Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày thứ tư: “Mạch ngầm” thân thương

Thanh Hải| 26/05/2014 06:11

(HNM) - Trong vô vàn hiểm nguy rình rập ở tọa độ


Từ trung tuần tháng 4 kéo dài đến tháng 7-8 hằng năm, Hoàng Sa là "mùa vàng" đánh bắt - mở đầu câu chuyện ngày mới, bên ly cà phê anh Nguyễn Văn Hai kể - Thời điểm này, cá ngừ, các loại hải sản kéo về rạn san hô ven đảo, bãi ngầm để đẻ. Lúc này ra khơi hay gặp luồng cá. Thích nhất vẫn là mùa tháng 5-6 này, cá ngừ về nhiều, kéo thành từng đàn núp dưới khúc gỗ, vật nổi, các rạn san hô.

Ngư dân vẫn quyết tâm bám biển, giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


Phút bình yên hiếm hoi trên biển Hoàng Sa, câu chuyện về cá ngừ một lần nữa được bàn thảo sôi nổi. Với DNa 90508TS, mỗi chuyến đi biển kéo dài từ 20 đến 25 ngày, bình quân sản lượng đánh bắt khoảng 10 tấn. Trừ chi phí, nếu được giá mỗi chuyến cũng lãi gần 200 triệu đồng. Cá ngừ đại dương thật sự là "mỏ vàng" mang lại nhiều giá trị cho ngư dân. Những năm trước, lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc (thường từ 15-5 đến 30-8) đã gây nhiều khó khăn cho bà con ngư dân. Lệnh đó, kéo dài một vệt từ vĩ tuyến 12 lên ranh giới biển giữa tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến (Trung Quốc), bao trùm cả Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ thuộc chủ quyền Việt Nam. Thường thì tàu cá Việt Nam vẫn đánh bắt vị trí cách Hoàng Sa 60 hải lý. Nhưng với lệnh cấm đánh bắt cá này, xem như ngư dân ta bị "bịt đường" ra Hoàng Sa.

- Nhưng giờ khác rồi - Thuyền trưởng Nguyễn Đình Sinh lên tiếng - Để không gặp rắc rối từ các tàu hải giám, tàu cá Trung Quốc đe dọa, ngư dân miền Trung đã hình thành những biên đội tàu công suất lớn dựa vào nhau, bảo vệ nhau cùng bám biển. Trong những biên đội đó có cả những chiếc tàu hậu cần mang theo dầu, thực phẩm… để tiếp tế cho các tàu cá đánh bắt dài ngày. Thêm nữa, những năm qua, Đà Nẵng cũng đầu tư nhiều cho công tác này khi tiến hành lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa tích hợp định vị vệ tinh cho tàu cá của ngư dân. Với hệ thống này, ngư dân khi bám biển có thể liên lạc tốt ở cự ly xa hơn 500 hải lý, qua đó, bảo đảm thông tin liên lạc, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra.

Rít hơi thuốc sâu, anh Trần Văn Mỹ tiếp câu chuyện: "Cũng nhờ đó mà bà con đoàn kết hơn. Ngày trước các tàu ra khơi nhỏ lẻ, đánh bắt xa nhau nên không thể chia sẻ thông tin về luồng cá. Thành thử có hôm dò trúng luồng cá lớn cũng không biết gọi ai. Giờ có tổ, đội 5-6 tàu nên chỉ cần một tàu gặp luồng cá là cả đội cũng sẽ gặp vụ lớn. Hiềm một nỗi, ngư dân mình ít vốn quá, ra khơi chỉ với con tàu gỗ nhỏ nhoi. Phải chi có đủ nguồn lực đóng tàu lớn hơn, công suất cao hơn thì sản lượng cũng sẽ khác".

Câu chuyện bị ngắt quãng khi từ xa nhiều tàu cá Trung Quốc bắt đầu di chuyển, tiến lại gần. Không lao thẳng vào đội hình tàu cá của ta như bữa trước, hôm nay, 6 tàu cá cỡ lớn của Trung Quốc dàn thành hai hàng đi song song kẹp đội tàu cá Đà Nẵng, Quảng Nam vào giữa. Một chiếc tàu cá màu xanh, cỡ 3.000 tấn từ tốn đi chậm len lên ở giữa. Nó hiền từ không hung hãn giống như mọi ngày.

Có vẻ như chiến thuật của họ thay đổi. Quay sang anh Sinh, tôi hỏi: "Mình cách giàn khoan kia mấy hải lý?". "7 hải lý" - anh Sinh trả lời. Nếu so với những ngày trước thì đây là khoảng cách an toàn được ngầm hiểu. Vì khi tàu ta vượt qua "ranh giới" này, tàu cá Trung Quốc sẽ lao ra tấn công, cản phá. Icom trên tàu bắt đầu vọng lại tiếng đội trưởng đội tàu cá Đà Nẵng Trương Văn Hay: "Các tàu kéo dù, chú ý đề cao cảnh giác". Các anh Hai, Dũng, Lời, Quang trên tàu tôi lục đục lên mũi thu dù (phương tiện dùng để neo giữ tàu, vì độ sâu 2.000m ở đây không thể thả neo). Tôi và anh Sinh phóng lên cabin.

