(HNMCT) - Từ nhiều năm nay, người dân Thủ đô thường gọi quán nước đầu ngõ 20 phố Phan Đình Phùng là “quán nghệ sĩ”, bởi ở đó có một người nghệ sĩ mang khuôn mặt phúc hậu cùng mái tóc xoăn đã điểm bạc ngày ngày lặng lẽ ngồi ngắm dòng người qua lại. Bà là nghệ sĩ Lê Mai, gương mặt điện ảnh quen thuộc thường vào vai những người bà, người mẹ Hà Nội nền nếp, nho nhã, thanh lịch.
1. Nghệ sĩ Lê Mai sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Hải Phòng, cha của bà là nhà thơ, nhà viết kịch Lê Đại Thanh, một trong những hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Biết con có năng khiếu lại đam mê nghệ thuật, ngày đi kháng chiến, cha của bà đã viết thư gửi lại: “Bao giờ nước nhà độc lập, cha sẽ cho con học làm diễn viên”.
Giữ đúng lời hứa, khi Thủ đô được giải phóng - năm 1954, Lê Mai được cha đưa lên Hà Nội thi vào Đoàn Kịch Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam), ngày ấy nhà viết kịch Học Phi làm Trưởng đoàn. Cũng từ đây cuộc đời của bà bước sang một giai đoạn mới, được sống và cống hiến cho nghệ thuật như bà hằng mơ ước.
Vào Đoàn Kịch Trung ương chưa được bao lâu thì Lê Mai gặp và bén duyên với NSND Trần Tiến. Làm dâu trong một gia đình Hà Nội gốc, bà học hỏi được rất nhiều về nếp sống, lối sống, tác phong của người phụ nữ Hà thành. Đó là chất liệu để bà hóa thân vào các vai diễn người bà, người mẹ Hà Nội rất thành công.
Công việc ở Đoàn Kịch Trung ương kéo dài không được bao lâu, tới năm 1959, Lê Mai chuyển sang Đoàn Kịch Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội). Ở Đoàn Kịch Hà Nội một thời gian, bà cảm thấy dường như mình không có duyên với sân khấu nên quyết định “về hưu non”.
2. Thế nhưng, như một định mệnh, khi cánh cửa sân khấu khép lại, điện ảnh lại tìm đến Lê Mai. Đó là khi đạo diễn Hà Văn Trọng đang cần một vai nữ có thân hình gầy gò cho bộ phim Đứa con người hàng xóm nên đã “nhắm” ngay đến bà, vì lúc ấy bà chỉ nặng có... 34kg. Mặc dù yêu thích điện ảnh nhưng vì chưa từng tham gia đóng phim, bà đã mạnh dạn đến hỏi nghệ sĩ Trần Kiếm, người trước đó đã đóng nhiều vai diễn điện ảnh rất thành công, và bất ngờ nhận được câu trả lời: “Đóng phim dễ hơn đóng kịch vì đóng kịch phải thuộc lời thoại còn đóng phim toàn cảnh ngắn. Nếu chị đóng chưa đạt thì người ta sẽ quay lại. Chị cứ yên tâm”.
Cảnh quay đầu tiên là ở Đồ Sơn, khi ấy đạo diễn nhắc tôi “chạy từ chỗ đang đứng đến chỗ sóng biển kia, khi nào hô dừng thì đứng lại”. Khi thực hiện xong cảnh quay đó, đạo diễn bảo tôi: “Đấy, phim nó thế đấy”. Tôi nghĩ bụng: “Thế thì dễ quá” - nghệ sĩ Lê Mai vui vẻ kể lại.
Sau thành công của vai diễn đầu tay, Lê Mai được nhiều đạo diễn mời đóng phim đến độ bà cũng không nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu bộ phim. Trong tâm trí, bà rất ấn tượng với bộ phim Vui buồn sau lũy tre của đạo diễn Bạch Diệp, và bộ phim gần đây là Bà nội không ăn pizza của hai đạo diễn Khải Anh và Bùi Tiến Huy. “Nếu như trong Vui buồn sau lũy tre, tôi vào vai vợ ông Thứ trưởng (do nghệ sĩ Hà Văn Trọng thủ vai) là một nhân vật tham lam, mưu mô khi tìm mọi cách để nhận tiền đút lót, thì nhân vật bà nội trong Bà nội không ăn pizza lại nhẹ nhàng, tình cảm, mang nét đặc trưng của người phụ nữ Hà Nội. Phim đó cũng làm tôi thêm nổi tiếng hơn nữa, hễ ra đường thì người ta lại gọi: “Bà nội ơi, bà có ăn pizza không?” - nghệ sĩ Lê Mai chia sẻ.
