Hùng tráng “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Nhóm phóng viên•06/10/2024 06:17
Sáng nay (6-10), chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), kỷ niệm 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Hà Nội.
Chương trình do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tại khu vực Tượng đài vua Lý Thái Tổ và các sân khấu phụ tại Vườn hoa đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam, ngã tư Lê Thái Tổ - Bà Triệu - Tràng Thi - Hàng Khay với khoảng 10.000 người tham gia. Trong đó, có khoảng 700 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế; 9.000 người tham gia diễu hành và trình diễn - gồm nghệ nhân và nhân dân của 30 quận, huyện, thị xã; các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế.
Kết thúc chương trình diễu hành là phần trình diễn của 150 học sinh Thủ đô ca khúc “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” và phần trình diễn của ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc, Đông Hùng cùng 270 học sinh Thủ đô, diễn viên ca khúc “Xin chào Hà Nội của tương lai”.
Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” khép lại với những hình ảnh tuyệt đẹp tôn vinh văn hóa, di sản Hà Nội cùng tinh thần đoàn kết của nhân dân Thủ đô, bạn bè quốc tế để lan tỏa thông điệp vì hòa bình.
một tháng trướcDiễu hành, trình diễn của các tổ chức chính trị, xã hội
Chương trình tiếp nối với màn diễu hành, trình diễn của các tổ chức chính trị, xã hội đại diện cho các tầng lớp nhân dân.
Trong những thành tựu của Thủ đô những năm qua, luôn có sự đóng góp to lớn và rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc thành phố và các tổ chức thành viên. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo được đúc kết, nhân rộng, đó là những đóng góp rất quan trọng trong kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Mở đầu là khối diễu hành và biểu diễn bài thể dục liên hoàn của Hội Người cao tuổi Thủ đô.
Với phương châm “Tuổi cao - Gương sáng - Đoàn kết - Sáng tạo - Phát triển”, người cao tuổi Thủ đô đã phát huy vai trò nòng cốt, uy tín, kinh nghiệm của người cao tuổi trong xây dựng Đảng, chính quyền cũng như trong các phong trào thi đua ngày càng thực chất, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Tiếp đó là màn trình diễn của khối diễu hành Hội Phụ nữ Thủ đô.
Phụ nữ Hà Nội hôm nay ngày càng khẳng định vị thế vững chắc và có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Phụ nữ Hà Nội không chỉ làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ, người tổ chức, chăm lo cuộc sống, giữ lửa trong gia đình, bảo đảm sự yên ấm của từng tế bào xã hội, mà còn có mặt trong mọi ngành nghề lao động sản xuất, kinh doanh, trong nghiên cứu khoa học, thể thao, văn hóa nghệ thuật, giáo dục, y tế...
Ngay sau đó là khối diễu hành, biểu dương lực lượng của Hội Cựu chiến binh Thủ đô.
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống cựu chiến binh Việt Nam “Trung thành - đoàn kết - gương mẫu - đổi mới”, Cựu chiến binh Thủ đô luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đi đầu, tham gia công tác xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, thực hiện tốt các cuộc vận động và các phong trào của Trung ương và thành phố.
Tiếp đó là khối diễu hành và biểu dương lực lượng của lực lượng công nhân, viên chức, người lao động Thủ đô.
Công đoàn thành phố đã xây dựng được trong Lực lượng công nhân, viên chức, người lao động mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, thực chất với nhiều sáng tạo, trưởng thành vượt bậc trong chuyên môn và hoạt động, có nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả, nhất là phát huy vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Ngay sau đó là phần diễu hành của lực lượng nông dân Thủ đô.
Trong sự phát triển toàn diện của Thủ đô, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định an ninh, chính trị; có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.
Phần trình diễn của lực lượng thanh niên Thủ đô cùng ca khúc: Hát vang lý tưởng tuổi trẻ.
Phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, với nhận thức và thái độ chính trị đúng đắn, lối sống lành mạnh, lòng nhân ái, ý thức trách nhiệm, tri thức và trình độ, thanh niên Thủ đô đang phát huy vai trò xung kích, tình nguyện với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần quan trọng trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Phần trình diễn của khối diễu hành và trình diễn của lực lượng vận động viên Thủ đô.
Từ nhiều năm nay, thể thao Hà Nội liên tục có những lớp vận động viên tài năng, đóng góp vào việc khẳng định vị thế hàng đầu cả nước của thể thao Hà Nội. Vận động viên các thế hệ của Hà Nội trong màu áo đội tuyển quốc gia đã và đang tiếp tục ghi danh vào bảng vàng, thi đấu giành nhiều thành tích tại các sân chơi thế giới, đóng góp vào thành tích chung của thể thao Việt Nam.
Phần diễu hành còn có sự tham gia của các bạn bè quốc tế.
