Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ Bá Nha: Khát khao truyền bá tinh hoa nhạc Việt

Đoan Trang| 29/08/2019 11:27

(HNMCT) - Bất cứ ai từng nghe tiếng đàn của nghệ sĩ Bá Nha đều thừa nhận đó là tiếng đàn có độ mê hoặc kỳ lạ. Khi anh cất tiếng đàn dường như không còn sân khấu, không còn ánh đèn, mà chỉ có anh và những cung thanh, cung trầm tồn tại. Khán giả không chỉ mê tiếng đàn mà còn như được thăng hoa, cuốn theo thần thái của người chơi đàn. Như nhiều người đã nhận xét, Bá Nha chơi đàn không chỉ bằng những ngón tay mà còn bằng đôi mắt, bằng mái tóc, bằng bờ vai và cả thân thể. Âm khúc từ đấy ngân lên thiết tha, dâng hiến đến tận cùng cảm xúc...

Nghệ sĩ Bá Nha cùng gia đình đang duy trì "Bá Phổ Nhạc đường" với các hoạt động sưu tầm, trưng bày, bảo tồn, nghiên cứu, biểu diễn, giảng dạy và giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước.

Từ cái tên mang nhiều ước vọng...

Là con trai duy nhất của nghệ sĩ Bá Phổ, "ông vua đàn nguyệt" nổi tiếng một thời nên nghệ sĩ Bá Nha có nhiều cơ hội được tiếp xúc với âm nhạc dân tộc ngay từ khi còn nhỏ. Lên 3 tuổi anh đã biết chơi đàn, 4 tuổi tham gia biểu diễn xuyên Việt cùng với ban nhạc của gia đình. Khi 7 tuổi, anh trở thành thành viên chính thức của Hội thi Âm nhạc dân tộc toàn quốc.

Năm 8 tuổi anh đã giành 2 giải Nhất trong Liên hoan Âm nhạc thiếu nhi quốc tế. Năm 16 tuổi anh được đặc cách vào thẳng hệ Đại học, khoa Dân tộc, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Năm 19 tuổi, Bá Nha trở thành người trẻ tuổi nhất tốt nghiệp hệ Đại học chuyên ngành âm nhạc lúc bấy giờ... Thoạt nghe “bảng thành tích” này hẳn ai cũng nghĩ anh là con của hai nghệ sĩ lớn nên những thành tựu mà anh có được ngày hôm nay là “chuyện đương nhiên”. Nhưng khi ngồi nghe anh kể về những năm tháng thơ ấu, anh đã đam mê âm nhạc ra sao và tự rèn giũa kỹ năng chơi đàn của mình như thế nào, mới thấy, để vượt lên “cái bóng” của cha, để khẳng định mình anh đã phải đánh đổi bằng không ít sự khổ luyện.

Cha mẹ đặt cho anh cái tên Bá Nha với ước vọng con trai sau này sẽ giống như nhân vật Bá Nha thời Xuân Thu - Chiến Quốc, người chơi đàn tuyệt hay với ngón đàn thất huyền cầm nổi tiếng. Thế rồi tình yêu âm nhạc dân tộc trong anh cứ thế lớn dần từ những buổi ngồi nghe cha mẹ luyện tập và từ cả những món đồ chơi độc đáo là mô hình nhạc cụ do nghệ sĩ Bá Phổ làm cho con trai, để rồi ngắm nghía, cầm chơi, gõ thử... và yêu nó từ lúc nào không biết. Không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, từ thuở thiếu niên, Bá Nha đã có thể chơi điêu luyện hơn chục loại nhạc cụ dân tộc khác nhau như đàn nhị, đàn tứ, đàn tam, ding goong, bro'h... Và để có được những tuyệt kỹ chơi đàn như bây giờ, anh chia sẻ: “Đã có thời gian tôi treo 3 - 4 chiếc khóa Việt Tiệp vào một dây sắt và ngoắc vào tay để luyện cơ tay, kiên trì bền bỉ từ 30 giây rồi 3 phút, 5 phút..., không cho phép mình ngừng lại cho đến khi đạt đến độ mong muốn thì thôi”.

Sau khi tốt nghiệp, anh công tác tại Hiệp hội UNESCO Việt Nam, sau đó là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Năm 2008, nhận thấy cần phải bồi đắp thêm kiến thức anh sang Học viện Âm nhạc Quảng Tây (Trung Quốc) để học khoa Nghiên cứu và sáng tác âm nhạc. Năm 2013, sau khi bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, Trung tâm Văn hóa Nam Ninh Quảng Tây ASEAN và một số đơn vị khác đã mời anh ở lại giảng dạy, công tác với chế độ đãi ngộ đáng mơ ước... nhưng anh từ chối. Bá Nha quyết định trở lại Việt Nam bởi từ đáy lòng mình anh vẫn luôn tự hào là người Việt Nam, tự hào về kho tàng văn hóa âm nhạc đồ sộ của dân tộc và anh muốn về nước để truyền bá, giữ gìn những tinh hoa âm nhạc ấy.