Trên cao, quan sát thấy các tàu cá Trung Quốc chạy một lúc rồi khựng lại kết thành hình chữ U, vây đội tàu của ta vào giữa. Phía sau, rất nhiều tàu sắt Trung Quốc tăng tốc, nhằm thẳng hướng vào đội hình tàu cá của ta. Icom réo vang: "Di chuyển khẩn trương! Chúng đang phá đội hình của ta".

DNa 90508TS bắt đầu di chuyển. Bên hông, các tàu DNa 90235TS, DNa 90352TS, DNa 90039TS, biên đội của anh Sinh cũng tăng tốc. Đội tàu lúc này đã bị 3 chiếc tàu sắt hôm qua kèm sát. Tôi vác máy ảnh ra bấm lia lịa. Lúc này, tàu cá Trung Quốc màu đen mang số hiệu 71075 đi phía sau mạn phải bất ngờ đổi hướng, phi thẳng vào DNa 90508TS. Sóng biển vỗ mạnh cộng với tốc độ di chuyển khiến khối sắt này dập dềnh, phần mũi quả lê được gia cố đang liên tục bổ lên, bổ xuống. Đứng phía sau cabin, thấy tốc độ nó ngày một lớn, tôi lo ngại. Lúc này, có lẽ do mải quan sát tàu cá màu xanh của Trung Quốc đang đi xen giữa tàu tôi và DNa 90235 mà anh Sinh không để ý phía sau. Tất cả nín thở. Ở dưới, Dũng hét lên: "Sắp đâm rồi!". Theo lời Dũng, tôi kêu lớn với thuyền trưởng: "Anh Sinh, vọt! Nó đang đâm vào đít!". Choàng tỉnh, tốc 2 máy cùng lúc, rú hết ga, chúng tôi thoát khỏi hiểm nguy trong gang tấc. Cú bổ tiếp theo của "con" 71075 chỉ cách đuôi tàu chừng gang tay.

Có lẽ, do điên tiết vì không va hỏng chúng tôi, tàu 71075 lao thẳng sang ngang, đâm vỡ mạn đuôi DNa 90235. Chưa dừng lại, như con "trâu điên", nó lồng lộn lao tiếp, đâm sập cabin sau của tàu DNa 90406. Tiếng đội trưởng Hay, qua Icom, hét toáng: "Tàu Trung Quốc cố tình đâm va chúng ta, tất cả khẩn trương phòng tránh, bảo đảm an toàn. Nhắc lại, tàu Trung Quốc đang cố tình đâm chúng ta"...

30 phút luồn lách, với sự quan sát, phối hợp của toàn tàu, chúng tôi mới bình an thoát ra ngoài. Thuyền trưởng Sinh bức xúc nói: "Chúng nới rộng phạm vi mình với giàn khoan nên chủ động gây hấn, tấn công". Chứng kiến sự cố tình khiêu khích và phá hỏng phương tiện đánh bắt của mình, trong tôi các mạch máu cũng rần rật chảy mạnh. Tôi hỏi anh: "Có cách nào liên lạc về nhà không?". "Chú gọi đâu?" - Anh hỏi. "Gọi về nhà, gọi về để thông báo tình hình ngoài này". Ơn trời, cái gật đầu của anh đã tiếp sức cho tôi. Qua Icom, chúng tôi liên lạc với radio Đà Nẵng và kết nối được với đoàn công tác của Báo Hànộimới đang có mặt ở Quảng Ngãi để cung cấp mọi diễn biến trên biển. Tranh thủ, tôi liên lạc được với gia đình để mọi người yên tâm. Vậy là có thể bám biển dài ngày. Từ đây có thể thông báo, cập nhật toàn bộ tình hình, sự vi phạm trắng trợn của tàu cá Trung Quốc đối với ngư dân ở vùng biển truyền thống của Việt Nam.

Thế nhưng, hy vọng cùng ngư dân bám biển dài ngày đã không còn có cơ hội. Ngay sau đó, anh Sinh trên cabin đi xuống, kêu Quang chuẩn bị gỏi cá uống rượu và thông báo: "Em phải đi rồi. Vì an toàn, chỉ huy biên đội đã liên lạc với tàu kiểm ngư giúp em về đất liền sớm để phản ánh thực tế đang diễn ra nơi đây. Bọn anh sẽ còn ở đây dài ngày bám biển".

Sững người khi nghe quyết định, người tôi nổi hết da gà, sống mũi cay cay, chỉ cất được tiếng: "Nhưng...". "Không nhưng gì cả, đó là mệnh lệnh!" - vị thuyền trưởng nói. Bữa rượu đó, cá dũa bóp dấm cùng rau muống chẻ nhỏ, rau sống cuốn với bánh đa nem chấm xì dầu mù tạt chắc chắn sẽ mãi không bao giờ quên trong đời làm báo của tôi. Một chén rượu nhỏ, tôi uống với từng người. Uống nhiều mà không biết say. Lắc mạnh vai tôi, Dũng nói: "Tối ni hẹn câu mực của anh em mình đã không thực hiện được rồi!". Ôm chặt Dũng thực lòng tôi không muốn rời tàu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày thứ tư: “Mạch ngầm” thân thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.