Là trung tâm giao lưu quốc tế, lượng du khách tham quan Hà Nội luôn tăng cao. “Hữu xạ tự nhiên hương” - chính môi trường hòa bình, ổn định chính trị, người dân thân thiện mến khách nên ngày càng nhiều người nước ngoài chọn sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá: Hà Nội còn rất nhiều dư địa phát triển. Từ “Thành phố vì hòa bình” đến “Thành phố sáng tạo” không chỉ đơn thuần là có thêm danh hiệu để tự hào mà còn là động lực để Thủ đô quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến sự phát triển bền vững.
một tháng trướcHà Nội, thành phố Vì hòa bình - thành phố Sáng tạo
Ca khúc “Bài ca Hồ Chí Minh” do các ca sĩ Đông Hùng, Hoàng Hồng Ngọc, Rapper Ram C và hợp xướng nam biểu diễn mở đầu Chương 3 với tên gọi “Hà Nội, thành phố Vì hòa bình - thành phố Sáng tạo”. Tiếp theo là phần nghi thức trống đội do 124 thiếu nhi Thủ đô trình diễn.
một tháng trướcDiễu hành của các làng hoa đã trở thành "thương hiệu" của Hà Nội
Hà Nội nổi tiếng là đất trồng hoa. Các làng hoa đã trở thành thương hiệu của Hà Nội như Mê Linh, Tây Tựu, Tây Hồ….
Huyện Mê Linh nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hà Nội hiện có nhiều làng nghề trồng hoa, cây cảnh được thành phố công nhận là làng nghề trồng hoa như: Thôn Liễu Trì, thôn Hạ Lôi, thôn Đại Bái... Đây là một trong những vùng trồng hoa lớn nhất của Hà Nội, cũng là điểm tham quan trải nghiệm, chụp hình của giới trẻ.
Làng hoa Tây Tựu là một trong những nơi trồng hoa lâu năm và cung cấp hoa tươi chủ yếu cho nội thành Hà Nội. Với lịch sử lâu năm làm nghề, làng hoa Tây Tựu đã vinh dự đón nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”.
Quận Tây Hồ là nơi tụ họp của nhiều làng hoa. Những làng hoa cảnh, cây cảnh bao quanh Hồ Tây như những viên ngọc quý trang trí cho mặt gương khổng lồ, tiêu biểu như: Làng hoa Nghi Tàm, Làng hoa Tứ Liên, Làng đào Nhật Tân, Làng hoa Quảng Bá, Làng đào Phú Thượng.
Hình ảnh rực rỡ của các làng hoa Hà Nội đã khép lại chương 2 “Hà Nội - Dòng chảy di sản”. Hình ảnh này chính là thông điệp về sự kết nối giữa di sản của dân tộc và dòng chảy của nhịp sống đương đại, giữa nét đẹp truyền thống và sự năng động, thanh lịch của người Hà Nội hôm nay và mai sau.
một tháng trướcTái hiện Lễ ăn hỏi Hà Nội xưa
Tiếp theo là màn tái hiện Lễ ăn hỏi Hà Nội xưa. Với bề dày lịch sử, Lễ ăn hỏi xưa đã tạo nên truyền thống, văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Hà Nội hào hoa xưa và nay vốn là đất Kẻ Chợ, hội tụ tinh hoa văn hóa xứ Bắc. Lễ ăn hỏi Hà Nội phản ánh bối cảnh xã hội đương thời, thể hiện chân dung người Hà thành trong đời sống vật chất, góp phần làm nên tập tục giá trị của Hà Nội văn minh, thanh lịch.
Đặc trưng của lễ là: Nghi lễ trang trọng, sính lễ mang đậm giá trị truyền thống tượng trưng cho sự kính trọng và gắn kết gia đình, đoàn rước lễ bằng xích lô với trang phục và phong thái cầu kì, cùng với những cử chỉ tinh túy trong ứng xử và giao tiếp, tạo nên sự gắn kết cộng đồng sâu sắc. Lễ ăn hỏi xưa ở Hà Nội với sự trang trọng, tỉ mỉ trong từng nghi thức, cùng với các giá trị văn hóa và tinh thần mà nó mang lại, đã góp phần làm nên bản sắc của một Hà Nội văn minh, thanh lịch, lưu giữ và truyền thụ qua nhiều thế hệ.
một tháng trướcPhong phú ẩm thực Hà Nội
Trong kho tàng di sản văn hóa - ẩm thực Hà thành không chỉ gắn với phong tục, tập quán, lễ hội từng làng, từng vùng, mà còn thể hiện lối sống, nết ăn, nết ở thanh lịch, hào hoa của người dân Thăng Long - Hà Nội. Góp vào bản đồ ẩm thực sinh động và phong phú của Thủ đô nghìn năm văn hiến, trong những không gian làng cổ, nơi bao thế hệ luôn biết trân trọng lưu giữ hương xưa, vị cũ, như gìn giữ một phần hồn cốt của đất Kinh kỳ.