... đến câu chuyện một nhạc đường độc đáo

Nhắc đến tên Bá Nha, người ta cũng thường nhắc đến “Bá Phổ Nhạc đường”, hiện là nhạc đường tư nhân duy nhất ở Việt Nam tính đến nay. Từ hàng chục năm trước, nghệ sĩ Bá Phổ bằng con mắt nhìn xa đã nhận thấy rằng: "Trên thế giới cũng như trong nước không hiếm các viện bảo tàng, phòng trưng bày chuyên triển lãm các nhạc cụ, nhưng ở những nơi đó việc trưng bày chỉ để khách tham quan nhìn thấy, biết được dân tộc mình có những loại nhạc cụ nào chứ họ không được trực tiếp thưởng thức". Từ suy nghĩ đó ông mới nảy ý định thành lập một nhạc đường để mọi người có thể tận mắt thấy tất cả những nhạc cụ quý giá từ đời trước, nghe những âm thanh chở theo bao tâm tư tình cảm của từng dân tộc...

Năm 1987, thời điểm đặc biệt khó khăn của nền kinh tế, "Bá Phổ Nhạc đường" ra đời và kiên trì trụ lại cho đến ngày nay. Để có được công trình này, cả gia đình nghệ sĩ Bá Phổ đã phải quên đi lợi nhuận. Mất 5 năm xây dựng, tiền đầu tư lấy từ chính việc chuyển đổi căn nhà to thành căn nhà nhỏ, từ tiền giảng dạy, biểu diễn của 3 thành viên trong gia đình nhưng nhạc đường vẫn sẵn sàng mở cửa miễn phí cho khách đến tham quan. Hiện tại nghệ sĩ Bá Nha cùng gia đình đang duy trì "Bá Phổ Nhạc đường" với các hoạt động sưu tầm, trưng bày, bảo tồn, nghiên cứu, biểu diễn, giảng dạy và giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước. Vào mỗi tối thứ năm và thứ bảy hằng tuần, nhạc đường lại vang lên những ca khúc nổi tiếng của thập niên 80 - 90 thế kỷ trước, những bản nhạc phim, nhạc Trịnh..., được thể hiện bằng những nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt, không gian của nhạc đường còn được bao bọc bởi hơn 200 loại nhạc cụ truyền thống. Khách tham quan muốn cảm nhận về loại nhạc cụ nào, nhạc cụ đó sẽ ngay tức khắc "tự kể chuyện bằng giai điệu".

Thể hiện những ca khúc đương đại bằng nhạc cụ dân tộc là cách làm không mới nhưng ở thời điểm hiện tại, có lẽ đó là lối đi khôn ngoan khi trên “bàn tiệc giải trí” đã quá đỗi sinh động, ê hề "món ăn" hấp dẫn. Bằng con mắt nhà nghề, Bá Nha nhận thấy rằng: "Bá Phổ Nhạc đường đang có một lượng khán giả riêng và đều đặn, thậm chí có rất nhiều bạn trẻ thích nghe âm nhạc truyền thống, điều đó chứng tỏ họ không hề quay lưng với những gì được coi là “cổ”. Quan trọng là cách đưa vốn cổ ấy tiếp cận họ thế nào, “món ăn tinh thần” mà mình dọn ra có thực sự hấp dẫn hay không, và đó có phải là âm nhạc dân tộc đích thực hay không. Cùng với đó, theo quan điểm của tôi, với nghệ thuật, đừng bao giờ làm hời hợt. Khán giả đến xem dù ít dù nhiều tôi vẫn biểu diễn bằng tất cả khả năng mà tôi có. Đó là cách tôi tôn trọng khán giả và tôn trọng chính mình, sản phẩm âm nhạc của mình".

Cũng chính vì điều này hằng đêm anh vẫn lưu giữ âm nhạc dân tộc bằng cách thổi âm hưởng thời đại vào đó. Với riêng tôi, và chắc hẳn là cũng với nhiều khán giả khác, đổi mới và lắng nghe nhu cầu cảm thụ âm nhạc của khán giả để điều chỉnh mình từng đêm diễn, từ đó đưa âm nhạc của mình đến gần hơn với khán giả, đó là một cách làm mà chỉ những người nghệ sĩ có trải nghiệm nghề nghiệp và giác quan thiên phú mới thực sự làm được.

Những thành tựu trong âm nhạc của nghệ sĩ Bá Nha: Năm 1984 khi mới 8 tuổi, anh đoạt 2 giải Nhất trong Liên hoan âm nhạc thiếu nhi Quốc tế. Năm lên 9 tuổi, Bá Nha là đại biểu ít tuổi nhất của Festival Thanh niên - Sinh viên thế giới lần thứ 12 tại Mát-xcơ-va (Nga). Năm 1988, 12 tuổi, anh đã tham dự Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc cùng “Bá Phổ Nhạc đường”. Năm 2008 anh đoạt Giải nhất Liên hoan “Tiếng hát hữu nghị Việt-Trung”, giải nhì Liên hoan “Tiếng hát hữu nghị Việt-Trung” vào năm 2012, Giải thưởng cuộc thi “Trí tuệ toàn cầu” do Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc tổ chức các năm 2010 và 2011. Hiện, anh vừa giảng dạy vừa biểu diễn và duy trì “Bá Phổ Nhạc đường” với mong muốn lưu truyền, quảng bá tình yêu với âm nhạc dân tộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Bá Nha: Khát khao truyền bá tinh hoa nhạc Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.