Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày Xuân nói chuyện lân sư rồng

Nguyễn Lê| 15/02/2018 07:04

(HNM) - Hơn trăm năm trước, nghệ thuật múa Lân - Sư - Rồng theo người Hoa du nhập đến vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn (nay là TP Hồ Chí Minh). Nghề chế tác và nghệ thuật múa Lân - Sư - Rồng cũng từ đó phát triển.


Chế tác công phu

Vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn xưa được xem là cái nôi của nghệ thuật Lân - Sư - Rồng của Việt Nam. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có khoảng 20 lò chế tác đầu Lân - Sư - Rồng có lịch sử lâu đời. Theo nghệ nhân Lâm Văn Ky (người có hơn 40 năm làm nghề chế tác đầu Lân - Sư - Rồng, chủ cơ sở sản xuất đầu Lân - Sư - Rồng trên đường Lương Nhữ Học, quận 5), để làm ra một đầu Lân - Sư - Rồng phải mất hơn nửa tháng. Hai khâu quan trọng nhất của quy trình này là vẽ và bẻ khung. Đầu Lân - Sư - Rồng có hồn, có thần sắc hay không là do khâu vẽ quyết định. Còn có thành hình hài hay không là do khâu bẻ khung quyết định. Dù đã trải qua hàng thế kỷ, khung làm ra đầu Lân - Sư - Rồng vẫn là mây, tre chứ không sử dụng vật liệu khác thay thế, trong đó mây chiếm 90% phần khung. Loại vật liệu này có ưu điểm là dẻo, rất dễ uốn cong và rất bền, giúp đầu Lân - Sư - Rồng cơ động, chịu được va đập.


Bộ khung đầu Lân - Sư - Rồng có kết cấu phức tạp với hàng trăm mối nối. Các mối nối này đều đi theo cặp với trung bình hơn 100 cặp mang chi tiết và kết cấu hoàn toàn khác nhau nên không dễ để tháo ráp và bắt chước hoàn hảo được. Chính vì vậy, nghề chế tác Lân - Sư - Rồng đòi hỏi phải kỳ công rèn luyện. Nhiều lò sản xuất Lân - Sư - Rồng sở hữu những công thức, "bí kíp" riêng, không thể sao chép và được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành kỹ thuật gia truyền của mỗi lò chế tác.

Ngoài phần khung, hai chi tiết cũng được xem là khó nhất trên đầu Lân - Sư - Rồng là mắt và miệng. Người chế tác phải giỏi nghề mới tạo ra đôi mắt có thần sắc, chớp nháy dễ dàng; miệng dữ mà tươi, há, ngậm linh động.

Trình diễn tuyệt kỹ

Không chỉ là môn nghệ thuật, Lân - Sư - Rồng còn được quan niệm sẽ đem lại điềm lành, may mắn, bình an và tài lộc. Chính vì vậy, nghệ thuật múa Lân - Sư - Rồng của Việt Nam thường được biểu diễn tại những lễ hội, sự kiện văn hóa, khai trương, đặc biệt là dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Ở TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 30 đoàn Lân - Sư - Rồng chuyên nghiệp, trong đó có một số đoàn Lân - Sư - Rồng đã nhiều lần thi đấu, biểu diễn tại các giải quốc tế và đạt được thành tích nổi bật.

Võ sư, Nghệ nhân ưu tú Lưu Kiếm Xương, nguyên Trưởng đoàn Lân - Sư - Rồng Nhơn Nghĩa Đường (một trong những đoàn Lân - Sư - Rồng lâu đời nhất tại TP Hồ Chí Minh) kể, cái thời Lân - Sư - Rồng mới bắt đầu phát triển ở Sài Gòn - Chợ Lớn, trong nghề có những quy tắc bất thành văn, bất di bất dịch. Đó là, đẳng cấp lân được thể hiện thông qua màu sắc của râu: Râu đen, râu mè (vừa đen vừa bạc) và râu bạc. Lân râu đen là đoàn lân mới thành lập hoặc hoạt động dưới 10 năm, khi gặp lân râu mè (đoàn lân được thành lập trên 15 năm) và lân râu bạc (đoàn lân có tuổi đời trên 30 năm) phải cúi chào và nhường đường. Đối với những con lân râu đen ngổ ngáo, gặp lân râu mè hay râu bạc, sau tiếng cheng và trống chào mà không tránh đường, chỉ cần lân râu mè hay râu bạc đá râu nhắc nhở, chưa phải đến độ "chạm đầu lân", lân râu đen ngay lập tức hiểu phận hậu bối của mình. Bởi đơn giản, lân râu mè và râu bạc thường được điều khiển bởi các cao thủ tiền bối, dày dạn kinh nghiệm.