Các làng nghề tiêu biểu nổi bật với các món ăn ngon nổi tiếng như: Làng nghề giò chả Ước Lễ - huyện Thanh Oai; Làng nghề bánh dày Quán Gánh - huyện Thường Tín; Làng nghề bánh cuốn Thanh Trì - quận Hoàng Mai; Làng nghề bún Phú Đô - quận Nam Từ Liêm; Làng nghề chè kho, chè lam Đại Đồng - huyện Thạch Thất; Làng nghề bún Mạch Tràng - huyện Đông Anh; Làng nghề miến So - huyện Quốc Oai; Làng nghề Cốm Vòng - quận Cầu Giấy; Làng nghề cốm Mễ Trì - quận Nam Từ Liêm; Làng nghề xôi Phú Thượng, các sản phẩm sen Tây Hồ - quận Tây Hồ...
một tháng trướcTôn vinh nét đẹp làng nghề Hà Nội
Sau phần diễu hành và trình diễn diễn xướng dân gian là phần diễu hành khối làng nghề. Các đại biểu, người dân và du khách được xem phần trình diễn của các làng nghề: Làng nghề tranh dân gian Hàng Trống, tranh dân gian Kim Hoàng, làng thêu Quất Động, làng thêu Đông Cứu, làng gốm Bát Tràng, làng mây tre đan Phú Vinh, làng nghề sơn mài Hạ Thái, nghề tò he Xuân La, làng nghề quạt Chàng Sơn, làng nghề đan cỏ tế Lưu Thượng, làng nghề khảm trai thôn Ngọ, làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng, làng nghề điêu khắc Nhân Hiền...
Ở nhóm làng nghề dệt, người dân và du khách hiểu hơn nét đẹp làng nghề Hà Nội qua các làng nghề: Làng nghề dệt Phùng Xá, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, làng nghề may Từ Thuận, làng nghề may áo dài Trạch Xá.
Nhóm làng nghề mộc giới thiệu nét đẹp các làng nghề: Làng nghề mộc xây dựng Dị Nậu, làng nghề mộc Vạn Điểm, làng nghề truyền thống thôn Đại Nghiệp, làng nghề truyền thống, làng nghề giày da thôn Giẽ Hạ...
Công chúng cũng được tìm hiểu các làng nghề hoa, làm thuốc của Hà Nội như: Làng nghề truyền thống thuốc Nam dân tộc dao Yên Sơn, làng nghề sinh vật cảnh thôn Xâm Xuyên, làng nghề hoa đào Nhật Tân, làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu, làng hoa cây cảnh Tích Giang...
Ngoài ra, công chúng còn được xem phần biểu diễn của các làng nghề thủ công là: Làng nghề chuồn chuồn tre, làng nghề nón thôn Mã Kiều, làng nghề diều Bá Dương Nội...
một tháng trướcTrình diễn ca trù, xẩm, kéo co ngồi và điệu múa cổ
Ca trù Hà Nội không chỉ là di sản văn hóa mà còn là niềm tự hào của người dân Thủ đô, đại diện cho sự thanh lịch và tinh tế trong nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, với các giáo phường danh tiếng như: Giáo phường ca trù Thăng Long - quận Hoàn Kiếm; giáo phường ca trù Bích Câu Đạo Quán; giáo phường ca trù Lỗ Khê; giáo phường ca trù Thái Hà - quận Tây Hồ; giáo phường ca trù Chanh Thôn; giáo phường ca Trù thôn Đồng Trữ - huyện Chương Mỹ; giáo phường ca trù Ngãi Cầu - An Khánh - huyện Hoài Đức; giáo phường ca trù Thăng Long (Trúc Mai) quận Ba Đình.
Nối tiếp là phần diễu hành, giới thiệu nghệ thuật trình diễn dân gian múa cổ “Giảo long”, múa bồng, nghệ thuật “Chèo tàu tổng gối”; trình diễn và giới thiệu nghệ thuật múa rối, hát xẩm; giới thiệu di sản Nghi thức và trò chơi kéo co được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; giới thiệu và trình diễn chiêng Mường...
một tháng trướcVăn Miếu - Quốc Tử Giám và các làng khoa bảng: Biểu tượng của “nguyên khí quốc gia”
Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm trong hệ thống các di tích lịch sử của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn phát triển kể từ khi thành lập kinh đô Thăng Long dưới triều Lý. Đây là quần thể di tích đặc biệt của Thủ đô, nơi hội tụ của giá trị di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, lịch sử và nghệ thuật, khoa học và giáo dục, thông tin tư liệu ký ức, niềm tự hào của người dân Thủ đô và dân tộc Việt Nam trong truyền thống nghìn năm văn hiến của Việt Nam.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, biểu tượng của “nguyên khí quốc gia”, nơi đào tạo sĩ tử, tôn vinh nhân tài.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2010, UNESCO công nhận 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản Tư liệu Thế giới trên phạm vi toàn cầu.
