(HNMCT) - Ở tuổi 80, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Mẫn Thu có hơn 60 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng. Theo nhà nghiên cứu Đàm Quang Minh, NSND Mẫn Thu là người kế thừa mẫu mực dòng tuồng cổ Bắc Ninh (có từ đời nhà Trần). Khi đã ở tuổi xưa nay hiếm, bà vẫn đau đáu với nghề, vẫn miệt mài truyền lại cho các nghệ sĩ kế cận những làn điệu cổ.
- Thưa NSND Mẫn Thu, những năm tháng chiến tranh, bà và các nghệ sĩ cùng thời đã sống và biểu diễn như thế nào?
- Đó là thời kỳ các thầy vừa trực tiếp dạy, vừa diễn với chúng tôi và cùng đi phục vụ nhân dân, từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, xuống Hải Dương, Hải Phòng, qua Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... vào đến vĩ tuyến 17. Một năm đi lưu diễn khoảng 10 tháng. Lúc chiến tranh ác liệt, chúng tôi diễn dưới bom đạn. Tôi nhớ như in lần chúng tôi diễn bên bờ sông Bến Hải thì bên kia bắn sang như mưa. Ngớt tiếng súng chúng tôi lại diễn, “tiếng hát át tiếng bom”.
Hồi ấy, sân khấu thô sơ, ánh sáng chỉ có mấy cái đèn măng xông, đèn đất, trên che bạt, phông đen để ánh sáng đỡ lọt qua. Khán giả có những người phải đi hàng chục cây số mới tới chỗ xem biểu diễn. Trời rét họ quàng chăn đơn, còn khi trời nóng, họ đến từ chiều để lấy chỗ trước. Chúng tôi vô cùng cảm động, cố gắng mang tâm huyết của mình để đáp lại lòng yêu mến nghệ thuật của nhân dân.
- Điều đó cũng đủ thấy công chúng lúc bấy giờ đón nhận nghệ thuật tuồng nói riêng, sân khấu nói chung rất chân thành?
- Hồi đó, chúng tôi diễn cả những vở truyền thống lẫn đề tài lịch sử, đề tài cận đại... Đi đến đâu, đồng bào yêu cầu gì thì chúng tôi diễn nấy. Họ xem hào hứng, trật tự, văn minh lắm nên chúng tôi thấy rất thoải mái. Khán giả có khi còn thuộc cả vở, nhiều khi trong lúc diễn, có diễn viên quên lời còn được khán giả nhắc. Với những khán giả tâm huyết như vậy, chúng tôi làm sao diễn qua loa được.
- Bà cảm nhận nghệ thuật tuồng trong bối cảnh hiện nay thế nào?
- Đến bây giờ, tôi cảm nhận nghệ thuật bị bão hòa. Không phải chỉ từ phía khán giả mà mình cũng luôn phải tự hỏi mình đã làm nghệ thuật đến nơi đến chốn chưa? Khán giả phải hiểu thì xem mới thích được. Mỗi môn nghệ thuật đều có đặc điểm riêng. Ngày xưa chúng tôi về mỗi địa phương thường diễn 3 đêm. Đêm thứ nhất khán giả chưa hiểu, đêm thứ hai người ta bắt đầu thích và đến đêm thứ ba thì họ phục lăn luôn. Xem tuồng hay bởi vì các diễn viên không chỉ hát, múa mà còn thể hiện rõ ràng những động tác của nhân vật khiến người xem “sởn gai ốc”. Như vậy là người xem đã hiểu chúng tôi rồi!
- Được biết, dù đã về hưu nhưng bà vẫn tranh thủ thời gian truyền lại các điệu hát cho lớp nghệ sĩ đàn em. Bà nhận định như thế nào về những nghệ sĩ kế cận?
- Có một số bạn có “sắc”, diễn xuất có “thần”, có hồn, nhưng giá như các nghệ sĩ ấy để tâm một chút nữa, cố gắng học thêm một số bài bản, làn điệu cổ nữa thì tuyệt vời. Nếu sau này chúng tôi không còn nữa thì vẫn có những người tiếp thu và truyền lại cho các thế hệ sau. Đến khi nào đời nối đời truyền lại nghệ thuật của cha ông thì khi ấy chúng tôi ra đi mới đỡ tiếc. Tôi lấy ví dụ điệu “Cạo đầu”, hát theo nhịp làn thản của tuồng, hiện có ít nghệ sĩ hát được. Bây giờ hát chưa được thì thế hệ sau còn ai biết được mà hát. Hay như điệu “Nồi niêu”, “Giao duyên” cũng thế. Đây là những điệu cực kỳ khó nhưng hát được thì rất hay. Tôi cảm nhận nếu không nhanh lên thì nghệ thuật tuồng sẽ bị mai một. Bởi cái nghề này phải thị phạm “hát đứt gân cổ”, luyến chỗ này, láy chỗ kia, học trực tiếp mới thành được.
Tôi vẫn luôn suy nghĩ nghệ thuật tuồng rồi sau này sẽ ra sao. Nếu muốn phát triển tốt thì phải có cơ sở, để những người kế cận được học nhiều, thấm kỹ. Họ cũng phải có bề dày của nghề theo thời gian, không thể trông cậy vào mỗi việc học trong nhà trường. Tôi thấy có nhiều em thực sự say mê nghệ thuật tuồng. Nhưng tiếc là bây giờ cơ hội được học và truyền thụ từ những thầy giỏi không nhiều. Các cụ ngày xưa có bề dày nghề nghiệp, hát kiểu gì cũng hát được, vào nhân vật nào cũng nhuần nhuyễn, sáng tạo. Tôi may mắn được học, được đi diễn với những người thầy giỏi, học được các ngón nghề của họ.
Có một thực tế là bây giờ, khi diễn lại các vở tuồng truyền thống, nhiều nhà hát cứ cắt, bỏ bớt đi nhiều. Tôi nghĩ rằng, nếu đã phục dựng cho các nghệ sĩ trẻ học thì phải đúng như xưa, giữ được qua các thế hệ thì mới gọi là bảo tồn đúng như cái vốn có. Thử tưởng tượng xem, mỗi thời lại bỏ đi một ít thì còn gì để xem nữa. Nhiều câu văn, lời thoại là kết quả của quá trình lao động nhọc nhằn mà có. Còn chưa kể, nghệ thuật tuồng nói riêng, sân khấu nói chung luôn đòi hỏi sự ý tứ, màu mè, có người tung, kẻ hứng chứ không thể nói một cách lộ liễu, sỗ sàng. Tôi tiếc cho các em bây giờ ít thầy quá nên không được học nhiều.
- Cảm ơn NSND Mẫn Thu!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.