Sản phẩm dịch vụ

Nghề phiên dịch tiếng Nhật: “Hot” nhưng cũng nhiều khó khăn

Trang Đoàn 23/10/2023 - 19:51

Khi tiếng Anh ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại, việc thành thạo ngoại ngữ thứ 2 sẽ mang đến cho bạn lợi thế rất lớn trong quá trình tìm việc cùng một tiền đồ rộng mở hơn.

Trong khi đó, tại thị trường lao động Việt Nam nói riêng, tiếng Nhật là một trong những ngôn ngữ thịnh hành nhất với cơ hội việc làm phong phú, đặc biệt là trong lĩnh vực biên phiên dịch. Rất nhiều người theo đuổi nghề phiên dịch viên vì chạy theo trào lưu nhưng sự thật thì nghề này không hề nhẹ nhàng như họ vẫn nghĩ.

581-202310231858451.png

Tiếng Nhật là một ngôn ngữ khó

Yêu cầu tối thiểu khi tuyển dụng phiên dịch tiếng Nhật chính là kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ Nhật Bản và thông thạo cả 4 kỹ năng: Nghe - nói - đọc - viết.

Trong khi đó, tiếng Nhật là một trong những ngôn ngữ rất khó học khi có đến ba bảng chữ cái, bao gồm Hiragana, Katakana và Kanji. Đặc biệt, bảng chữ cái Kanji với cách viết phức tạp và âm đọc đa dạng đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của người học tiếng Nhật mà còn của người bản xứ. Trước khi trở thành một phiên dịch viên tiếng Nhật, bạn cần học thuộc 3 bảng chữ cái này, sau đó mới tập trung vào từ vựng, ngữ pháp và cách đặt câu. Nhưng cũng vì sự rắc rối này, rất nhiều người đã “gục ngã” ngay từ khi bắt đầu tiếp xúc với nó.

581-202310231858452.jpg

Bên cạnh đó, để hoàn thành nhiệm vụ của một phiên dịch viên tiếng Nhật, bạn cần phải đạt trình độ tiếng Nhật N2 trở lên, đồng thời, tích lũy đầy đủ kinh nghiệm thông qua quá trình thực tập hoặc các công việc thời vụ trong môi trường sử dụng tiếng Nhật.

Hệ thống kính ngữ phức tạp

Một khó khăn tiếp theo trong quá trình học tiếng Nhật chính là hệ thống kính ngữ của quốc gia này. Kính ngữ trong tiếng Nhật phức tạp và sử dụng đúng kính ngữ là một trong những thách thức lớn đối với phiên dịch viên. Họ không chỉ cần nắm rõ quy tắc sử dụng kính ngữ mà còn phải am hiểu sâu rộng về văn hóa Nhật Bản. Điều đó bao gồm cách chào hỏi, cách trò chuyện với người đối diện, các nguyên tắc về thời gian, trang phục, vị trí đứng/ngồi và cả cách phát âm bởi vì cấp dưới, cấp trên, người đồng môn sẽ chào khác nhau; người mới gặp và người đã quen từ lâu cũng chào khác nhau; thậm chí đàn ông và phụ nữ cũng có cách chào khác nhau.

Việc sử dụng kính ngữ một cách chính xác sẽ giúp bạn tạo thiện cảm với người đối diện và thuận lợi hơn trong mọi công việc.

Khả năng ghi nhớ tốt, chịu được áp lực cao

Phiên dịch viên cần “nảy số” rất nhanh vì họ phải vừa lắng nghe, vừa cố gắng ghi nhớ ý chính của người nói, vừa sắp xếp câu từ để dịch lại sao cho sát nghĩa nhất có thể. Thông thường, phiên dịch viên sẽ phải bắt đầu phần dịch của mình ngay sau khi người nói vừa dứt ý và phần dịch của họ sẽ kết thúc rất nhanh. Có thể nói, thời gian để phiên dịch viên hoàn thành phần dịch của mình rất ít, điều này buộc họ phải có khả năng ghi nhớ và xây dựng nội dung cực nhanh.

581-202310231858453.jpg

Bên cạnh đó, áp lực về tốc độ và sự chính xác trong phiên dịch rất lớn, đặc biệt là khi tham gia các sự kiện quan trọng và những cuộc trò chuyện phức tạp. Vì lẽ đó, để thành công trong nghề phiên dịch, những người làm nghề không chỉ cần nâng cao khả năng ghi nhớ mà còn đòi hỏi tinh thần thép, luôn sẵn sàng chạy đua với thời gian và duy trì sự bình tĩnh trước những tình huống khó khăn có thể xảy ra.

Đòi hỏi sự tinh tế, uyển chuyển trong ứng xử

Nghề phiên dịch không đơn thuần là dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Cái khó của một phiên dịch viên là truyền tải chính xác ý nghĩa của câu nói cũng như tâm trạng của người nói nhưng vẫn bảo đảm hòa khí giữa đôi bên. Trong rất nhiều trường hợp, người nói vì quá nóng tính hay đang lúc nóng giận mà nói những câu quá nặng nề, khó nghe. Khi đó, phiên dịch viên cần phải cân nhắc câu cú sao cho phù hợp, không quá gay gắt nhưng phải để người nghe cảm nhận được sự tức giận của người nói. Vì lẽ đó, nghề phiên dịch yêu cầu rất cao sự tinh tế, uyển chuyển trong cách giao tiếp, cách dùng từ để có thể chuyển tải nội dung hợp lý, không dịch quá sát nhằm hạn chế những xung đột không đáng có và giữ vững mối quan hệ giữa các bên.

Để làm được điều đó, người làm phiên dịch phải thật sự có bản lĩnh, ứng xử khéo léo và biết cách ứng biến linh hoạt trong mọi tình huống.

Có thể nói, kiên nhẫn, kiên nhẫn và rất kiên nhẫn là từ khóa chính xác nhất để hình dung về tố chất cần thiết của những ai theo nghề phiên dịch tiếng Nhật. Dù khó khăn bạn gặp phải là gì, 90% trong số đó đều sẽ được giải quyết nếu bạn có đủ sự kiên nhẫn trong quá trình theo đuổi công việc này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghề phiên dịch tiếng Nhật: “Hot” nhưng cũng nhiều khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.