Công nghiệp văn hóa

“Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” - mốc son mới của Thành phố sáng tạo: Khi động lực sáng tạo chạm đến mỗi người dân

An Định 13/10/2024 - 06:23

Với sự tham gia của gần 10 nghìn người, quy mô biểu diễn hoành tráng, kết nối được quá khứ với hiện tại, “khoe” được vốn tinh hoa văn hóa nghìn năm, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” diễn ra cuối tuần qua đã tạo nên một mốc son trong việc tổ chức các sự kiện lễ hội tại Việt Nam.

Đây cũng là minh chứng sống động cho thấy sự chuyển mình nhanh chóng của Hà Nội - Thành phố sáng tạo trong hành trình từng bước xây dựng thành công công nghiệp văn hóa.

dai-thuc-canh.jpg
Với sự tham gia của khoảng 10 nghìn người, gồm cả diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp, khách quốc tế và người dân ở 30 quận, huyện, thị xã, "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" được đánh giá là chương trình đại thực cảnh lớn chưa từng có tại Việt Nam. Ảnh: Viết Thành

Đại thực cảnh quy mô chưa từng có

Quy mô choáng ngợp nhưng cũng rất tinh tế, kịch bản đầy cảm xúc, được kết nối bởi mạch nguồn lịch sử - văn hóa và tình yêu Hà Nội, đó là những gì người xem cảm nhận được từ các chương trình nghệ thuật diễn ra trong sự kiện “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” được tổ chức vào ngày 6-10 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Đây là sự kiện nổi bật trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình" của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức.

Với sự tham gia của khoảng 10 nghìn người, gồm cả diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp, khách quốc tế và người dân ở 30 quận, huyện, thị xã, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” được đánh giá là chương trình đại thực cảnh lớn chưa từng có tại Việt Nam. Trước đó, show diễn “Ký ức Hội An” được sách kỷ lục Guiness Việt Nam đánh giá là sân khấu thực cảnh lớn nhất Việt Nam có số lượng diễn viên tham gia đông đảo nhất Việt Nam cũng chỉ có quy mô gần 500 diễn viên.

Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” gồm 3 phần. Phần mở đầu là chương trình thực cảnh “Ký ức Hà Nội”, tái hiện lịch sử Thủ đô với 3 phân đoạn: “Ký ức Hà Nội - Những ngày toàn quốc kháng chiến”, “Cảm xúc tháng Mười”, “Khí phách Hà Nội”. Phần hai là lễ chào mừng, trong đó có nghi thức chào cờ, hát Quốc ca. Phần ba là điểm nhấn đặc biệt về dàn dựng với 3 chương, gồm các chương trình nghệ thuật, thực cảnh, diễu hành với các chủ đề: “Hà Nội ngày về chiến thắng”, “Hà Nội - dòng chảy di sản”, “Hà Nội - Thành phố hòa bình - Thành phố sáng tạo”. Trong đó, màn tái hiện hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô gây xúc động mạnh, trở thành hình ảnh “hot trend” trên mạng xã hội khi người dân hôm nay lại được sống trong cao trào cảm xúc của Hà Nội 70 năm về trước với “trùng trùng quân đi như sóng”, cờ hoa rợp trời...

Để có được màn trình diễn mãn nhãn như vậy, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, từ nhiều tháng nay, các đơn vị được phân công đã dồn sức để chuẩn bị, tập luyện cho chương trình này với tinh thần quyết tâm cao nhất để tạo nên một chương trình đẳng cấp, xứng đáng với những dịp kỷ niệm trọng đại của Thủ đô. Chính vì thế, dù chỉ có 2 ngày tổng duyệt tại thực địa nhưng hàng chục nghìn người thuộc hàng trăm đoàn vẫn có sự ghép nối ăn ý, tạo nên một màn trình diễn chưa từng có.

Người dân, nghệ nhân là chủ thể show diễn

Thú vị và đậm đặc giá trị văn hóa Hà Nội, mang bản sắc Thủ đô, chương “Hà Nội - dòng chảy di sản” là một điểm nhấn đặc biệt trong chương trình. Ở chương này, công chúng được biết đến nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Hà Nội như kéo co, hội thổi cơm thi làng Thị Cấm, tín ngưỡng Mo Mường, tín ngưỡng thờ Thánh Gióng, Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử; ca trù, hát xẩm, hát múa Ải Lao, rối nước...