Không nề hà việc nhận vai phụ hay vai chính, vai phản diện hay chính diện, vai ăn mày hay vai phu nhân quyền quý nhưng trong suốt sự nghiệp diễn viên của mình, với nghệ sĩ Lê Mai, chính những vai người bà, người mẹ Hà Nội ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả. Những ngày đất nước còn chiến tranh, với chất giọng nói chuẩn, trầm ấm của người Hà Nội, bà luôn được các đạo diễn mời đến thu âm cho những vở kịch được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng bởi thế mà nhiều người nghĩ bà là người Hà Nội gốc.
Trong căn nhà nhỏ chừng 30m2 ở ngõ 20 phố Phan Đình Phùng, bà dành cả phòng khách để trưng bày những bức ảnh, những kỷ vật gắn bó với từng thời kỳ làm kịch, làm phim của mình. Chỉ tay lên một bức ảnh đã bạc màu, bà bảo: “Đây là tôi với đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang đấy, bằng tuổi nhau nhưng trong vở này Giang vào vai người con còn tôi vào vai người mẹ”. Rồi bà lại chỉ vào tấm ảnh khác: “Đây là vở Những chiếc ghế, tôi vào vai ăn mày còn Lê Vy vào vai người con. Đó là cảnh về nạn đói Hà Nội năm 1945, người chết như ngả rạ”. Rồi bà lại giới thiệu ảnh đồng nghiệp thân quen như: NSND Trần Hạnh, NSƯT Đức Lưu, nghệ sĩ Thanh Tú, nghệ sĩ Kim Xuyến...
Phần lớn những bức ảnh được treo trang trọng tại tư gia của bà là về ba cô con gái mà người xem dễ dàng nhận ra đó đều là những gương mặt quen thuộc, những nữ nghệ sĩ tài năng và cũng rất xinh đẹp: NSƯT Lê Vân, NSND Lê Khanh và NSƯT Lê Vy. Cả ba người con gái đều theo nghệ thuật, bà bảo các con của bà đã được “đi diễn” và được truyền tình yêu nghệ thuật ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
3. Từng đóng hàng trăm bộ phim, nghệ sĩ Lê Mai cho biết, bây giờ đóng phim dễ hơn ngày xưa, các diễn viên trẻ cũng năng động và nhanh trí. “Nếu như ngày xưa, khi chuẩn bị vào vai là mỗi người ngồi một góc để nhẩm lời thoại thì bây giờ các diễn viên trẻ còn trò chuyện, vui đùa nhưng khi diễn là diễn được luôn. Theo tôi, muốn diễn tốt vai của mình thì người nghệ sĩ phải học tập, trau dồi kiến thức rất nhiều, đặc biệt là làm dày vốn sống. Diễn viên không thể “ăn mày quá khứ” mà phải luôn làm mới mình, để khán giả luôn thấy sự mới mẻ, sự trưởng thành của mình qua từng vai diễn”, nghệ sĩ Lê Mai chia sẻ.
Mấy năm trước, nghệ sĩ Lê Mai có làm mấy câu thơ tự bạch: “Tám mươi tuổi đâu còn trẻ/ Chán cả tình đời, chán cả tôi/ Chỉ mong trời phật ban cho khỏe/ Trút nốt xuân tàn cho phim thôi...”, như để thể hiện nỗi niềm, sự đam mê của mình với điện ảnh đến cuối đời. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây bà đã từ giã sự nghiệp diễn xuất. Phần vì sức khỏe đã xuống, bà không thể tự đi xe máy được, phần vì trí nhớ giảm sút, rất khó thuộc lời thoại. Bà chia sẻ: “Mặc dù rất mê đóng phim và đã hứa là sẽ đóng phim cho đến khi không đi được nữa mới thôi, tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn của nó. Tôi không buồn về chuyện này. Tôi đã tìm được niềm vui khác, đó là ngày ngày có thể tụ họp vui vầy câu chuyện đời, chuyện nghề với những người bạn quen và chưa quen bên hàng nước của mình”.
Tự nhận mình là người sống vô tư, hòa nhã và cũng rất cứng cỏi nên dù không ở cùng con vì không muốn phiền tới họ nhưng nghệ sĩ Lê Mai không cảm thấy cô đơn, bởi xung quanh mình vẫn có những người hàng xóm thân thiện, đặc biệt là những người hâm mộ luôn biết trân trọng giá trị nghệ thuật chân chính.
Nghệ sĩ Lê Mai sinh năm 1938, tại Hải Phòng. Trong hơn nửa thế kỷ tham gia nghệ thuật, bà đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả với những vở kịch như: Những người ở lại, Cái máy chém, Lam Sơn tụ nghĩa và các bộ phim điện ảnh như: Vui buồn sau lũy tre, Hoa đắng, Hoàng hôn dang dở, Tình yêu không hẹn trước...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.