Để có những điệu múa đẹp mắt, các võ sinh phải chuyên tâm khổ luyện mới đạt được tuyệt kỹ công phu trong nghệ thuật trình diễn, khiến cho những con lân, sư trở nên sống động và biểu đạt trọn vẹn 10 cung bậc cảm xúc, tính cách, thần thái: Hỉ - nộ - ái - ố - động - tĩnh - kinh - nghi - thụy - tỉnh. Đây là đặc trưng riêng của nghệ thuật múa Lân - Sư - Rồng của Việt Nam so với các quốc gia khác. Sự biểu cảm mạnh mẽ để chắp nối những cung bậc cảm xúc lại với nhau thành một câu chuyện nhằm thể hiện sự khát khao vươn lên, tinh thần cầu tiến của dân tộc Việt Nam.

Nhiều đoàn Lân - Sư - Rồng trong và ngoài nước đều biết đến tiết mục lân leo cột, còn gọi là "Cao không hái lộc". Theo một số bậc tiền bối trong nghề, tiết mục này xuất xứ từ Việt Nam, hiện đã được phát triển ở Trung Quốc và Thái Lan. Nghệ nhân ưu tú Lưu Kiếm Xương cho biết, cột chính là thân tre biểu tượng cho phẩm chất của con người Việt Nam: Đoàn kết, thủy chung, thanh cao, bất khuất. Đoàn Lân - Sư - Rồng Nhơn Nghĩa Đường đã chinh phục được cột cao 15m và đã đạt Kỷ lục Việt Nam cho tiết mục này. Điều đặc biệt khi biểu diễn lân leo cột, đội của Trung Quốc và Thái Lan chỉ leo lên để hái lộc, còn Việt Nam vừa leo hái lộc vừa biểu diễn những động tác điêu luyện ngay trên cột. Đây là một trong những nét đặc sắc của nghệ thuật Lân - Sư - Rồng Việt Nam. Từ đó, "Cao không hái lộc" trở thành tiết mục được yêu thích ở nhiều nước Á Đông và thường được các đoàn Lân - Sư - Rồng có tiếng biểu diễn.

Nói về những tuyệt kỹ trong nghệ thuật múa Lân - Sư - Rồng phải kể đến màn trình diễn Mai Hoa Thung. Theo truyền thuyết, để phân định thứ bậc trong giang hồ, mỗi năm cứ độ xuân về, các bậc cao thủ trong võ lâm hẹn nhau đến Mai Hoa Thung để "Sinh tử đấu". Đây là một rừng mai được cưa cành chỉ còn trơ lại gốc, bên dưới cắm đầy chông nhọn. Người đấu di chuyển trên các gốc mai, chân chạm đất hoặc ngã xuống là thua. Ngày nay, trong nghệ thuật múa Lân - Sư - Rồng, người ta mượn hình ảnh Mai Hoa Thung để biểu diễn trên những cột bằng thép. Tuy nhiên, đây không phải là trận "Sinh tử đấu" mà là biểu diễn kết hợp giữa hai người (người múa đầu và người múa đuôi). Mai Hoa Thung là màn trình diễn đặc trưng của lân - sư, đòi hỏi người biểu diễn phải có võ để điều khiển những cử động linh hoạt, mạo hiểm trên các thanh cột.

Cứ thế, múa Lân - Sư - Rồng đã đi vào tiềm thức của người Việt lúc nào không hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Xuân nói chuyện lân sư rồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.