Giải trí

Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc: Lấy trẻ em làm trung tâm kể chuyện

Mai Đình 02/06/2024 16:36

Bên cạnh việc xây dựng các chương trình biểu diễn, các vở diễn trong mỗi dịp hè, tổ chức liên hoan sân khấu dành cho thiếu nhi thì việc tạo ra những sân chơi, câu lạc bộ tìm hiểu về nghệ thuật sân khấu sẽ góp phần tạo cảm hứng và ý thức tìm hiểu các loại hình nghệ thuật truyền thống cho trẻ từ thuở ấu thơ. NSND Xuân Bắc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất - năm 2024, đã chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần xung quanh chủ đề này.

3(2).jpg
Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc.

- Thưa NSND Xuân Bắc, sau thành công của Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất, có lẽ chúng ta nên nghĩ nhiều hơn về việc xây dựng sân khấu chuyên nghiệp dành cho thiếu nhi?

- Trong bài phát biểu tổng kết về nghệ thuật tại Liên hoan, tôi đã khẳng định “đây là kỳ liên hoan mang tính lịch sử”. Có lẽ bắt đầu từ đây sẽ có nhiều đơn vị, tỉnh, thành phố, các nhà quản lý văn hóa - nghệ thuật quan tâm nhiều hơn đến sân khấu dành cho thiếu nhi. Chúng ta vẫn nói rằng trẻ em cần được phát triển đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần. Chúng ta thử hỏi đã làm gì cho trẻ em, có thể làm gì để các em hạn chế điện thoại, internet, trò chơi điện tử..., thay vào đó là cho các em tới các sân chơi văn hóa, đến nhà hát và thưởng thức tác phẩm nghệ thuật nhiều hơn? Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức kỳ liên hoan sân khấu đầu tiên dành cho thiếu niên và nhi đồng. Nhiều tác phẩm được giới thiệu tới các em, thể hiện tâm tư, tâm huyết của các nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật.

Ai cũng biết rằng sân khấu dành cho thiếu nhi là rất cần thiết nhưng chúng ta đã đầu tư cho việc đó xứng đáng hay chưa? Tôi nghĩ là chưa, thậm chí có nhiều nơi chưa quan tâm. Kỳ liên hoan này là cú hích để mọi người thấy được tầm quan trọng của nghệ thuật sân khấu đối với sự phát triển của trẻ em. Các em được tiếp cận với nghệ thuật từ nhỏ thì sau này sẽ hiểu hơn về nghệ thuật, dành thời gian để thưởng thức nghệ thuật, bồi đắp tâm hồn.

- Vào mỗi dịp hè, các nhà hát cho ra mắt nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật dành cho các em. Bên cạnh việc tổ chức liên hoan thì chúng ta có nên nghĩ đến việc xây dựng tác phẩm sân khấu theo mùa để phục vụ thiếu nhi?

- Đây là điều mọi người mong muốn. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, việc có thực hiện được hay không vẫn còn là câu hỏi. Chúng ta hình dung: Khi nhà nhà, người người đều muốn chọn trường chuyên, lớp chọn cho con, vô hình trung tạo áp lực cho con trẻ, ít có thời gian cho các em thưởng thức nghệ thuật và các loại hình giải trí lành mạnh khác. Có lẽ điều này cần thay đổi, học cái gì cho hài hòa là điều quan trọng. Giáo dục nước ta đang trong giai đoạn đổi mới, cải cách, tham khảo, học hỏi. Trong các trường phổ thông ở các nước phát triển đã có những câu lạc bộ sinh hoạt chuyên nghiệp giúp các em bộc lộ năng khiếu. Mỗi gia đình có một lựa chọn, nhưng nếu như các em được quan tâm đầy đủ, được đánh giá một cách khoa học thì các em sẽ được định hướng phát triển phù hợp hơn.

- Việc đưa sân khấu vào trường học cũng là cách làm phù hợp để các em tìm hiểu và cảm nhận cái hay, cái đẹp của sân khấu từ sớm?

- Hiện nay có một số trường học đã tổ chức câu lạc bộ nghệ thuật, sân khấu. Các em đưa các nhân vật lên sân khấu theo cách hiểu của mình. Theo ý kiến cá nhân tôi, việc các em hiểu tác phẩm văn học như thế nào thông qua những bài giảng trên lớp là điều rất quan trọng. Tuy vậy, đưa những điều đã học lên sân khấu như thế nào thì nên để các em tự do sáng tạo. Nhiều trường thuê các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, diễn viên chuyên nghiệp dàn dựng cho các em. Khi đó, các em như thể bị bắt buộc làm diễn viên vậy. Tôi nghĩ rằng, sẽ đầy đủ hơn nếu các em hiểu được sân khấu là như thế nào, cách thể hiện ra sao... Như vậy, cần có những buổi workshop để thầy cô và các em hiểu về nghệ thuật sân khấu. Nên chăng, chúng ta sẽ chia ra hai dạng: Sân khấu khoa giáo và sân khấu thưởng thức, trong đó sân khấu khoa giáo gồm những trích đoạn sân khấu mẫu mực. Chúng ta cùng phân tích cho các em hiểu đặc trưng của từng loại hình sân khấu truyền thống. Đã có kiến thức nền thì khi các em đi xem biểu diễn nghệ thuật sẽ hiểu nhiều hơn.