Tiếp nối sau phần vinh danh di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám là phần diễu hành của các làng khoa bảng tiêu biểu của Thủ đô.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước từ buổi đầu thời phong kiến tự chủ, vùng đất của Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn giữ vị trí rất trọng yếu trên tất cả các mặt, đặc biệt đối với giáo dục khoa cử, Thăng Long - Hà Nội luôn đóng vai trò trung tâm. Những làng khoa bảng nơi đây chính là minh chứng sinh động cho điều ấy. Truyền thống hiếu học, trọng học đáng quý đã được tiếp nối đến tận hôm nay, để Thủ đô vẫn luôn là nơi tụ khí anh tài, tập hợp nhân sĩ, trí thức lớn nhất của đất nước.
Các làng khoa bảng tiêu biểu của Thủ đô gồm: Làng Hạ Yên Quyết và làng Thượng Yên Quyết (quận Cầu Giấy), làng Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), làng Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), làng Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), làng Nguyệt Áng (huyện Thanh Trì), làng Phú Thị và Làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng Hà Lỗ và làng Vân Điềm (huyện Đông Anh). Đây là những nơi được mệnh danh là "đất học" của Thăng Long - Hà Nội. Làng khoa bảng tiêu biểu không chỉ góp phần xây dựng nền tảng giáo dục, mà còn làm rạng danh cho Thủ đô qua nhiều thế hệ với tinh thần hiếu học, gắn liền với câu nói "hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
một tháng trướcGiới thiệu tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử, Hai Bà Trưng, Thăng Long tứ trấn và thờ Mẫu
Các màn trình diễn giới thiệu về tín ngưỡng thờ cúng của Thăng Long - Hà Nội.
Đức Thánh Chử Đồng Tử là một trong bốn vị Thánh trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng văn hóa truyền thống làng Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) là quê hương của Chử Đồng Tử.
Lễ hội Chử Đồng Tử mang giá trị văn hóa sâu sắc, là bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng nghìn năm trước…
Tại Lễ hội làng Chử Xá, huyện Gia Lâm diễn ra các hoạt động sôi nổi, đặc biệt là điệu múa cổ truyền được lưu giữ từ nghìn đời nay: Lễ Chữ (Múa chữ): Thiên - Hạ - Thái - Bình có ý nghĩa để tạ ơn Đức thánh Chử Đồng Tử, đồng thời gửi gắm nguyện vọng của nhân dân mong cho thiên hạ thái bình, nhân dân được yên bình, ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc. Thực hiện nghi lễ chữ gồm 22 thiếu niên nam giới dưới 18 tuổi được lựa chọn từ những gia đình có nền nếp, gia phong, có giáo dục đạo đức tốt và một ông ký chỉ. Tất cả sự chuyển động của 22 trai làng làm chân “con chữ” nhất nhất đều theo sự điều khiển của người đánh trống. Lễ hội làng Chử Xá được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, cũng là lễ hội đặc sắc. Những địa danh như: Khu Giá ngự, Bãi tắm nàng Tiên, đình cổ cùng với các hoạt động diễn ra trong lễ hội đề cao đạo đức, luân lý, tình yêu nam nữ, tình cảm vợ chồng, tình thân giữa cha mẹ và con cái, và tinh thần quật khởi trong dựng nước và giữ nước.
Sau màn trình diễn giới thiệu về tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử là màn giới thiệu về tín ngưỡng “Thờ Hai Bà Trưng”. Tín ngưỡng thờ Hai Bà Trưng - Trưng Trắc và Trưng Nhị - hai vị nữ anh hùng dân tộc đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của nhà Đông Hán vào năm 40 - 43 (sau Công nguyên), giành lại nền độc lập, tự chủ dân tộc - gắn với di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh; đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ và hai địa điểm tại quận Hai Bà Trưng là Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng, phường Đồng Nhân và Miếu thờ Hai Bà Trưng, phường Bạch Đằng.
Tiếp đó là màn diễu hành giới thiệu truyền thống thờ phụng “Thăng Long tứ trấn”. Trong chiếu dời đô, Đức vua Lý Thái Tổ nhận thấy thành Đại La -Thăng Long là “nơi ở vào trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam - Bắc - Đông - Tây, tiện nghi núi sông sau trước”. Địa thế nơi đây ắt sẽ mang lại thái bình và thịnh vượng, phải được bảo vệ một cách linh thiêng.
Kể từ năm 1.010 đến nay, truyền thống thờ phụng “Thăng Long tứ trấn” đã là một phần của tín ngưỡng dân gian. Đây là bốn ngôi đền thiêng thờ cúng bốn vị thần trấn giữ bốn phương Đông - Nam - Tây - Bắc của thành Thăng Long xưa. Đó là: Đền Bạch Mã (tọa lạc tại quận Hoàn Kiếm) thờ thần Long Đỗ; đền Voi Phục (quận Ba Đình) thờ thần Linh Lang Đại Vương; đình Kim Liên (quận Đống Đa) thờ thượng thần Cao Sơn Đại Vương và đền Quán Thánh (quận Ba Đình) thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Năm 2022, “Thăng Long tứ trấn” đã được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.
