Ngày 28-6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước đã hoàn thành bài thi môn ngữ văn và toán của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Trong đó, thành phố Hà Nội có số thí sinh chiếm hơn 1/10, cũng là địa phương có số lượng thí sinh nhiều nhất. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội, tính đến 18h, kỳ thi được tổ chức đúng tiến độ và bảo đảm an toàn ở các khâu, việc thực hiện quy chế thi được các thành viên tuân thủ, duy trì trong suốt hai buổi thi.
Tăng cường phòng ngừa gian lận
Thông tin gây hoang mang dư luận ngay trong buổi sáng môn thi đầu tiên (môn ngữ văn) là nghi vấn lọt đề thi. Theo đó, vào khoảng 8h sáng 28-6 trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh chụp đề thi môn ngữ văn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhanh chóng nắm bắt sự việc và chuyển thông tin cho Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an vào cuộc xác minh.
Trưa 28-6, Bộ khẳng định chưa ghi nhận có thông tin giải đề hoặc hướng dẫn giải đề từ bên ngoài vào phòng thi và cho biết, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các hội đồng thi tăng cường phương án phòng ngừa thiết bị công nghệ cao để hạn chế tối đa việc có thể gian lận trong phòng thi, quản lý chặt chẽ đề thi theo quy định. Liên quan đến nghi vấn lọt đề thi môn toán, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chuyển thông tin cho Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an xác minh. Các thông tin này hiện không ảnh hưởng đến kỳ thi.
Xác định tính chất quan trọng của một kỳ thi quốc gia, trong đó, kết quả thi vừa được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa được hơn 60% số cơ sở giáo dục đại học trên cả nước sử dụng để tuyển sinh, 189 điểm thi trên địa bàn thành phố Hà Nội đều triển khai nhiều phương án phòng ngừa để chủ động ngăn chặn các nguy cơ gian lận có thể xảy ra.
Tại điểm thi Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ), toàn bộ tư trang, vật dụng không có trong danh mục quy định được bố trí bảo quản tại phòng thể chất. Thí sinh chỉ được phép mang vào các vật dụng theo đúng quy chế và di chuyển đến phòng thi, nơi cách phòng thể chất ít nhất 25 mét. Đây là quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được áp dụng từ hai năm trở lại đây nhằm ngăn ngừa nguy cơ thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao (có thể thu - phát thông tin) để gian lận khi làm bài.
Thí sinh Nguyễn Phương Nhi chia sẻ, việc phải để lại toàn bộ vật dụng cách phòng thi ít nhất 25 mét phần nào có chút bất tiện, nhất là khi trời mưa, song em hiểu rằng, đây là quy định bắt buộc, cần thiết và tự giác chấp hành để cùng góp sức ngăn chặn gian lận.
Còn tại điểm thi Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình) thí sinh được nhắc nhở, giám sát về việc mang vật dụng theo người ở nhiều khâu, bắt đầu từ lúc làm thủ tục gửi đồ tại nơi bảo quản, đến lúc gọi thí sinh vào phòng thi và cả trước khi bóc đề thi.
Cô giáo Đỗ Thị Hồng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), làm nhiệm vụ coi thi tại điểm thi Trường THCS Nam Từ Liêm, cho biết: “Trước khi nhận nhiệm vụ, ngoài việc học kỹ quy chế, chúng tôi còn được nghe hướng dẫn từ lực lượng công an về cách nhận diện các thiết bị có thể được ngụy trang để đem vào phòng thi. Dù đã nhiều lần đi coi thi, song giáo viên chúng tôi tuyệt đối không chủ quan và xác định lấy phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Vì vậy, cùng với việc giám sát, ngăn chặn việc mang tài liệu, vật dụng trái phép ngay từ khâu gọi thí sinh vào phòng thi, trong suốt thời gian làm bài, cán bộ coi thi không rời vị trí và không bỏ sót bất kỳ khâu nào”.
Việc giữ nghiêm quy chế thi thể hiện ở việc tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm quy chế thi trong quá trình coi thi ở tất cả các điểm thi trên cả nước. Trong ngày thi đầu tiên, cả nước có 13 thí sinh vi phạm quy chế (buổi sáng có 11 thí sinh, buổi chiều có 2 thí sinh).
