(HNM) - Không thanh mảnh như chiếc nón bài thơ xứ Huế, nón lá làng Chuông (huyện Thanh Oai) dày dặn, cứng cáp mà vẫn thanh lịch, duyên dáng, đậm chất nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Song có điều, nghề đan nón vất vả mà thu nhập chẳng được là bao.
Như bao người con đất Việt khác, trong những năm tháng chiến tranh, ông Phạm Trần Cảnh đã lên đường ra trận. Phục viên về quê hương năm 1957, thương binh Phạm Trần Cảnh trở lại với nghề làm nón truyền thống. Với sự giúp đỡ của người vợ giáo viên hiền thảo, những chiếc nón mang dáng hình văn hóa Việt tiếp tục ra đời...
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, một số đoàn văn công, quan họ nghe thương hiệu nón Chuông, đã tìm về tận nơi để đặt làm những chiếc nón quai thao, nón cổ. Nhưng nghề làm nón cổ làng Chuông lúc ấy gần như thất truyền, trong làng ai cũng lắc đầu khi được yêu cầu. Điều đó càng thôi thúc ông quyết tâm đi tìm lại "dáng hình" nón cổ. Với người thương binh chỉ còn lại một chân như ông, mọi sinh hoạt bình thường đã khó, vậy mà ông Cảnh đã lặn lội đi khắp nơi để đi tìm nón cổ. Khi tìm được chiếc nón cổ về, ông lại gỡ ra đo đạc, nghiên cứu để ý từng chi tiết hoa văn, cách đan, xếp đến những đường khâu... Và với những ký ức về công thức của bà nội làm khi ông còn là cậu bé lên 10, với một chiếc nón quai thao đã phủ màu năm tháng, ông đã phục hồi lại được nghề làm nón cổ năm xưa.
Năm 2001, Khách sạn Liên Hoa khi biết tiếng, đã đặt ông làm hai chiếc nón quai thao khổng lồ, đường kính 2m để đem đi triển lãm quốc tế. Với khát khao "nghề nón cổ của làng sẽ được thế giới biết đến", ông Cảnh đã cùng vợ không ngại vất vả, làm việc cật lực trong cả tháng trời. Và nón cổ làng Chuông đã xuất ngoại, đem văn hóa Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế. Giờ đây, nhắc đến nón làng Chuông, người ta nghĩ ngay đến nghệ nhân già Phạm Trần Cảnh. Dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng ngày ngày vẫn tỉ mẩn đưa từng đường kim, mũi chỉ với chiếc nón lá Chuông mộc mạc và thuần khiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.