Tiếp đó là màn giới thiệu tín ngưỡng “Thờ mẫu Việt Nam”. Tín ngưỡng thờ Mẫu, cùng nghi lễ và lễ hội, với những diễn xướng vô cùng độc đáo, Đạo Mẫu thực sự là một bảo tàng sống của văn hóa truyền thống, được lưu truyền đến ngày nay.
Năm 2016, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 1.000 ngôi đền thờ mẫu, tiêu biểu là di tích Phủ Tây Hồ - quận Tây Hồ; đền Bà Kiệu - quận Hoàn Kiếm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia.
Nghệ thuật hát chầu văn (hát văn) là loại hình nghệ thuật gắn với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng tinh hoa văn hóa dân gian, phong phú về điệu thức, có sức truyền cảm, lôi cuốn. Lời hát văn ca ngợi công đức của các bậc nhân thánh, nhân thần và khuyến thiện trừ ác.
một tháng trướcĐặc sắc các di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội
Chương trình tiếp nối với màn trình diễn giới thiệu về tín ngưỡng thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương.
Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc gắn với truyền thuyết về một cậu bé được mẹ sinh ra ở làng Phù Đổng. Khôi ngô, tuấn tú nhưng lên 3 vẫn chưa biết nói, biết cười. Vậy mà khi nghe thấy lời kêu gọi của nhà Vua, tìm người tài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Gióng bỗng lớn nhanh như thổi, xin ra trận cứu nước, cứu dân. Sau khi dẹp tan quân giặc, Gióng về lại núi Sóc rồi cưỡi ngựa bay lên trời thành vị thánh bất tử.
Năm 2010, UNESCO đã chính thức công nhận hội Gióng ở đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm, huyện Sóc Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Màn trình diễn múa Ải Lao - quận Long Biên cũng đem đến cho người xem những cảm nhận vô cùng mới mẻ.
Hát múa Ải Lao làng Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên gắn liền với hội Gióng làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm.
Theo truyền thuyết dân gian, Thánh Gióng đi đánh giặc qua dòng sông Thiên Đức, ngài rủ lũ trẻ chăn trâu, người câu cá cùng đi; ông Hoàng Hổ cũng xin theo đánh giặc.
Điệu múa Ải Lao gồm hai điệu chính là múa hành lễ và múa nghi lễ. Điểm độc đáo của hát múa Ải Lao là ở nguyên tắc đổi vế trật tự câu thơ, láy từ, thêm các hư từ thành câu hát thể hiện giá trị nghệ thuật tạo nhịp điệu trong cách hát của người Việt. Năm 2016, Hát múa Ải Lao đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Màn trình diễn “Điệu múa Ải Lao” do 30 đại biểu nhân dân phường Phúc Lợi, quận Long Biên thể hiện.
Ngay sau “Điệu múa Ải Lao” là màn trình diễn tái hiện Hội Gióng ở làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm.
Hội Gióng là Hội trận độc đáo vô nhị, lễ hội lớn nhất của Đồng bằng Bắc Bộ, được trình diễn bằng hệ thống biểu tượng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được cộng đồng bảo tồn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Điểm nổi bật của Hội Gióng Phù Đổng là các vai ông Hiệu (Hiệu cờ, Hiệu trống, Hiệu trung quân, Hiệu tiểu cổ), vai cô Tướng hay các phường áo đen, phường áo đỏ. Ngày chính hội mùng 9 tháng 4, Hội Gióng diễn ra trang trọng linh thiêng và náo nhiệt nhất là hai trận đánh. Trận thứ nhất đánh cờ ở Đống Đàm, trận thứ hai đánh cờ ở Soi Bia.
một tháng trướcTự hào kho tàng di sản đồ sộ của hơn 1.000 năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội
Chương trình tiếp nối với Chương 2: Hà Nội, dòng chảy di sản
Sau khi xem phim giới thiệu về các di sản văn hóa Hà Nội được UNESCO và Quốc gia vinh danh, các đại biểu và quần chúng nhân dân đã được thưởng thức các nét văn hoá đặc sắc nhất của Thăng Long - Hà Nội.
Mở đầu là màn trình diễn Trống hội Thăng Long đến từ những người dân huyện Thanh Trì; Múa Cờ - nghiềm quân Hội Quán Giá, Yên Sở đến từ huyện Hoài Đức; Múa rồng lân đến từ huyện Thanh Oai.
