(HNM) - Trước bối cảnh nền kinh tế ảm đạm, 9 tháng năm 2013, du lịch nước ta vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được chào đón với nụ cười thân thiện. Ảnh: Bảo Lâm |
Vừa mừng, vừa lo
Đánh giá về hoạt động du lịch 9 tháng năm 2013, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế đất nước còn không ít khó khăn, một số yếu tố tác động không thuận lợi đến việc thu hút khách quốc tế đến nước ta nhưng kết quả ngành du lịch đạt được vẫn khá nổi bật. Sau những tháng đầu năm giảm sút, lượng khách quốc tế đã tăng trở lại với tốc độ khá. Thêm vào đó, mức tăng trưởng khách du lịch nội địa tiếp tục ổn định và giữ vững.
Theo Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9-2013 đạt gần 615 nghìn lượt, tăng 28,9% so với tháng 9-2012. Như vậy, tổng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng năm 2013 đạt gần 5,5 triệu lượt (tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2012). Cùng với những tín hiệu đáng mừng, thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng, tạp chí du lịch nổi tiếng của thế giới cũng đã bầu chọn mảnh đất "hình chữ S" là điểm đến hấp dẫn du khách. Dù vậy, những người tâm huyết với du lịch nước ta vẫn canh cánh trước không ít khó khăn mà ngành phải đối mặt.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường đã thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu của du lịch nước nhà thời gian qua. Ông nhấn mạnh, dù đạt được những kết quả nhất định nhưng không nên chủ quan, bởi trên thực tế, công tác quản lý điểm đến, quản lý chất lượng dịch vụ du lịch chưa thực sự có chuyển biến tích cực. Ngay cả công tác quảng bá, xúc tiến tuy được chú trọng hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch. Sự mất cân đối giữa quan hệ cung - cầu về đào tạo hướng dẫn viên (HDV) cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã "xé rào" dùng HDV chưa qua đào tạo hoặc dùng người nước ngoài làm HDV gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh du lịch nước ta. Thậm chí, một số doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế vẫn tổ chức đưa đón khách dẫn đến việc du khách bị bỏ rơi ở nước ngoài. Trong khi đó, công tác quản lý, thanh kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành còn nhiều bất cập.
Theo báo cáo mới nhất về Tổng quan Du lịch Việt Nam do Bộ phận thống kê ASEAN (ASEAN Stats) vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực về thu hút khách du lịch quốc tế sau Thái Lan, Singapore, Malaysia. So với các nước trong khu vực, xuất khẩu du lịch Việt Nam đứng ở nhóm trung bình cùng với Indonesia và Philippines. "Kết quả trên cũng phản ánh đúng thực tế, so với các nước trong khu vực, khả năng phục vụ khách cả về số lượng và chất lượng của ngành du lịch nước ta còn thấp. Thêm vào đó, vấn đề môi trường, thiếu nhà vệ sinh công cộng, tai nạn giao thông cả đường thủy và đường bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch. Chính vì vậy, để ngành du lịch thực sự phát huy thế mạnh, tận dụng tiềm năng thì phải đầu tư đồng bộ từ hạ tầng cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm vệ sinh môi trường, tăng cường quảng bá chiếm lĩnh thị trường…", ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Du khách nước ngoài tham quan Hội An. Ảnh: Như Ý |
Công bố điểm đen "chém" khách
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch thế giới đang nổi lên một số xu hướng, khách du lịch chú trọng vấn đề an toàn, an ninh hơn là giá tour. Vì vậy, chi phí dành cho công tác bảo đảm an toàn, an ninh cho du khách chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá thành các dịch vụ du lịch. Trước tình trạng chèo kéo, lừa gạt du khách làm xấu bộ mặt du lịch trong nước, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và quyết tâm của các địa phương được kỳ vọng sẽ giúp diện mạo ngành du lịch Việt Nam khởi sắc.
Đánh giá sự vào cuộc dẹp nạn "chặt chém" tại một số điểm đến thời gian qua, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, nhờ sự mạnh tay của chính quyền địa phương, ngay cả "điểm đen" Sầm Sơn (Thanh Hóa) cũng đang dần lấy lại niềm tin với du khách. Hay như TP Hồ Chí Minh, nơi xảy ra nhiều vụ cướp tài sản cũng đã triển khai lắp đặt camera tại những nơi tập trung đông du khách. Tới đây, trên trang web của các địa phương, các địa danh du lịch cũng sẽ tích cực tuyên truyền, công bố danh sách những "điểm đen", những cơ sở dịch vụ ép khách, "chặt chém", chèo kéo khách. Hiện Tổng cục Du lịch đang cấu trúc lại trang web, trong đó sẽ thiết lập danh sách "điểm đen" các cơ sở dịch vụ bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để du khách biết.
Những tín hiệu trên cho thấy, đã bước đầu có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, nhưng vẫn cần tạo ra những chuyển biến tích cực hơn nữa, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cộng đồng để đấu tranh với hiện tượng tiêu cực, trả lại hình ảnh đẹp cho du lịch nước nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.