Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày Tết ông Công, ông Táo: Vấn nạn đốt vàng mã đã giảm

Minh Ngọc| 24/01/2014 06:07

(HNM) - Hôm qua, 23 tháng Chạp năm Quý Tỵ (23-1-2014), các gia đình cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây là phong tục đẹp, thể hiện mong ước của người dân về một năm mới với nhiều may mắn, hạnh phúc.



Một phần do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, một phần do công tác tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn minh trong các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng nói chung, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói riêng được đẩy mạnh, ngày Tết ông Công, ông Táo năm nay, tình trạng xả rác, đốt vàng mã đã giảm.

Cúng ông Công, ông Táo là nét đẹp văn hóa của người Việt. Ảnh: Anh Tuấn


Trái với tình trạng "cháy" đồ lễ trong những năm trước, thị trường ngày Tết ông Công, ông Táo năm nay tuy sôi động hơn nhưng vẫn có nhiều mặt hàng ế ẩm dù giá cả không tăng. Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, đến trưa ngày 23 tháng Chạp, nhiều cửa hàng bán đồ mã trên phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can (Hoàn Kiếm), chợ Cầu Mới (Thanh Xuân), chợ Cầu Giấy, chợ Hà Đông… vẫn phong phú các mặt hàng thiết yếu cho lễ cúng Táo quân như mũ, áo, hia, vàng thoi, cá chép vàng... Một số người kinh doanh trên phố Hàng Mã cho biết, những mặt hàng "thời thượng" như nhà lầu, xe hơi, máy bay trực thăng… năm nay vẫn có nhưng không nhiều, người mua đồ mã ít hơn và hàng bình dân chiếm đa số. Giá cả các mặt hàng cơ bản không tăng, giá mỗi bộ mũ ông Công ông Táo loại nhỏ khoảng 30 - 50 nghìn đồng/bộ, loại lớn khoảng 80-90 nghìn đồng/bộ, cá giấy từ 15 đến 30 nghìn đồng/bộ… Cá chép vàng thật bày bán ở các chợ dao động từ 5 đến 20 nghìn đồng/con (tùy kích cỡ).

Tại nơi sản xuất vàng mã lớn bậc nhất Hà Nội, thôn Vân Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín trước ngày rằm tháng Chạp, chúng tôi được những người dân ở đây cho biết, lượng hàng mã sản xuất ra không bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Một số cơ sở sản xuất nhỏ phải cho người lao động nghỉ việc. Sức mua hàng mã giảm nên hình ảnh người dân hóa đồ mã chất ngất trên vỉa hè cũng giảm đáng kể, thay vào đó là những am hóa vàng nhỏ đặt trước cửa các gia đình. Chị Nguyễn Thu Hằng, trú tại phố Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm) nói: "Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân dần dần hiểu được việc hóa mã thật to, thật nhiều không phải là cách thể hiện tấm lòng thành kính với thần linh, với tổ tiên, những người đã khuất, nên năm nay chúng tôi chỉ sắm những đồ mã truyền thống, vừa tiết kiệm chi tiêu, vừa giữ được bản sắc văn hóa".

Sau lễ cúng ông Công, ông Táo và hóa mã, người dân thường thả cá chép, thả tro xuống sông, ao, hồ. Để hạn chế tình trạng người dân thả cá, thả tro "tiện tay" thả luôn túi nilon và đồ khó phân hủy ra môi trường, nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân đã được các ngành, đoàn thể áp dụng. Trong ngày 22 và 23 tháng Chạp, hàng chục đoàn viên, thanh niên tình nguyện quận Hà Đông thay phiên nhau đứng ở các cây cầu bắc qua sông Nhuệ, các ao, hồ trên địa bàn để nhắc nhở người dân vứt túi nilon vào thùng rác. Với người già, thanh niên tình nguyện giúp họ thả cá xuống sông, rồi thả rác vào thùng. Tương tự, CLB "Thắp lửa trái tim" gồm 120 sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô thực hiện chiến dịch tuyên truyền "Thả cá đừng thả túi nilon" ở nhiều địa điểm. Hệ thống đài truyền thanh các xã, phường liên tục phát tin, bài nói về ý nghĩa của ngày Tết ông Công, ông Táo; đồng thời kêu gọi người dân không xả rác, vứt túi nilon xuống ao hồ, sông ngòi… Nhờ đó, mặt nước sông Hồng gần cầu Long Biên, mặt nước sông Nhuệ gần cầu Đen, cầu Trắng, cầu Diễn, mặt hồ Văn Quán, hồ Thành Công… không bị che kín bởi rác trong ngày Tết ông Công, ông Táo như những năm trước. Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn có thói quen đổ tro hóa đồ mã, hóa chân hương xuống nước khiến nhiều ao hồ, sông ngòi bị ô nhiễm, ngập chìm trong rác thải. Nói về tình trạng này, ông Vũ Chí Cương, thanh tra môi trường quận Hà Đông chia sẻ: "Quan niệm đổ tro hóa, bát hương xuống nước cho các cụ được… mát mẻ đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên rất khó thay đổi trong một vài năm. Vì thế, trước mắt chúng tôi chỉ có thể tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nhắc nhở người dân không vứt túi nilon và các vật dụng khó phân hủy xuống nước".

Trong ngày Tết ông Công, ông Táo, ở nhiều nơi vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp, nhưng rõ ràng sự lãng phí tiền của do đốt nhiều đồ mã đã từng bước được khắc phục. Tình trạng vứt rác ra môi trường từng vẫn diễn ra dù không nhiều như những năm trước cho thấy công tác tuyên truyền cần được triển khai đồng bộ để góp phần gìn giữ, hình thành nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Tết ông Công, ông Táo: Vấn nạn đốt vàng mã đã giảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.