Tiếp đó, là màn trình diễn giới thiệu tục thờ, lễ hội Tản viên Sơn Thánh. Dân gian có câu: “Nhất cao là núi Ba Vì, thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. Tản Viên Sơn Thánh là vị thần núi Ba Vì – ngọn núi thiêng sừng sững giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tản Viên Sơn Thánh được tôn kính là vị đệ nhất phúc thần của nước Việt, đứng đầu trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh ở huyện Ba vì, lễ hội đình Tường Phiêu ở huyện Phúc Thọ, Lễ hội đền Và ở thị xã Sơn Tây, nghệ thuật hát Dô ở huyện Quốc Oai được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đang được người dân gìn giữ và phát huy.
một tháng trướcGiáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc
Chị Mai Thị Liên (35 tuổi ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Ông ngoại tôi là chiến sĩ Điện Biên Trần Văn Bạo - người trong đoàn quân trở về tiếp quản, giải phóng Thủ đô cách đây 70 năm. Chính vì vậy, tôi rất vinh dự và tự hào khi được chứng kiến những thời khắc lịch sử vẻ vang ấy được tái hiện rõ nét trong chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô hôm nay. Đặc biệt, màn thực cảnh tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng” đã mang tới những cảm xúc hùng tráng, đầy thiêng liêng về thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, khi Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng ngày 10-10-1954. Đó là khoảnh khắc không thể nào quên, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” không chỉ là bữa tiệc văn hóa mang lại cảm xúc sâu lắng cho khán giả, khẳng định những nỗ lực không ngừng của thành phố trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Hôm nay, tôi đã đưa hai con trai đi cùng để các con thêm tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghìn năm văn hiến".
một tháng trướcXúc động và tự hào khi được chứng kiến các mốc son lịch sử suốt chiều dài của Thủ đô
Chia sẻ tại Ngày hội, bà Đặng Thị Hợi (78 tuổi, ở phố Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, Hà Nội) cho biết: “Tuy không sinh ra tại Hà Nội nhưng tôi đã gắn bó với nơi đây từ năm 1971. Từ thời điểm đó đến nay, nét văn hóa thanh lịch của người Tràng An trong giao tiếp, ứng xử, các phong tục, tập quán, văn hóa ẩm thực… luôn chảy trong tôi.
Hôm nay, giữa không khí của mùa thu, tôi thực sự xúc động và tự hào khi được chứng kiến các mốc son lịch sử suốt chiều dài của Thủ đô lần lượt được tái hiện qua “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”. Đây là một chương trình nghệ thuật hùng tráng, sinh động, giàu cảm xúc. Những ca khúc đã in đậm sâu trong trái tim hàng triệu người dân như: Truyền thuyết Hồ Gươm, Người Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hy vọng… như một dòng chảy thấm đượm tình yêu, niềm tự hào về Thủ đô và đất nước. Chương trình cũng thể hiện niềm tin vào trí tuệ, sự sáng tạo, bản lĩnh của người Việt qua từng thời kỳ lịch sử cũng như đưa đất nước vượt qua bao khó khăn”.
một tháng trướcThực cảnh Đại đoàn quân chiến thắng trở về
Màn biểu diễn kết hợp diễu hành tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng” với sự tham gia biểu diễn dàn kèn Quân nhạc Bộ Công an trình diễn “Khải hoàn ca” chào đón Đoàn quân trở về Giải phóng Thủ đô”.
Người dân và du khách được xem biểu diễn liên khúc “Tiến về Hà Nội - Sẽ về Thủ đô”, “Ngày về chiến thắng” do đoàn quân nhạc Bộ Công an biểu diễn”, ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” do ca sĩ Trọng Tấn thể hiện.
Màn thực cảnh tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng” đã mang tới những cảm xúc hùng tráng, đầy thiêng liêng về thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, khi Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng - ngày 10-10-1954. Đó là khoảnh khắc không thể nào quên, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
một tháng trướcHà Nội - Ngày về chiến thắng
Sau phần lễ, các đại biểu, người dân được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật, diễu hành.
Chương 1 mang tên: Hà Nội - Ngày về chiến thắng
Mở đầu chương này, đại biểu và người dân đã xem trình chiếu phóng sự tư liệu lịch sử thời khắc Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn quân tiên phong vào tiếp quản thủ đô năm 1954.
một tháng trướcBà Pauline Tamesis: Hà Nội luôn thể hiện tinh thần kiên cường và tái sinh
Phát biểu tại sự kiện, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam bày tỏ niềm vinh dự được thay mặt cho Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cùng các đại biểu dự sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hà Nội và kỷ niệm 25 năm Ngày được UNESCO công nhận là “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”.
Bà Pauline Tamesis khẳng định, Hà Nội, với hơn 1.000 năm văn hóa và lịch sử, luôn thể hiện tinh thần kiên cường và tái sinh. Sau ngày giải phóng lịch sử, lãnh đạo và người dân Thủ đô đã hồi sinh, xây dựng nên một thành phố tràn đầy sự đổi mới, hòa nhập và thịnh vượng. Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng năm 1999 và việc UNESCO công nhận thành phố là Thành phố sáng tạo vào năm 2019 nhấn mạnh nỗ lực của thành phố trong việc tái tạo chính mình qua từng năm.
