Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ Trịnh Tùng Linh, Phó Giám đốc phụ trách Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam: Luôn phải tìm tòi, thích nghi

Bảo Trân| 02/04/2021 05:04

(HNMCT) - Trong các ngành nghệ thuật, hòa nhạc vẫn được coi là lĩnh vực kén khán giả bậc nhất bởi sự đòi hỏi cầu kỳ về mọi mặt từ nhạc cụ, trang phục, không gian biểu diễn đến trình độ khán giả. Nhưng những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực biểu diễn đã giúp hòa nhạc có những bước tiến quan trọng trong đổi mới cách thể hiện, vượt qua được khó khăn do dịch bệnh... để đến gần hơn với công chúng. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Trịnh Tùng Linh, Phó Giám đốc phụ trách Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam về những thay đổi thú vị này.

- Thưa nghệ sĩ, mới đây, ở Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace, khán giả đã được thưởng thức vở nhạc kịch “Người lính” khá đặc biệt. Vở diễn có sự dung hợp tinh tế của nhiều phương thức biểu đạt khác nhau như âm nhạc thính phòng, DJ, kịch nghệ và nghệ thuật thị giác. Đây là một ví dụ cho thấy việc kết hợp giữa âm nhạc giao hưởng với các hình thức nghệ thuật khác cùng với ứng dụng công nghệ đang là cách làm hấp dẫn người xem?

- Đúng vậy, vở nhạc kịch “Người lính” là tác phẩm do L’Espace, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, Xưởng kịch và nghệ thuật ATH phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Thụy Sĩ. Vở diễn cho thấy một cách làm mới mẻ khi kết hợp âm nhạc với kịch nghệ, trình chiếu tranh vẽ... Đây cũng là giải pháp nghệ thuật thường được sử dụng trong dàn dựng các tác phẩm nhạc giao hưởng gần đây. Có khi chúng tôi kết hợp với màn hình LED, kết hợp với nghệ thuật biểu diễn, thậm chí đưa cả những người đánh máy chữ lên sân khấu... Tất cả những điều đó nhằm làm mới tác phẩm, được khán giả đón nhận nhiệt tình.

- Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 là khoảng thời gian đầy thách thức với nghệ thuật nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng. Nhạc giao hưởng thính phòng lại càng khó khăn hơn nhưng dàn nhạc vẫn tìm ra được những cách thức hiệu quả để hoạt động?

- Năm 2020, do không mời được các solist nước ngoài, chúng tôi đã kết hợp với các solist trong nước, tạo điều kiện cho họ được biểu diễn ở những dự án lớn với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam. Chúng tôi vẫn cố gắng xây dựng những tác phẩm nổi tiếng của thế giới. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến lịch biểu diễn nên đòi hỏi dàn nhạc phải linh hoạt trong tổ chức. Một số chương trình đã ấn định bị hoãn, phải điều chỉnh ngày biểu diễn cho phù hợp, để vừa đảm bảo công tác phòng dịch, vừa có thể đảm bảo chất lượng buổi diễn.

Với các chương trình có sự kết hợp với nghệ sĩ nước ngoài, chúng tôi chuyển sang làm việc online. Chúng tôi đã thực hiện một số chương trình online tại studio của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, sau đó được phát tại Việt Nam và một số nước. Việc biểu diễn online, đưa tác phẩm lên YouTube của dàn nhạc là cách thức hoạt động mới, được khai thác nhiều trong năm vừa qua và đã mang lại những hiệu quả nhất định như dàn nhạc vẫn duy trì hoạt động đều đặn, khán giả được tiếp cận với nhạc giao hưởng chất lượng cao nhiều hơn...

- Thời gian qua, Viện Goethe tại Hà Nội cũng thực hiện “Chuỗi sự kiện nhạc mới tại Hà Nội”, mang đến cho khán giả những buổi biểu diễn theo hình thức khá đặc biệt. Các nghệ sĩ trong nước sẽ cùng biểu diễn với các nghệ sĩ Đức thông qua sự kết nối về công nghệ. Để khắc phục những hạn chế do khoảng cách địa lý và đường truyền, được biết, các nghệ sĩ đã chọn những nhạc phẩm mang tính ngẫu hứng cao... Ông đánh giá như thế nào về những thể nghiệm này?

