đã giúp chúng ta bố trí các trận địa tên lửa đón lõng B52 ở Chèm (khi đó thuộc huyện Từ Liêm), ở Uy Nỗ, Cổ Loa (huyện Đông Anh) và ở Yên Viên (huyện Gia Lâm). Toàn những vị trí thuận lợi cho việc bắn đón. B52 lúc này “thân cô thế cô” lại to đùng to đoàng thành mục tiêu “rõ mồn một” cho tên lửa ta bắn tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật đánh lừa B52

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.