"Liên hợp quốc luôn duy trì mối quan hệ đối tác lâu dài và hiệu quả với Thủ đô (Hà Nội), và chúng tôi đã đồng hành cùng thành phố trong quá trình chuyển mình ngoạn mục, đặc biệt là kể từ khi Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo đầu tiên tại Việt Nam. Thành phố đã nỗ lực chung tay bảo tồn cả di sản vật thể và phi vật thể, qua đó nêu bật sự giao thoa giữa lịch sử của Hà Nội với những yếu tố hiện đại và đổi mới sáng tạo. Quyết tâm cao của chính quyền thành phố Hà Nội trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công - tư để phát triển nền công nghiệp văn hóa sáng tạo lấy giới trẻ làm nòng cốt. Có thể thấy, thành phố Hà Nội đã xác định rõ văn hóa là một động lực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng", bà Pauline Tamesis nói.
Theo bà Pauline Tamesis, thành phố Hà Nội đã và đang huy động được nguồn lực mạnh mẽ từ thế hệ trẻ tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố đáng sống hơn cho mọi người dân. Lễ kỷ niệm và Lễ hội văn hóa vì hòa bình diễn ra hôm nay là minh chứng điển hình về sự thành công của Hà Nội trong nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô văn hóa và sáng tạo của Việt Nam.
Bà Pauline Tamesis khẳng định, Liên hợp quốc tại Việt Nam nói chung và UNESCO nói riêng, rất vinh dự được hợp tác với Hà Nội để triển khai nhiều dự án và sáng kiến kể từ khi văn phòng UNESCO chính thức được thành lập tại thành phố cách đây 25 năm. Nhờ sự tin tưởng và nỗ lực không ngừng nghỉ, quan hệ hợp tác đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thành phố.
một tháng trướcTôn vinh giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội
Tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng ban Tổ chức Ngày hội văn hóa vì hòa bình nhấn mạnh, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024) và kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, hôm nay, trước Tượng đài Đức vua Lý Thái Tổ, không gian lịch sử văn hóa hồ Gươm, địa danh linh thiêng, trái tim của Thủ đô Hà Nội, nơi ghi dấu truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc đã trả gươm thần cho Rùa vàng, như một thông điệp giã từ chiến tranh và khát vọng hòa bình, thành phố Hà Nội long trọng tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”.
Cách đây 1014 năm, vào mùa thu năm 1010, tiếp nối sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng, các bậc tiên liệt, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn với tầm nhìn chiến lược, đã quyết định dời Đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của nước Đại Việt. Từ mốc son lịch sử đó đến thời đại Hồ Chí Minh, trải qua hơn một thiên niên kỷ, với bao biến cố thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội vẫn trường tồn cùng tuế nguyệt, vững vàng, khí phách hiên ngang, xứng đáng là trái tim của nước Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc.
Trải qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, cùng công cuộc kiến thiết và bảo vệ nền hòa bình, độc lập, tự do của nước nhà, Hà Nội đã được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế tôn vinh, phong tặng những danh hiệu cao quý như “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.
Nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ.
Đặc biệt, sự kiện này thực sự là Ngày hội của người dân Hà Nội vì được thực hiện bởi hàng nghìn quần chúng, nhân dân Thủ đô, cùng tham gia tái hiện những mốc son lịch sử của Thủ đô qua các thời kỳ; giới thiệu, trình diễn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội và các làng nghề tiêu biểu của Thủ đô...
Điểm nhấn ấn tượng là màn thực cảnh tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của Thủ đô và đất nước ngày 10-10-1954, khi đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô trong rợp trời cờ, hoa và niềm hân hoan chiến thắng, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, ác liệt với biết bao hy sinh, mất mát và tinh thần anh dũng, bất khuất của nhân dân ta trước một kẻ thù hùng mạnh, viết nên bản anh hùng ca trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta.
Bên cạnh đó, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” còn là dịp để tôn vinh nền văn hiến, bản sắc văn hóa vì hòa bình của Thủ đô Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: “Trong thời khắc lịch sử và linh thiêng này, chúng ta cùng thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với tổ tiên và các thế hệ tiền nhân đã có công khai sáng và dựng xây kinh thành Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay. Chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các nhà cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, các thế hệ nhân dân, lực lượng vũ trang Hà Nội và cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã đóng góp công sức và vật chất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô”.
một tháng trước
Tham dự ngày hội, về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025.
Đại biểu nước ngoài tham dự sự kiện có: Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam; ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine, Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam; các đại biểu quốc tế, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự ngày hội có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Tổ chức Ngày hội văn hóa vì hòa bình; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Trưởng ban Tổ chức Ngày hội văn hóa vì hòa bình; Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố.