- NSND Xuân Bắc từng chia sẻ rằng chúng ta nên phân định tác phẩm sân khấu về đề tài thiếu nhi và tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi...

- Đề tài về thiếu nhi nghĩa là lấy thiếu nhi làm trung tâm để kể câu chuyện, từ đó đưa ra thông điệp, ý nghĩa của tác phẩm sân khấu. Sân khấu dành cho thiếu nhi tức là đối tượng khán giả mà chúng ta hướng tới là các em thiếu niên, nhi đồng. Đối với thiếu nhi thì câu chuyện phải thật đơn giản, ngôn ngữ trong sáng, gần gũi, phân định rạch ròi cái xấu, cái tốt, không nên dùng thủ pháp nghệ thuật quá cao siêu... Nếu chúng ta lấy các em thiếu nhi làm nhân vật trung tâm - đề tài về thiếu nhi, người lớn xem sẽ thấy trách nhiệm của mình trong đó. Có đôi khi chúng ta “trộn” hai yếu tố này: Đề tài thiếu nhi, lấy thiếu nhi làm trung tâm và đối tượng xem cũng là thiếu nhi. Nếu như làm được điều này thì sẽ tạo ra cảm giác gần gũi, sự liên kết giữa đối tượng được phản ánh trên sân khấu và đối tượng khán giả.

- Nhìn lại những tác phẩm sân khấu thiếu nhi trong mùa hè năm nay, dễ thấy có tương đối nhiều kịch bản lấy chất liệu nước ngoài. Có ý kiến cho rằng chúng ta cần nhiều hơn nữa những kịch bản mang bản sắc Việt. Cũng có ý kiến nghiêng về khả năng tận dụng ý tưởng của nước ngoài. Ý kiến của anh về vấn đề này như thế nào?

- Cả hai ý kiến đều đúng. Nếu như chúng ta lấy mục đích là thông qua tác phẩm để gửi tới các em cái hay, cái đẹp, cái đáng tự hào về giá trị truyền thống của ông cha thì chúng ta sử dụng chất liệu từ kho tàng văn hóa, văn học dân gian. Nếu muốn hướng các em đến những yếu tố con người cụ thể, như biết đấu tranh cho lẽ phải, biết bài trừ cái xấu, biết làm điều thiện, biết yêu thương, sẻ chia, biết bảo vệ môi trường..., thì cũng có thể chọn thêm chất liệu của nước ngoài. Tôi nghĩ rằng đề tài nào, xuất xứ ở đâu cũng được bởi mục đích là để các em có thể cảm nhận được điều mà chúng ta muốn gửi gắm. Tất nhiên, trong kho tàng văn học nước nhà có nhiều tác phẩm có thể gợi cảm hứng và đạt được những tiêu chí ấy. Còn ở đây, chúng ta nên tùy thuộc cảm hứng sáng tạo của mỗi tác giả, không nên cực đoan khi ưu tiên sử dụng chất liệu trong nước hay của nước ngoài để sáng tác kịch bản. Điều quan trọng là chúng ta làm như thế nào để những giá trị tốt đẹp có thể đến với các em một cách tự nhiên. Thực sự, không thể thông qua một tác phẩm mà làm thay đổi mọi thứ được. Đó là kết quả của ý thức hệ, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình, cộng đồng, nhà trường... Không phải tự nhiên có những tác phẩm được dàn dựng ở hàng trăm quốc gia trên thế giới. Họ biết được mình mong muốn và có thể đạt được điều gì ở tác phẩm ấy? Khán giả sẽ được truyền đạt nội dung gì? Bây giờ, nên chăng chúng ta nên định hướng cách tiếp cận như thế nào, nhằm đem lại giá trị gì thông qua tác phẩm. Tất nhiên, tôi vẫn ủng hộ chúng ta kể những câu chuyện Việt mang hình ảnh đất nước, truyền thống văn hóa và lịch sử hàng nghìn năm với những nét đẹp truyền thống của ông cha, nhưng tôi cũng không phản đối giáo dục các em nhỏ thông qua những câu chuyện mà các em yêu thích với những giá trị nhân bản... Và, cần lưu ý rằng, điều quan trọng khi làm sân khấu cho trẻ em là phải tạo được sức hút và hấp dẫn.

- Trân trọng cảm ơn NSND Xuân Bắc!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc: Lấy trẻ em làm trung tâm kể chuyện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.