(HNM) - Khác hẳn với vẻ êm đềm thơ mộng của các làng mây tre đan nằm trên địa bàn huyện Chương Mỹ, làng tạc đá của người dân Long Châu Miếu - Long Châu San, xã Phụng Châu thu hút khách ngay từ đầu làng bởi khung cảnh nhộn nhịp trên khắp các công trường với âm thanh chát tai của tiếng đục hay tiếng xè xè của máy mài, chà, đánh bóng.
Đã có thời kỳ tưởng như nghề chạm khắc đá không trụ vững trước sự phát triển của thị trường khi những thợ đá giỏi ở Phụng Châu phải lặn lội xuống Ninh Bình, vào Đà Nẵng mưu sinh. Nay các thợ đá tứ phương lại tìm về đây để học hỏi, làm nghề và trau dồi kinh nghiệm. Trong khó khăn, có những cơ sở sản xuất đã tìm được hướng đi riêng để tồn tại và phát triển.
Sản xuất tại làng điêu khắc đá Long Châu Miếu. Ảnh: Thu Hằng |
Một số thợ vẽ ở các xưởng đá quy mô lớn ở Phụng Châu đều được đào tạo qua các trường mỹ thuật. Nghề điêu khắc đá vất vả so với đa số nghề khác, lại đòi hỏi người thợ phải có óc sáng tạo, con mắt thẩm mỹ, đức tính kiên trì tỉ mỉ nên không phải ai cũng làm được. Ở Phụng Châu, nhiều gia đình có tới 4-5 đời làm nghề. Gia đình ông Nguyễn Văn Củng là một ví dụ, từ đời ông nội ông Củng là cụ Nguyễn Văn Vỹ, bố ông Củng là Nguyễn Văn Diên, đến đời ông, nay là con và cháu ông đều gắn bó với nghề điêu khắc đá của quê hương. Hiện 3 con trai ông là Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Trọng và Nguyễn Văn Trường đều thành lập công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm bằng đá, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Hay như Công ty TNHH Điêu khắc đá Trường Nguyệt, thôn Long Châu Miếu do anh Nguyễn Văn Trường làm Giám đốc. Từ khi thành lập đến nay, doanh nghiệp đã thi công nhiều công trình lớn, nhỏ. Một trong những công trình lớn nhất mà công ty đảm nhận là Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Pác Bó (Cao Bằng) với tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng. Vinh dự khi đại diện cho thôn nhận thi công công trình có ý nghĩa này, doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Đến với xưởng chế tác đá của anh Nguyễn Văn Trường những ngày này không khí lao động vẫn hết sức khẩn trương. Xưởng của anh đang gấp rút hoàn thành 19 tác phẩm về tình hữu nghị Việt - Lào do 15 nhà điêu khắc của hai nước sáng tác. Đầu tháng 11 tới đây, lô hàng sẽ được chuyển sang Lào. Anh Trường tâm sự: Năm 2012 thực sự là một năm nhiều điều thú vị đối với các thợ chế tác đá ở Long Châu Miếu vì họ có dịp khoe tài trên những mẫu độc đáo, mang tính nghệ thuật cao. Một loạt các trại điêu khắc quốc tế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn Long Châu Miếu là nơi đặt chân, gửi gắm các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc của Việt Nam và bạn bè quốc tế. Đây là dịp để làng nghề khẳng định đẳng cấp quốc tế của mình. Mỗi sản phẩm mang một vẻ đẹp riêng nhưng tất cả đều được thực hiện rất tỉ mỉ, công phu, để chinh phục những khách hàng khó tính nhất.
Giờ đây, khách đến đặt hàng ở Phụng Châu cũng đa dạng hơn, không chỉ là nhà chùa, đền thờ, miếu mạo đến đặt tượng thờ mà các doanh nghiệp, nhà vườn ở khắp nơi tìm đến Phụng Châu để đặt hàng sản phẩm trang trí nội thất hay khu nghỉ dưỡng. Người dân các làng lân cận cũng đến đây học nghề và lập nghiệp. Tạc tượng đá không còn chỉ trong phạm vi hai làng. Làng nghề phát triển đã tạo nhiều công ăn việc làm cho gần 100 lao động địa phương và thu hút khoảng 200 thợ từ Đà Nẵng, Thanh Hóa, Ninh Bình... đến làm việc. Bên cạnh đó, nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ hỗ trợ nghề chạm khắc đá cũng phát triển theo, thu hút lực lượng lao động tại chỗ. Nguyễn Văn Thành, một thợ đá đến từ Hòa Bình về làm việc tại các xưởng đá ở Phụng Châu cho biết: Em đã làm tại Long Châu Miếu được 2 năm và giờ có thể nhận khoán sản phẩm trực tiếp từ công ty, công việc vất vả nhưng bù lại tiền công lên tới 14 triệu đồng/tháng. Trong đó, toàn bộ trang thiết bị máy móc, điện, nước... do công ty cung cấp. Nghề điêu khắc đá vất vả, đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, tính cần cù, chịu khó, cẩn trọng và tính thẩm mỹ cao. Nhưng bù lại, nghề chạm khắc đá rất ổn định, công việc không phụ thuộc vào mùa vụ và cho thu nhập khá cao. Trung bình ngày công đối với thợ học việc khoảng 150 nghìn đồng, thợ làm thô khoảng 200 nghìn đồng và thợ kỹ thuật tinh xảo khoảng 300-500 nghìn đồng.
Anh Nguyễn Văn Lộc, Trưởng thôn Long Châu Miếu cho biết: Nghề chạm khắc đá truyền thống phát triển đã góp phần nâng cao đời sống người dân. Ở đây mọi người, kể cả thanh niên đều chăm chỉ làm ăn, cho nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chóng. Nhiều hộ có mức sống khá giả. Tuy nhiên, nghề thủ công phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với Phụng Châu. Đó là môi trường làng nghề đang bị ô nhiễm nặng; bụi đá, nước thải, tiếng ồn trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.