Tham dự ngày hội còn có các đồng chí: Nguyên Thường trực Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố; lãnh đạo UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố; các hội đặc thù, các trường đại học, cao đẳng; lãnh đạo các quận, huyện, thị xã.
Dự ngày hội còn có đông đảo các tầng lớp nhân dân trên cả nước và Thủ đô Hà Nội.
một tháng trướcNghi thức chào cờ
Sau đại thực cảnh “Ký ức Hà Nội”, mở đầu chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”, các đồng chí lãnh đạo, đại biểu, người dân thực hiện nghi thức chào cờ trang trọng.
một tháng trướcChương trình mở đầu với đại thực cảnh “Ký ức Hà Nội”
Mở đầu chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” là đại thực cảnh “Ký ức Hà Nội” gồm 3 phân đoạn.
Ở phân đoạn 1 với chủ đề “Ký ức Hà Nội - Những ngày toàn quốc kháng chiến”, khán giả được nghe bản mashup 2 ca khúc “Truyền thuyết Hồ Gươm" và "Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi do các ca sĩ Đăng Dương và Phạm Thu Hà trình bày. Trong phần này, câu chuyện huyền sử về vua Lê Lợi trả gươm báu cho thần Kim Quy ở hồ Hoàn Kiếm thể hiện ước nguyện độc lập - tự do - hòa bình - thịnh vượng, được tái hiện một cách sinh động.
Phân đoạn 2 với chủ đề “Cảm xúc tháng Mười”, tái hiện khoảng thời gian 9 năm kháng chiến gian khổ đã kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ huy hoàng, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Chiến thắng ấy là minh chứng cho tinh thần độc lập và khát vọng tự do cháy bỏng của toàn dân tộc, để ngày 10-10-1954, người dân Hà Nội tràn ngập trong niềm hân hoan, hạnh phúc đón đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Trong phần này, khán giả được nghe ca khúc “Cảm xúc tháng Mười” (thơ Tạ Hữu Yên, nhạc Nguyễn Thành) do ca sĩ Vũ Thắng Lợi thể hiện.
Ở phân đoạn 3, “Khí phách Hà Nội” thể hiện khí chất, sự sáng tạo của của người Hà Nội trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô. Phần này, khán giả được lắng nghe ca khúc “Khí phách Hà Nội” do ca sĩ Tùng Dương trình diễn.
một tháng trướcCác đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố đến dự sự kiện
một tháng trướcCảm xúc thật khó diễn tả, vui mừng, hồi hộp, háo hức đan xen...
Em Nguyễn Thị Thơm, sinh viên năm thứ nhất - Trường Đại học Đại Nam có mặt tại hồ Hoàn Kiếm từ 4h30 sáng nay. Hôm nay, Thơm cùng các bạn tham gia phát nước, sữa.. cho mọi người tham dự sự kiện.
"Em rất vui khi nhận được sự phân công này. Cảm xúc của em vừa vui mừng, hồi hộp, háo hức đan xen… Qua thông tin trên các phương tiện truyền thông em được biết, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” là sự kiện trọng điểm trong chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Chương trình mang ý nghĩa sâu sắc, tôn vinh giá trị lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, tái hiện những thời khắc lịch sử của Hà Nội thông qua các tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Là thế hệ trẻ, em luôn cố gắng học tập và hoàn thiện mình mỗi ngày để hiện thực hóa những ước mơ, góp sức trẻ xây dựng đất nước", Thơm chia sẻ.
một tháng trướcPhấn khởi và tự hào khi được tham gia đoàn diễu hành
Bà Đỗ Thị Thanh Mai (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi và tự hào khi được tham gia đoàn diễu hành của phường Hàng Đào trong sự kiện “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”.
62 năm sinh sống trên mảnh đất Thủ đô, đây là lần đầu tiên tôi được có mặt trong một sự kiện lớn kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Cả đêm qua, tôi đã mất ngủ vì hồi hộp mong chờ đến sáng để được chứng kiến thời khắc vô cùng quan trọng của Thủ đô và đất nước. Sáng nay, tôi đã có mặt tại hồ Hoàn Kiếm từ rất sớm.
Không gian “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” ở khu vực hồ Hoàn Kiếm được trang trí rất đẹp và ấn tượng. Tôi cảm thấy thêm yêu Thủ đô, đất nước, tự hào về những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà các thế hệ người Hà Nội đang giữ gìn, phát huy. Chứng kiến những đổi thay của thành phố trong những năm qua, tôi mong muốn mỗi người dân sinh sống ở Hà Nội luôn nỗ lực hết mình vì một Thủ đô ngày một phát triển, vì một “thành phố vì hòa bình””.
một tháng trướcCác đoàn tham gia ngày hội chuẩn bị trước giờ khai mạc
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.