Ở đây, yếu tố sân khấu hóa đã không còn, thay vào đó, “Hà Nội - dòng chảy di sản” giống như một “đại từ điển” sống được minh họa bằng chính người dân và các nghệ nhân đang thực hành di sản phi vật thể tại địa phương. Nói một cách khác, người dân không chỉ là “người xem” như thường thấy mà đã trở thành chủ thể của show diễn. Họ mang tới đây vốn cổ của cha ông, góp phần “khoe” sự giàu có của văn hóa Thăng Long nghìn năm tuổi và truyền niềm tự hào ấy cho cộng đồng. Tình yêu, niềm tự hào của cộng đồng có di sản chính là điều kiện quan trọng nhất để vốn quý của cha ông không phải là “kho báu trong rương”. Chúng tôi gặp ở ngày hội này không biết bao nhiêu người dân, nghệ nhân đang tha thiết được góp sức để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, mà trước nhất là được giới thiệu vốn quý ấy đến với đông đảo công chúng. Chị Nguyễn Thị Chanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chiêng Mường xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) chia sẻ, 42 thành viên trong đoàn đã hăng say luyện tập nhiều tháng trời với mong mỏi được góp thêm sắc màu trong bức tranh di sản của Thủ đô. Hay với ông Vương Quốc Trị (người dân ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm), người góp mặt trong đoàn diễu hành giới thiệu tín ngưỡng thờ Phù Đổng Thiên Vương, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” là cơ hội quý để người dân địa phương giao lưu, học hỏi và quảng bá nét đẹp văn hóa của quê hương mình.

Chính vì điều đó, tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng ban Tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” nhấn mạnh: Nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ. Và đặc biệt hơn nữa, sự kiện này thực sự là ngày hội của người dân Hà Nội vì được thực hiện bởi hàng nghìn người dân Thủ đô.

dai-thuc-canh-1.jpg
Chương trình nghệ thuật diễn ra trong sự kiện “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” với quy mô hoành tráng nhưng tinh tế đã tạo nên một mốc son trong việc tổ chức các sự kiện lễ hội tại Việt Nam. Ảnh: Viết Thành

Xứng danh “Thành phố sáng tạo”

Tổ chức một sự kiện lễ hội với quy mô chưa từng có, thậm chí còn gây bất ngờ cho công chúng bởi sự sắp xếp thần tốc và phối hợp rất “ngọt” của nhiều đơn vị, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” có thể xem là một mốc son trong lĩnh vực tổ chức lễ hội văn hóa của Hà Nội, cho thấy sự trưởng thành của “Thành phố sáng tạo” đang xác định mục tiêu lấy văn hóa làm động lực phát triển.

Phát biểu tại sự kiện, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá: Hà Nội đã có những bước chuyển mình ngoạn mục, đặc biệt là kể từ khi Hà Nội được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo” đầu tiên tại Việt Nam. Thành phố đã nỗ lực chung tay bảo tồn cả di sản vật thể và phi vật thể, qua đó nêu bật sự giao thoa giữa lịch sử của Hà Nội với những yếu tố hiện đại và đổi mới sáng tạo. Quyết tâm cao của chính quyền thành phố Hà Nội trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công - tư để phát triển nền công nghiệp văn hóa sáng tạo lấy giới trẻ làm nòng cốt... Có thể thấy, thành phố Hà Nội đã xác định rõ văn hóa là một động lực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng. Lễ kỷ niệm và Lễ hội văn hóa vì hòa bình diễn ra hôm nay là minh chứng điển hình về sự thành công của Hà Nội trong nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô văn hóa và sáng tạo của Việt Nam.

Đã 5 năm kể từ ngày trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (năm 2019), tiếp nối mạch nguồn sáng tạo ngàn năm, nhiều năm qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội các nhiệm kỳ rất quan tâm đến phát triển văn hóa, nguồn lực sáng tạo của Thủ đô. Nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, kế hoạch đã được ban hành nhằm xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo”, như Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND của UBND thành phố về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025...

Quyết tâm ấy đã được hiện thực hóa bằng rất nhiều hoạt động gắn với sáng tạo để thổi bùng tinh thần sáng tạo trong nhân dân. Trong đó, có nhiều hoạt động tạo được dấu ấn, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng như “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội”, “Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội”... Và, đúng như nhận định của nhiều chuyên gia, chuỗi hoạt động sáng tạo trong “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” góp thêm một mốc son trên hành trình ấy.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội từng nhận định: Để hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới, Thủ đô cần chú trọng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân về phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”. Làm sao để mỗi người dân phát huy hơn nữa tính sáng tạo trong mọi lĩnh vực, để sự sáng tạo trở thành chất liệu, động lực phát triển Thủ đô trong những năm tới... Như vậy, việc tổ chức thành công những sự kiện văn hóa lớn, trong đó lấy người dân làm trung tâm, trao cho họ vai trò chủ thể đặc biệt quan trọng, là động lực để thực hiện thành công công nghiệp văn hóa ở Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” - mốc son mới của Thành phố sáng tạo: Khi động lực sáng tạo chạm đến mỗi người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.