- Như chúng ta biết, với nhạc giao hưởng, để có thể tạo sự kết hợp với một nhạc công, nghệ sĩ ở nước ngoài là rất khó nhưng không phải không thực hiện được. Và, khi thực hiện thì tùy tính chất buổi diễn mà các đơn vị sẽ có cách tìm tòi thể nghiệm khác nhau để đạt được hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn với vở “Người lính” vừa qua, chúng tôi làm việc hoàn toàn thông qua hình thức online với đạo diễn người Pháp Marcelino Martin Valiente, vì ông đang ở Na Uy và không thể bay sang Việt Nam do dịch Covid-19. Trước đó, chúng tôi cũng đã làm một chương trình kết hợp với Nhật Bản, các bên biểu diễn độc lập sau đó “mix” với nhau.

Tuy nhiên, do dàn nhạc giao hưởng có đông người nên độ đồng đều là hết sức quan trọng. Tổ chức biểu diễn online với nhiều người tham gia là một thử thách lớn vì có rất nhiều yếu tố tác động tới, như yếu tố kỹ thuật, về đường truyền, về độ trễ... Tất cả những điều đó có thể ảnh hưởng đến độ tinh xảo, tính chuẩn mực của nhạc giao hưởng...

- Khi chuyển sang hoạt động online, dàn nhạc có gặp khó khăn gì về kỹ thuật hay không? Hiệu quả của hoạt động này như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi có một phòng thu ở trụ sở của dàn nhạc, tại địa chỉ 226 Cầu Giấy, Hà Nội. Về cơ bản, thiết bị của dàn nhạc có thể đáp ứng được việc thu chương trình để phát trực tiếp hoặc phát trên mạng. Khi chọn tác phẩm biểu diễn để phát online, chúng tôi chọn những tác phẩm dễ nghe, thời lượng không dài như khi biểu diễn ở nhà hát.

Năm 2020, sau đợt dịch đầu tiên, số lượng người xem các chương trình trên kênh YouTube của dàn nhạc vào khoảng 10 nghìn người. Đây là số lượng khán giả tương đối lớn bởi hòa nhạc vốn kén khán giả. Các hoạt động này mới chỉ đảm bảo duy trì sự tương tác với công chúng chứ chưa mang lại doanh thu.

- Có thể thấy dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động biểu diễn nghệ thuật nhưng đồng thời cũng buộc tất cả các đơn vị phải năng động hơn để thích nghi?

- Không chỉ riêng với nghệ thuật, dịch bệnh đã làm thay đổi cả thế giới, đưa đến rất nhiều hướng đi mới để thích nghi trong các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Trong nghệ thuật, đó là một thử thách buộc chúng ta phải nhìn nhận lại hoạt động của mình, bắt tay vào thử nghiệm cái mới. Chẳng hạn như việc hạn chế tiếp xúc buộc chúng ta phải áp dụng công nghệ vào biểu diễn, tính toán xem diễn online có lợi gì, bất lợi gì...

Cái lợi của online là có thể tiếp cận đông người hơn, còn cái bất lợi là sự hạn chế về chất lượng, cảm xúc. Giống như đi xem bóng đá, ra sân thì cảm giác rất khác so với xem truyền hình trực tiếp qua ti vi. Với chương trình hòa nhạc, cảm xúc khi nghe bản thu âm qua các thiết bị điện tử không thể như nghe trực tiếp được. Chúng tôi vẫn tiếp tục thử nghiệm để nâng cao đáp ứng được về chất lượng và phù hợp hoàn cảnh.

Nhưng tôi cũng nói thêm rằng với người nghệ sĩ, không có gì bằng được biểu diễn trực tiếp trước khán giả. Thật may mắn là Việt Nam kiểm soát dịch rất tốt, đến nay khán giả vẫn có thể được nghe những chương trình biểu diễn trực tiếp, trong khi hoạt động biểu diễn trên thế giới gần như đình trệ.

Đầu năm vừa rồi, tôi nhận được đĩa của Dàn nhạc giao hưởng Vienna (Áo), một trong những dàn nhạc giao hưởng hàng đầu thế giới, họ diễn chương trình hòa nhạc thường niên chào năm mới hoàn toàn không có khán giả, dưới hàng ghế chỉ có hoa, sau mỗi tiết mục nghệ sĩ tự vỗ tay. Đây là điều hết sức thiệt thòi với nghệ sĩ. Chúng tôi tự hào và cảm thấy may mắn hơn đồng nghiệp ở nhiều nước trên thế giới vì vẫn còn được diễn trực tiếp cho khán giả của mình.

- Cảm ơn ông đã chia sẻ!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Trịnh Tùng Linh, Phó Giám đốc phụ trách Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam: Luôn phải tìm tòi, thích nghi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.