Ngày mai (29-6), hàng nghìn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục làm nhiệm vụ, giám sát chặt chẽ khâu coi thi tại tất cả các điểm thi trên cả nước, bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật trường thi.
Thuận lợi cho thí sinh
Để tổ chức kỳ thi này, 63 hội đồng thi trên cả nước đã thành lập 2.272 điểm thi với hơn 43.000 phòng thi, trong đó, Hà Nội có 189 điểm thi với hơn 4.200 phòng thi. Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội yêu cầu ban chỉ đạo thi của 30 quận, huyện, thị xã tập trung nguồn lực, ưu tiên những điều kiện tốt nhất phục vụ kỳ thi. Theo đó, 189 điểm thi đều là những trường phổ thông đã được lựa chọn kỹ với đầy đủ điều kiện tốt nhất và bảo đảm an toàn, thuận lợi cho thí sinh.
Tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh còn thể hiện ở sự chung sức hỗ trợ của các lực lượng trong suốt thời gian diễn ra các môn thi.
Thành Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội huy động hơn 4.200 tình nguyện viên tham gia chiến dịch “Tiếp sức mùa thi” tại tất cả các điểm thi trên địa bàn thành phố.
Nguyễn Duy Hưng, Đoàn phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), cho biết: “Hơn 30 đoàn viên của quận Đoàn Hoàn Kiếm và Đoàn thanh niên Học viện Ngân hàng, Trường THPT Việt Đức tham gia tiếp sức tại các điểm thi. Chúng em có mặt tại điểm thi từ trước 6h, chuẩn bị nước uống, ô che đón thí sinh...”.
Điểm mới năm nay ở Hà Nội là các trường THPT - nơi được sử dụng làm điểm thi cũng huy động học sinh lớp 11 tham gia hỗ trợ.
Dù tổ chức vào ngày thường, mật độ giao thông có phần đông hơn, một số nơi có mưa lớn, song tình hình giao thông trên các tuyến phố dẫn đến các điểm thi đều suôn sẻ, giúp cho việc di chuyển của các thí sinh nhanh chóng, không bị chậm muộn.
Đại úy Vũ Xuân Khánh, Đội cảnh sát Giao thông số 1, Công an thành phố chia sẻ, với tình huống đột xuất xảy ra, Ban chỉ huy đội đã quán triệt cán bộ, chiến sỹ thực hiện các biện pháp để bảo đảm cho thí sinh đến điểm thi kịp thời, không bị muộn giờ thi.
Với hơn 4.500 thí sinh, dự thi tại 9 điểm thi, quận Đống Đa đặc biệt quan tâm đến điều kiện tổ chức kỳ thi để bảo đảm thuận lợi nhất cho thí sinh và người nhà thí sinh. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa Trịnh Đan Ly cho biết, 9 điểm thi trên địa bàn được duy trì nguồn điện ổn định với các điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất. Mỗi điểm thi đều được bố trí 1 trường học gần nhất làm điểm chờ với quạt mát, nước uống, khu vực đỗ xe... để phụ huynh bớt vất vả khi chờ con.
Bà Nguyễn Thị Mai, có con dự thi tại điểm thi Trường THPT Đống Đa, chia sẻ: “Chúng tôi được hướng dẫn tập trung chờ con tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện rất rộng rãi và an toàn. Mối lo về việc đưa đón, chờ con thi khi thời tiết mưa lớn hoặc nắng to không còn nữa”.
Đề thi hai môn ngữ văn và toán năm nay được đánh giá không làm khó nhiều thí sinh, phạm vi kiến thức nằm trong chương trình đã học, chủ yếu ở lớp 12 và có cấu trúc tương tự như đề thi minh họa do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Theo đánh giá của một số giáo viên, đề thi hai môn bảo đảm mục đích của đề thi tốt nghiệp THPT, đồng thời có câu hỏi mang tính phân hóa.
Việc trải qua ngày thi đầu tiên khá suôn sẻ là động lực để thí sinh yên tâm, sẵn sàng bước vào ngày thi thứ hai, cũng là ngày thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (hoặc khoa học xã hội) và ngoại ngữ. Đây đều là các bài thi trắc nghiệm khách quan.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Các thí sinh cần lưu ý quy định này để chủ động giải quyết các vấn đề cá nhân trước khi vào giờ thi. Thời gian làm bài của bài thi tổ hợp là 150 phút.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.