(HNM) - Hôm nay, các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5, ngày hội của người lao động trên khắp hành tinh đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới.
Hình ảnh người lao động Mỹ đòi giảm giờ làm đã đi vào các tác phẩm hội họa. |
"8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi", dòng chữ trong biểu ngữ của hàng vạn công nhân Chicago khi xuống đường biểu tình ngày 1-5-1886 đã đi vào lịch sử và trở nên bất hủ. Nó đánh dấu một mốc mới trong cuộc đấu tranh đòi giảm giờ làm lâu dài và bền bỉ giữa tư bản và người lao động; đồng thời tạo nên một sự thay đổi căn bản về tư tưởng của người lao động khi họ dám đứng lên để bảo vệ quyền lợi của chính mình trước giới chủ.
Đúng vào ngày này 124 năm trước, công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công đòi giới chủ thực hiện yêu cầu giảm giờ làm. Khởi đầu từ thành phố Chicago với các cuộc biểu tình quyết liệt, cuộc đấu tranh lan tới Washington, New York, Baltimore, Boston… và ngày càng thu hút được nhiều người tham gia. Cũng trong ngày 1-5 năm đó, tại các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với sự góp mặt của 340 nghìn công nhân. Giới chủ tức giận thuê lực lượng khiêu khích và cảnh sát đàn áp khiến nhiều cuộc xung đột đã xảy ra dữ dội, làm hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt... Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ có một cuộc nổi dậy của người lao động, nhất là tầng lớp làm công ăn lương trong các nhà xưởng, lại mạnh mẽ, toàn diện đến vậy.
Dòng máu hy sinh của những người công nhân Chicago quả cảm đã không uổng phí. Lòng căm phẫn của công nhân Mỹ và những người lao động thế giới bùng cháy. Ngày 20-6-1889 (3 năm sau "thảm kịch" Chicago) Quốc tế Cộng sản II nhóm họp tại Paris (Pháp) dưới sự lãnh đạo của Frederic Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định đoàn kết giai cấp công nhân quốc tế đấu tranh cho khẩu hiệu "Ngày làm 8 giờ" và lấy ngày 1-5 hằng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. Kể từ đó, ngày 1-5, mở đầu bằng sự kiện dữ dội ở Chicago, đã trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày của giai cấp công nhân và đoàn kết quốc tế.
Ngày nay, cho dù thế giới đã trải qua nhiều thăng trầm, đời sống quốc tế đã có nhiều đổi thay, tinh thần ngày 1-5 vẫn vẹn nguyên giá trị. Hôm nay vẫn là ngày mà người lao động khắp thế giới tôn vinh những thành quả đạt được và đấu tranh cho bình đẳng xã hội, cải thiện môi trường làm việc và đòi quyền được có việc làm. Đây là vấn đề ngày càng trở nên nóng bỏng khi tỉ lệ thất nghiệp trên thế giới đang ngày càng gia tăng; đặc biệt sau cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ qua. Tổ chức Lao động Quốc tế cảnh báo số người thất nghiệp năm 2009 trên toàn cầu đã lên tới con số kỷ lục 212 triệu người, tăng 34 triệu người so với năm 2007 và còn tiếp tục tăng cao hơn nữa trong năm 2010 này, nếu chính phủ các nước không có những biện pháp hữu hiệu ổn định kinh tế, tạo việc làm cho người dân. Những con số này là lời cảnh báo mạnh mẽ về việc bảo vệ quyền lợi người lao động, những người ngày ngày đang làm ra của cải vật chất nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.