(HNMO) - Hôm nay, 1-7, thành phố Hà Nội chính thức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, các đơn vị đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng và việc vận hành trong ngày đầu tiên áp dụng thực hiện mô hình mới cơ bản diễn ra trơn tru, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cho người dân.
Ổn định, người dân hài lòng
Sáng sớm 1-7, UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) gấp rút hoàn thành công đoạn cuối của việc thay biển hiệu “Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường Hoàng Liệt" thành “Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Hoàng Liệt”.
Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Tạ Văn Hải, cho biết: “Phường đã sẵn sàng thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ngay từ việc chuẩn bị nhân sự đến nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị giải quyết thủ tục hành chính, như máy tính và các phương tiện liên quan đến công nghệ. Cùng với đó, chúng tôi yêu cầu cán bộ, công chức phải đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo và hiệu quả trong thực hiện công vụ, giải quyết thủ tục hành chính”.
Công chức tư pháp - hộ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) Đoàn Thị Thanh Ngọc cho biết, trong sáng 1-7, chị đã tiếp nhận 10 hồ sơ và các hồ sơ này đã được ký, giải quyết ngay cho công dân. Trước đó, các công chức đã được hướng dẫn nghiệp vụ để có thể hoàn thành nhiệm vụ mới một cách tốt nhất.
Theo Bí thư Đảng ủy phường Cống Vị (quận Ba Đình) Nguyễn Văn Hưng, phường đã thực hiện theo quy trình 5 bước đối với chủ tịch và các phó chủ tịch UBND phường, đồng thời rà soát toàn bộ và chuyển hồ sơ của cán bộ, công chức phường lên quận để đề xuất thành công chức do UBND quận quản lý. Trong ngày 1-7, UBND phường đã ban hành quy chế làm việc để thuận tiện trong việc triển khai.
Chia sẻ niềm vui khi được chính thức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) Phan Bá Tường cho biết, phường đã chuẩn bị, thực hiện tất cả kế hoạch của thành phố và quận, xây dựng quy chế làm việc của chính quyền phường, phân công 13 cán bộ, công chức bắt tay vào công việc, phục vụ nhân dân, không để có sự gián đoạn khi chuyển giao thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Anh Đỗ Ngọc Lâm (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân), đến chứng thực hồ sơ xin việc tại bộ phận “một cửa” của UBND phường Hạ Đình, chia sẻ: “Tôi đã được cán bộ hướng dẫn chu đáo và khá hài lòng”.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại UBND các phường: Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), Phố Huế (quận Hai Bà Trưng), Hạ Đình (quận Thanh Xuân)…, không khí làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc. Tại đây, chia sẻ của các công dân cho thấy sự hài lòng khi đến làm thủ tục hành chính trong ngày đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Tiếp tục hướng dẫn thực hiện mô hình
Trong hai ngày 30-6 và 1-7, các quận và thị xã Sơn Tây cũng hoàn thành việc công bố các quyết định nhân sự chủ tịch, phó chủ tịch UBND các phường trên địa bàn; chuyển công chức các phường thành công chức do UBND quận, thị xã quản lý theo đúng hướng dẫn của Trung ương và thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, bên cạnh quyết tâm triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, trong ngày đầu triển khai cũng còn một số phường chưa kịp hoàn thành con dấu, văn bản ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch, nên việc ký chứng thực tại những nơi này vẫn do lãnh đạo phường thực hiện. Cùng với đó, một số nội dung cần sớm có chỉ đạo, hướng dẫn để việc áp dụng trên thực tế được trôi chảy.
Theo Chủ tịch UBND phường Lê Lợi (thị xã Sơn Tây) Nguyễn Mạnh Hùng, hiện phường vẫn chưa nhận được con dấu (đang làm) nên chưa bàn giao việc ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, giai đoạn đầu triển khai cũng có những khó khăn nhất định, cụ thể như cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về chế độ công chức, dẫn đến khó triển khai các chế độ tài chính, tiền lương.
Chung quan điểm, Chủ tịch UBND phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) Phan Bá Tường cho rằng, mô hình chính quyền đô thị cũng có nhiều cái mới nên cần có hướng dẫn cụ thể. “Chúng tôi kiến nghị thành phố sớm có văn bản hướng dẫn mô hình hoạt động của Đảng ủy, các ban, ngành, đoàn thể, để việc triển khai thí điểm hiệu quả ngay từ những ngày đầu, tháng đầu”, ông Phan Bá Tường cho hay.
Chủ tịch UBND phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) Bùi Thị Kim Khuê cho rằng, do phường có hơn 30.000 dân, địa bàn đan xen khu dân cư truyền thống và chung cư cao tầng nên công tác quản lý có khó khăn riêng. Vì vậy, chính quyền phường mong muốn được bổ sung một số cán bộ công nghệ thông tin và đô thị.
Băn khoăn về việc triển khai mô hình mới khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, Chủ tịch UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) Lưu Đình Lượng mong muốn thường xuyên có sự lãnh đạo, hướng dẫn của quận và các sở, ngành của thành phố.
Ở góc độ người dân, ông Lê Thăng Long (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, nhiều người chưa hiểu được lợi ích của chính quyền đô thị mới mang lại, do đó người dân mong muốn được tuyên truyền nhiều hơn để cùng UBND các phường triển khai tốt chủ trương chung, góp phần phát triển Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.